Sốc với hình ảnh những người phụ nữ bó chân cuối cùng của Trung Quốc

09/06/2014 11:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 100 năm sau khi tục bó chân kéo dài hàng thế kỷ bị cấm ở Trung Quốc, vẫn còn những người phụ nữ đang sống, là bằng chứng cụ thể về tập tục này.

Từng là biểu tượng của vẻ đẹp và đẳng cấp, tục bó chân để tạo ra những "gót sen" đã được thực hiện ở Trung Quốc từ thế kỷ 10. Tục này bắt đầu không còn được ưa chuộng trong thế kỷ 20, trước khi bị đưa ra ngoài vòng pháp luật trong năm 1911.

Giờ đây, những người phụ nữ từng bó chân đã đồng ý cho nhiếp ảnh gia Hong Kong Jo Farrell chụp, trong khuôn khổ một dự án nhằm tôn vinh cuộc sống của họ. Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu với độc giả những bức ảnh độc đáo này.


Tục bó chân từng rất phổ biến ở Trung Quốc, là biểu tượng của vẻ đẹp và đẳng cấp


Zhao Hua Hong là một trong số những người phụ nữ cuối cùng thực hiện tục bó chân


Tục bó chân bắt đầu từ đời Tống và bị cấm vào năm 1911


Hoạt động bó chân bắt đầu khi bé gái được từ 4-9 tuổi, trước khi đôi chân phát triển hoàn toàn. Nó thường diễn ra trong các tháng mùa đông, khi đôi chân tê cóng vì cái lạnh.


Chân được nhúng vào một hỗn hợp ấm, làm từ lá thuốc và máu động vật, để giúp nó mềm ra. Các móng chân được cắt sâu nhất có thể. Tiếp đó từng ngón chân trong mỗi bàn chân sẽ bị bẻ ngược lại, ép chặt vào lòng bàn chân, dồn về phía gót chân, cho tới khi tất cả các ngón chân đều gãy.

Tiếp đó xương bàn chân bị làm cho gãy, trước khi người ta quấn băng quanh đôi chân, ép chặt các ngón xuống dưới lòng bàn chân. Chân sẽ thường xuyên được tháo băng, rửa sạch, xoa bóp cho mềm rồi quấn băng trở lại chặt hơn. 


Nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc từng bó chân bởi đó là dấu hiệu của vẻ đẹp, cũng là một trong những yêu cầu để họ cưới chồng hoặc được về làm dâu trong nhà khá giả. 


Những người phụ nữ, gia đình và chồng họ thường rất tự hào nếu họ sở hữu một đôi chân "nhỏ xinh", với chiều dài lý tưởng khoảng 7cm


Rất nhiều người phụ nữ từng bó chân đã phải chấp nhận sống cảnh tật nguyền. Các nhà truyền giáo làm việc ở Trung Quốc trong giai đoạn cuối những năm 1800 đã đề nghị cấm tập tục này để tăng cường bình đẳng giới giữa đàn ông và phụ nữ. 

Tường Linh
Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm