Ai yêu thể thao đều biết trong hai tay đấu box, chỉ có một người thắng. Nhưng để có một trận đấu đẹp, ta cần hai người giỏi. Thật không may, ngày nay mọi sự chú ý chỉ dồn cho kẻ chiến thắng. Tôi thấy chuyện này thật buồn.

CẢ SỰ NGHIỆP CỦA ARSENE WENGER LÀ CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG NGỪNG VÌ TRIẾT LÝ

 

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2005, chuyên gia viết tiểu sử người Pháp Xavier Rivoire được mời tới nhà của Arsène Wenger, ở Totteridge, Bắc London. Đội bóng vô địch Premier League bất bại của ông đang là một tượng đài và Wenger - kỹ lưỡng, kiệm lời, có phần lập dị - được coi là kiến trúc sư cầu kỳ của thứ bóng đá trôi chảy, tốc độ, và đẹp mắt.

Ít người nghĩ thứ bóng đá đó có thể xuất hiện ở Anh. Sự tinh tế của Arsenal - những pha lên bóng tốc độ, những bước chạy ngẫu hứng - đã cho giải Ngoại hạng thấy một điều khác lạ, một hệ thống tinh tế mà chỉ người tạo ra nó mới hiểu nổi. Với Wenger, người sau này nói mục tiêu của bất cứ điều gì trong cuộc đời phải là làm nó giỏi tới mức nó trở thành một nghệ thuật. Đúng như tuyên bố của ông, đội bóng bất bại của Wenger quả là một kiệt tác. 

Phần lớn thời gian rảnh, Wenger ở nhà. David Dein, cựu chủ tịch Arsenal, người đã đưa ông về năm 1996, đùa rằng chiếc xe secondhand tốt nhất bạn có thể mua được là của Wenger, “vì chiếc xe chẳng đi đâu cả. Nó chỉ đi tới sân tập và về nhà, và tới sân vận động vài lần mỗi tuần”. Khi ở nhà, Wenger rất tập trung vào những gì ông thích. Ông có thể đọc sách hàng giờ liền tới bên cạnh những cốc espresso cho tới khi mặt trời lặn. Wenger cũng yêu hội họa - một người bạn của ông có một gallery ở Nice - nhưng ông hiếm khi đi ra ngoài. Ông thích rượu ngon, nhưng cũng ít uống. Sau các trận đấu, ông không uống với các HLV đối thủ, ông muốn về nhà. “Ông ấy là một người sống rất riêng tư”, Dein nói. “Ngoài gia đình, cả cuộc đời ông dành cho bóng đá”.

Trong nhà của Wenger, Rivoire thấy đồ nội thất rất khiêm tốn. Wenger sống với vợ ông Annie Brosterhous, một cựu cầu thủ bóng rổ, người tới xem mọi trận đấu của Arsenal. (“Bà ấy không phải dân mê bóng đá, nhưng thích thể thao nói chung” - Wenger nói, và thú nhận: “Bà ấy cũng không có nhiều lựa chọn”). Trong tự truyện viết cho Wenger năm 2007, Rivoire mô tả căn nhà là “một cái kén cách xa thế giới bên ngoài, hoàn toàn yên tĩnh và không có ai quấy rầy, một ốc đảo im ắng”. Ông cũng đã trao đổi với một người bạn giấu tên của Wenger có mặt ở nhà. “Nhà họ không có gì hào nhoáng”, người bạn nói. “Arsène để cho Annie chăm lo nhà cửa, ông đơn giản là không có thời gian. Ông có nhiều trận đấu phải xem, những vụ chuyển nhượng phải chốt lại, và sách vở cần phải đọc”.

Wenger khá thích đọc sách. Sách ông đang đọc chính là tự truyện mới của ông: "Cuộc cách mạng Wenger - 20 năm của Arsenal"

 

Chủ nghĩa chiết trung của Wenger là điều đã nổi tiếng. Ông nói được tiếng Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy, và một ít tiếng Nhật; ông có bằng kinh tế học ở Đại học Strasbourg. Ở nhà ông, Rivoire thấy những kệ sách dài sách tiểu sử, các toàn tập chính trị học, lịch sử, tôn giáo. Sách bằng tiếng Anh và Pháp. Có những cuốn về Julius Caesar, Giáo hoàng Pius XII; cuốn The English (tạm dịch: Người Anh), của Jeremy Paxman. Wenger xem các chương trình chính trị và bình luận xã hội, có quan điểm rõ ràng về các vấn đề địa chính trị. Năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn với báo Times và Daily Mail, ông tiên đoán về việc các chính phủ trên thế giới sẽ xử trí vấn nạn lừa đảo tài chính. “Mọi người tiếp tục chấp nhận 50 người trên thế giới sở hữu 40% tài sản,” ông nói. “Không thể biện hộ cho điều đó một cách nhân văn. Không thể chấp nhận việc 2 tỉ người sống ở mức dưới 2 đô-la một ngày. Tôi không tin chúng ta còn có thể chấp nhận điều đó”.

Trong suốt sự nghiệp của Wenger, quan điểm chung này đã dẫn tới hàng loạt trích dẫn đáng nhớ. Một lần, khi Sepp Blatter chỉ trích các CLB hàng đầu vì lôi kéo những cầu thủ trẻ, Wenger đáp: “Nếu bạn có một đứa con là nghệ sĩ âm nhạc giỏi, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Là đưa nó vào một trường âm nhạc tốt, chứ không phải một trường tầm tầm. Vậy tại sao điều đó không diễn ra trong bóng đá?”. Năm 1998, khi Arsenal bị chính các CĐV của họ la ó trong trận hòa 1-1 với Middlesbrough, ông nói: “Nếu ngày nào bạn cũng ăn trứng cá muối, thì khó mà quay lại ăn xúc-xích”. Khi Chelsea bị cáo buộc lôi kéo bất hợp pháp Ashley Cole, Wenger nhận xét: “Bạn không thể chấp nhận người khác tới dưới cửa sổ nhà bạn và nói chuyện với vợ bạn mỗi tối mà không đặt câu hỏi chuyện gì đang xảy ra”. Một lần khác, Wenger được hỏi ông đã nhận được lời xin lỗi mà Sir Alex Ferguson nói đã chuyển cho ông chưa. “Chưa,” ông đáp. “Có lẽ ông ấy gửi bằng ngựa chăng?”.

Trong bóng đá, sự cẩn trọng của ông khiến ông trở nên dị thường. Khi Lee Dixon lần đầu nhìn thấy Wenger năm 1996, anh so sánh ông với một giáo viên địa lý. Dein cũng không mất nhiều thời gian để xác định ông là một người học thức và lịch lãm. Năm 1989, khi Ligue 1 đang nghỉ Đông, Wenger tới dự khán một trận đấu ở Highbury. Vào giờ nghỉ, Dein tự giới thiệu mình với ông; tối hôm đó, họ và hai bà vợ tới ăn tối ở nhà một người bạn. Người bạn này làm trong ngành giải trí và họ chơi trò đoán các nhân vật. Thường thì người ta chọn các nhân vật của bộ phim vừa phát hành. Tới lượt Wenger, ông chọn một nhân vật trong Giấc mộng đêm hè, vở kịch viết vào thế kỷ 16 của William Shakespeare. Các HLV bóng đá nói chung không làm thế. Dein nói: “Tôi nghĩ ngay gã này đặc biệt đây. Khác biệt”.

Wenger nổi tiếng ăn mặc sành điệu, có gu thời trang

 

Wenger sinh ở Strasbourg, thủ phủ vùng Alsace miền Đông Pháp, gần biên giới với Đức. Gia đình ông sống ở Duttlenheim, một làng nhỏ chỉ có khoảng 2.500 dân, cách thành phố 20 km về phía nam. Đó là một cộng đồng thuần nông, sùng đạo Công giáo La Mã. Cha ông, Alphonse, có một cửa hàng bán phụ thùng xe hơi ở Strasbourg. Ông còn có một quán ăn ông mở cùng vợ, bà Louise, tên là La Croix d’Or. Nó nằm gần căn nhà tiểu tư sản của họ, nơi Wenger lớn lên cùng chị gái và anh trai ông.

Thời niên thiếu, Wenger dành nhiều thời gian ở quán ăn. Đó là một nơi kiểu truyền thống. “Tôi lớn lên trong một quán ăn nơi bạn không nhìn được từ đây ra tới cửa sổ vì khói,” ông từng nói. Bóng đá rất được ưa thích ở Duttlenheim, nên các cầu thủ và HLV là nhóm khách quen của quán. “Không có sự giáo dục tâm lý nào tốt hơn là lớn lên trong một quán ăn, vì khi bạn 5-6 tuổi, bạn đã gặp đủ loại người và nghe đủ thứ độc ác họ nói về nhau”, Wenger nói năm 2009. “Từ nhỏ bạn đã được giáo dục thực tế, về tâm lý, để xem người ta nghĩ gì… Tôi học được về chiến thuật và lựa chọn đội hình từ những người nói về bóng đá trong quán ăn, những người chơi bên cánh trái, những người muốn có mặt trong đội hình”.

Wenger đá cho đội bóng của làng. 12 tuổi, ông là một tiền vệ chậm chạp, nhưng rất sáng nước. “Ông ấy luôn là chiến lược gia của đội bóng”, Jean-Noël Huck, một đồng đội cũ, nói. “Ông ấy truyền đạt các ý tưởng của mình trầm tĩnh cho cả đội… Arsène không phải đội trưởng, nhưng thực ra ông ấy chính là đội trưởng”. Cuối những năm 1960, Wenger gia nhập AS Mutzig, một đội láng giềng chơi cho giải nghiệp dư tốt nhất ở Alsace. Đó là một bước tiến, nhưng hơi muộn. “Tôi bắt đầu tập từ năm 9 tuổi, nhưng tới 19 tuổi tôi mới gặp HLV thật sự đầu tiên”, Wenger nói. “Tôi nghĩ đó chỉ là một giấc mơ vì lớn lên ở một ngôi làng nhỏ, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp với tôi là một hành tinh khác. Cha mẹ tôi thấy khó chấp nhận là con trai họ, đã học chăm chỉ ở trường, giờ lại làm việc với bóng đá. Lúc đó, bóng đá không phải là một nghề cho những người nghiêm túc. Họ muốn tôi thành luật sư, bác sĩ, hay tương tự thế. Tôi phải đấu tranh để thuyết phục cha mẹ mình”.

Bước tiến đó giúp Wenger lên chơi ở hạng Ba Pháp. “Cậu ấy luôn háo hức học hỏi,” Max Hild, HLV của Mutzig, nói với Rivoire. “Cậu ấy muốn biết mọi thứ, tư chiến thuật tới chiến lược của đội bóng, và làm sao để cải thiện liên tục”. Wenger sau đó không chỉ là một cầu thủ với Hild. Họ sẽ tranh luận và phân tích trận đấu cùng nhau, và sang bên kia biên giới xem Bundesliga. Lúc bấy giờ bóng đá Đức đang ở đỉnh cao: Tây Đức vô địch Euro 1972 và World Cup 1974, trong khi Bayern München đăng quang ở Cúp C1 1974, 1975 và 1976. Wenger và Hild nhiều khi 4 giờ sáng mới về nhà. “Chúng tôi sẽ dừng trên đường cao tốc ăn bánh mì và uống cà phê, không bao giờ uống bia”, Hild nói với Rivoire. “Tôi hiếm khi thấy Arsène nhậu nhẹt…”

Vùng Alsace đậm chất Đức định hình suy nghĩ của Wenger theo nhiều cách. Hild: “Việc chúng tôi ở gần biên giới với Đức đã khiến chúng tôi nhấn mạnh kỷ luật và sự tận hiến, rất Đức. Bạn có thể nhìn thấy khát khao làm việc ở Arsène. Cậu ấy giỏi những việc cậu ấy làm, tài năng, nhưng có phương pháp. Wenger: “Tôi là người Pháp, nhưng chịu ảnh hưởng Đức. Ngay cả cách mà tôi nhìn nhận bóng đá”. Nước Đức cũng định hình chủ nghĩa quốc tế nơi ông. “Tôi sinh ngay sau cuộc chiến, tôi lớn lên ghét nước Đức”, ông nói năm 2009. “Nhưng điều đó cũng kích thích sự tò mò, vì khi tôi đi qua biên giới, tôi thấy người Đức cũng chẳng khác gì, họ cũng chỉ muốn vui vẻ, và tôi nghĩ thật ngu ngốc nếu cứ ghét họ. Đó là lý do khiến tôi muốn sống ở khắp nơi trên thế giới”.

4 năm sau khi gia nhập Mutzig, Wenger chuyển tới Mulhouse ở hạng Nhì. Đội này vừa lên chuyên nghiệp và trả ông mức lương tương đương 50 bảng/tuần. Nơi đóng đội cách Strasbourg một giờ lái xe, nên ông kết hợp sự nghiệp cầu thủ với bằng cử nhân kinh tế học Đại học Strasbourg. Ông cũng đại diện cho đội sinh viên của trường. Khi họ bay sang Uruguay dự giải Sinh viên Thế giới năm 1976, ông cũng đi dù biết chấn thương đồng nghĩa với việc ông không thể ra sân. Ông giúp đội mang hành lý, đùa cợt, và nói chuyện chiến thuật. Jean-Luc Arribart, đội trưởng đội sinh viên, nói với Rivoire: “Tới cuối chuyến đi, Arsène gần như đã trở thành trợ lý HLV và là cây cười của đội”.

Wenger không kiếm được suất đá chính ở Mulhouse. Nhưng sau đó HLV bị sa thải, người tới thay là Paul Frantz. Frantz từng dẫn dắt RC Strasbourg những năm 1960, và giống như Wenger, ông sống trong thành phố. Họ sẽ nói chuyện bóng đá với nhau khi đi làm. “Những chuyến đi trên tàu đó đã tạo động lực cho cả hai chúng tôi”, Frantz nói với Rivoire. “Tôi trò chuyện để giúp Arsène hòa nhập vào đội bóng, và cậu ấy trở thành tiếng nói của tôi trong đội. Cậu ấy truyền tải ý tưởng chúng tôi trao đổi trên tàu ra sân bóng, và cậu ấy tổ chức các đồng đội theo cách chúng tôi đã trao đổi. Tôi không cần phải nói nhiều, mọi chuyện thật tự nhiên”.

Frantz cứu Mulhouse khỏi rớt hạng rồi ra đi. Wenger, mệt mỏi vì phải đi làm xa, cũng rời CLB, tìm một đội bóng gần thành phố hơn. Tình cờ, một đội giàu tham vọng ở Strasbourg tên là AS Vauban đã thuê Hild. Wenger cũng tới theo và CLB chơi tốt. Điều đó dẫn tới việc RC Strasbourg thuê Hild làm HLV đội dự bị. Đội chính của họ đã giành quyền dự Cúp C3, nên Hild được cử đi trinh sát đối thủ ở nước ngoài. Ông cần người thay, và Hild đề nghị Wenger với ban lãnh đạo. Năm 1978, ở tuổi 28 và sự nghiệp cầu thủ đang bế tắc, Wenger đã nhận lời.

Mùa Hè đó, khi bạn bè ông bay sang TNK và Hy Lạp để nghỉ mát, Wenger tới Cambridge. Ông không muốn sống cả đời ở Pháp và muốn cải thiện tiếng Anh. Ông tìm chỗ trọ, và gần nơi ông ở có một cô gái dạy tiếng Anh. Wenger theo lớp đó, với những đứa nhóc tuổi từ 12 tới 14. “Tôi chưa bao giờ làm việc chăm chỉ như thế”, ông kể. “Khi tôi về nhà, tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết tiếng Anh và gạch dưới mọi từ tôi không biết. Tôi học tiếng Anh như thế đó”. Đó không phải là lần du học duy nhất của Wenger. Ông từng tới Hungary một tháng để tìm hiểu hệ thống cộng sản Đông Âu. Trở về nhà, ông tin hệ thống đó sẽ không bao giờ hiệu quả.

Vai trò của Wenger ở Strasbourg dần thay đổi. Lúc đầu, ông là HLV-cầu thủ của đội dự bị, và thỉnh thoảng lên đá hậu vệ quét cho đội 1. Khi Strasbourg vô địch Pháp năm 1979, mà Wenger có góp chút sức, ông không ăn mừng: ông đang bận rộn làm việc với đội trẻ. Rồi khi Hild được bổ nhiệm HLV trưởng, Wenger nhận thêm trách nhiệm: “Tôi sẽ lái xe hàng trăm km để gặp các cầu thủ triển vọng”, ông nói. “Đôi khi tôi lái xe hai tiếng liền trước khi trận đấu bắt đầu và đứng sau khung thành trong trời mưa, rồi lại lái về nhà tối hôm đó. Điều mọi người không biết là khi tôi còn là một HLV trẻ, 31 tuổi, ở Strasbourg, tôi đồng thời là HLV, tuyển trạch viên, bác sĩ thể lực, đội trưởng… mọi thứ. Tôi chưa bao giờ học hỏi nhiều như thế”.

Năm 1983, đã giải nghệ nghiệp cầu thủ, Wenger nhận việc trợ lý HLV ở AS Cannes, trên bờ biển nam Pháp. Ông thuê chỗ ở từ một tay họa sĩ trong một căn hộ hầu như chẳng có đồ đạc gì. Ông không bận lòng. Lao ngay vào công việc, ông bắt đầu đọc sách chuyên ngành và nghiên cứu các băng video. Richard Conte, giám đốc đội, nói với Rivoire: “Tôi có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào vào buổi tối, và ở lại chỗ ông ấy tới sáng, ngồi trên ghế cạnh ông ấy, nhưng ông ấy hoàn toàn bị ám ảnh bởi những gì diễn ra trên màn hình. Ông ấy chỉ nhận ra tôi ở đó khi tôi nói: ‘Rồi, ngủ ngon nhé. Gặp lại anh sau.’”

Wenger chỉ ở đó một năm. Năm 1984, Nancy cần một HLV mới, và Jean-Claude Cloët, một cầu thủ Cannes từng ở Nancy, thuyết phục cựu chủ tịch của ông thuê Wenger. “Tôi đảm bảo với ông ấy rằng Arsène nhắm mắt cũng làm tốt được việc này,” Cloët nói với Rivoire. “Ở Cannes, chỉ sau 5 tuần làm việc với Wenger, tôi đã tự nhủ: ‘Ông ấy lãng phí thời gian ở đây làm quái gì nhỉ? Ông ấy quá giỏi với chúng tôi.’”

Đó không phải là một khởi đầu dễ dàng cho Wenger. Sau những năm 1970 đáng nhớ, với Michel Platini trong đội hình, Nancy giờ là ứng viên rớt hạng. Trong mùa đầu tiên của Wenger, họ về đích ở giữa bảng xếp hạng. Mùa thứ 2, họ suýt rớt hạng. Mùa thứ 3, họ rớt hạng. Wenger không coi nhẹ các thất bại. Một lần, sau một trận tồi tệ ở Lens, ông đã nôn trước mặt BHL để cho thấy sự kinh tởm của ông. Mùa thứ 3, khi Nancy thua trận trước kỳ nghỉ Đông, ông đã ra lệnh cấm trại và hủy lễ Giáng sinh. Bạn bè và gia đình cũng bị cấm tới thăm.

Việc Nancy xuống hạng không làm các đội khác đánh giá thấp Wenger. AS Monaco thuê ông năm 1987. Họ mua Glenn Hoddle và Mark Hateley. (Một chữ ký khác là Patrick Battiston, người đã bị Harald Schumacher đá gẫy răng ở World Cup 1982). Wenger yêu cầu Conte tìm cho ông một căn hộ cách bờ biển vài trăm mét. Căn hộ nhanh chóng chất đầy băng video. “Chúng tôi không biết Arsene trước đó, nhưng ấn tượng của tôi là ông ấy rất quyết liệt”, Hateley kể. Một cầu thủ nói với Rivoire: “Ông ấy cơ bản là sống ở sân tập. Ở nhà, tất cả những gì ông ấy có là một cái giường, trường kỷ, và ti-vi. Quần áo vứt khắp nơi, và ông không bao giờ có ý định dọn dẹp”. Căn hộ 3 phòng đó dự kiến chỉ là tạm thời, tới khi Wenger tìm được chỗ khác tốt hơn. Rốt cuộc, ông đã ở đó 7 năm.

AS Monaco chọn Wenger vào năm 1987

Trên sân tập, Wenger đưa phân tích của ông vào thực hành. Ông có những bài giảng chiến thuật kéo dài 45 phút với cả đội, và sử dụng các công cụ thống kê còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. “Ông ấy cao lớn, điều đó có ích cho việc áp đặt các ý tưởng, nhưng ông ấy có thể chỉ huy cả căn phòng mà không cần lớn giọng”, Claude Puel, người mà cả sự nghiệp làm cho Monaco, nói. “Ông ấy có quyền hành tự nhiên… Ông ấy là HLV đầu tiên tôi làm việc cùng chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể, và chi tiết như thế với băng video. Ông ấy làm việc liên tục, không ngừng nghỉ”.

Wenger không chấp nhận may rủi. Ông bổ nhiệm các bác sĩ, HLV chuyên về chạy nước rút, chuyên gia về cân nặng, chuyên gia dinh dưỡng. Nước uống được điều chỉnh theo nhiệt độ phòng để tăng khả năng hấp thu. Thịt đỏ bị cấm và thay bằng thịt gà. Mọi người đều phải tuân thủ. Một lần, khi một tay đầu bếp mời Wenger một món ngon nhiều đạm, ông từ chối, khăng khăng là ông phải ăn khẩu phần giống cầu thủ. “Chúng tôi có người mát-xa riêng”, Hoddle nói. “Tôi chưa bao giờ có người mát-xa khi đá ở Tottenham. Các cầu thủ khi đó sẽ nói là HLV mềm yếu. Nhưng sau vài tháng, chúng tôi thật sự khỏe hơn, và với chế độ ăn tốt hơn, tôi nhanh chóng vào phom”.

Những thay đổi được đền đáp nhanh chóng. Monaco vô địch Ligue 1 trong mùa đầu tiên của Wenger. Họ cũng giành Cúp QG Pháp, năm 1991, nhưng trở ngại lớn cho những danh hiệu thường là gã nhà giàu mới Marseille. Đội bóng thành phố cảng nhiều CĐV hơn, giàu hơn, và đã “hút máu” không ít ngôi sao từ chính Monaco: Manuel Amoros, Rui Barros, Franck Sauzée. Chủ tịch của họ Bernard Tapie là một nhân vật lớn của bóng đá Pháp, và là kiểu người khiến Wenger rất tức. Một lần, họ suýt đánh nhau. Marseille giành 4 chức vô địch Pháp liên tiếp từ 1989 tới 1992, trong khi Monaco 2 lần về hạng nhì và 3. Wenger cũng thua Marseille ở chung kết Cúp QG 1989, rồi ông còn thua trận chung kết Cúp C2, gặp Werder Bremen, năm 1992. Trong những năm đó, Wenger dần học được cách chế ngự cảm xúc. Ông hút thuốc để giảm căng thẳng. “Mạch máu đập ầm ầm trên trán ông ấy”, Hateley kể. “Ông ấy là một quả bom thật sự trong phòng thay đồ nếu ông ấy không có điều ông ấy muốn”.

Năm 1993, cầu thủ Marseille Jean-Jacques Eydelie bị phát hiện đã gợi ý bán độ cho 3 cầu thủ Valenciennes để Marseille có danh hiệu sớm nhằm tập trung cho trận chung kết Champions League 6 ngày sau gặp AC Milan. Đó là một bê bối lớn. Marseille bị tước danh hiệu vô địch Pháp, giáng xuống Ligue 2 trong 2 năm, và bị cấm đá Champions League mùa tiếp theo. (Dù họ vẫn được giữ chức vô địch giải này sau khi đánh bại Milan). Tapie vào tù. Wenger và nhiều người khác nghĩ đó mới là phần nổi của tảng băng. “Giờ nhìn lại không khỏi nghĩ rằng chúng tôi đã mất 2 chức vô địch Pháp vì những trò bẩn của Marseille”, Puel nói. “Ông ấy cũng tin như thế. Đó là một vết sẹo với Arsène, với tất cả chúng tôi”.

Trước đó, Wenger đã nghi ngờ chính các cầu thủ của ông cũng bị Marseille mua. Mùa Xuân năm 1992, ông và trợ lý Jean Petit đã khiến một cầu thủ phải thú nhận. Wenger nghĩ ông có đủ bằng chứng và Petit sẵn sàng ra tòa làm chứng, nhưng họ không có băng ghi âm. “Tôi muốn cảnh báo mọi người, công khai mọi chuyện, nhưng tôi không có bằng chứng vững chắc”, Wenger nói năm 2006. “Lúc bấy giờ, tham nhũng và doping là vấn đề những nhối, và thật tệ khi tất cả mọi thứ chống lại chúng tôi ngay từ đầu”.

Monaco lại về nhì năm 1993, sau Paris Saint-Germain. Năm 1994, họ rơi xuống hạng 9. Mùa Hè đó, Bayern bày tỏ mong muốn có Wenger, nhưng Monaco từ chối. Sau một khởi đầu nghèo nàn mùa tiếp theo, họ sa thải ông. “Ông ấy thất vọng vì đã kết thúc như thế, nhất là bởi ông rất thích đến Bayern”, Puel nói. “Đó là một cơ hội khác thường cho một người nói tiếng Đức và lớn lên xem Bundesliga. Một sự kết hợp lẽ ra là hoàn hảo”. Cuộc chia tay là cảm giác ngọt ngào lẫn đắng cay. Wenger nói: “Chúng ta sống trong một môi trường chỉ có chiến thắng là ý nghĩa. Ai yêu thể thao đều biết trong hai tay đấu box, chỉ có một người thắng. Nhưng để có một trận đấu đẹp, ta cần hai người giỏi. Thật không may, ngày nay mọi sự chú ý chỉ dồn cho kẻ chiến thắng. Tôi thấy chuyện này thật buồn. Những lừa lọc được tha thứ, miễn là họ chiến thắng”.

Vài tháng sau đó, Wenger bay sang UAE để trình bày một phân tích về World Cup 1994 với các HLV trẻ, trong một cuộc họp kỹ thuật do FIFA tổ chức. Tham dự có đoàn Nhật Bản, nơi mà J. League vừa thành lập năm trước. Ở Nhật, các công ty tư nhân tài trợ cho đội bóng, và Wenger nhận được đề nghị từ Toyota, hãng sở hữu đội Nagoya Grampus Eight. Grampus vừa về bét trong một giải 12 đội, nhưng vẫn được đá tiếp vì chưa có xuống hạng. Bóng đá Nhật Bản lúc bấy giờ là thế giới hoàn toàn xa lạ với châu Âu. Wenger không chắc, nhưng cuối cùng vẫn nhận lời. “Arsène yêu cầu tôi sang đó với ông ấy”, Petit nói với Rivoire. “Ông nói: ‘Tôi sẽ mang anh theo nếu anh muốn. Nhưng tôi báo trước là tôi không biết mình có thích ở đó hay không. Có khi tôi lại mất việc sau 6 tháng đấy’”.

Nagoya là một trong những cảng lớn của Nhật Bản, phía bên Thái Bình Dương, cũng là một trong những thành phố công nghiệp lớn nhất nước. Gary Lineker vừa rời nơi này sau khi đá cho Grampus từ năm 1992. Mùa trước đó khiến Toyota giảm bớt kỳ vọng: mùa tiếp theo mục tiêu là thua ít hơn. Wenger đã bắt gặp chữ ký đầu tiên của ông ngay trong phòng khách sạn. Một tối, khi đang xem một trận ở giải VĐ Brazil, ông thấy một cầu thủ mà ông thích và muốn tìm hiểu. Hóa ra đó là Carlos Alexandre Torres, con trai của Carlos Alberto, hậu vệ phải đeo băng đội trưởng Brazil vô địch World Cup 1970.

Dần dần, qua một người phiên dịch, Wenger xây dựng đội bóng của ông. Các cầu thủ sẽ phải cân trước mỗi buổi tập, những ai thừa cần sẽ bị loại ra khỏi đội hình. Tinh thần ở Nhật khác hẳn ở Pháp. “Với một HLV, có một cầu thủ người Nhật là một giấc mơ”, Wenger nói năm 2013. “Nếu bạn yêu cầu anh ta chạy 10 vòng, bạn chưa nói hết câu thì anh ta đã chạy. Ở châu Âu, bạn phải thuyết phục cầu thủ rằng anh ta cần chạy 10 vòng”. Các cầu thủ Grampus đã quen với việc làm việc cật lực, tới mức Wenger phải giới hạn các phiên tập trong vòng 90 phút. “Lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi phải giấu quả bóng đi để họ ngưng tập”, Wenger nói với Rivoire.

J. League lúc đó có thể thức đấu khá lạ. Không có kết quả hòa. Các trận hòa sẽ phân xử bằng bàn thắng vàng, rồi phạt đền. Đội thắng có 3 điểm, đội thua 1 điểm. Giải vô địch chia làm 2 phần. Mỗi phần, 14 đội gặp nhau 2 lần. 2 đội đứng đầu 2 giải sẽ đá một trận hai lượt để quyết định nhà vô địch. Grampus có vẻ không có nhiều cơ hội. Họ thua 7/8 trận đầu. Một hôm, chủ tịch gọi điện tới văn phòng. Wenger nghĩ ông sắp bị sa thải. “Tôi có một quyết định lớn phải thông báo”, chủ tịch nói. Wenger: “Tôi hiểu…”. “Tôi sẽ sa thải tay phiên dịch”.

Wenger đã gặt hái thành công ở Grampus 

 

Wenger đã cứu được tay phiên dịch, nhưng đó là câu chuyện ông sẽ còn kể nhiều về tầm quan trọng của giao tiếp. Ngay cả với Wenger, tiếng Nhật quá khó. “Chữ kanji có 2.000 hình tự và trẻ nhỏ ở trường học viết mỗi ngày tới năm 14 tuổi”, Wenger nói. “Và ngay cả khi đó chúng vẫn chưa đọc báo được. Tốn rất nhiều thời gian. Ở Nhật, tôi chỉ đọc Japan Times, vì đó là báo tiếng Anh”. Đó không phải là bài học duy nhất ở châu Á. Wenger còn hiểu học ngôn ngữ sẽ giúp hiểu văn hóa ra sao. “Cách thức xây dựng câu từ ảnh hưởng rất lớn lên cách con người cư xử”, ông nói. “Tôi cảm thấy điều đó mỗi khi tôi ở nước ngoài, và khi tôi bắt đầu học ngôn ngữ, tôi luôn cảm thấy tôi hiểu họ hơn”. Ông lấy ví dụ từ tiếng Nhật. Trong tiếng Anh, ta nói “tôi uống nước”. Trong tiếng Nhật, thì thứ tự là “tôi nước uống”. Động từ ở cuối. “Nên ta không thể bỏ lửng câu nói”, Wenger giải thích. “Phải nghe hết câu mới biết người ta muốn gì”.  

Grampus chơi khá hơn, thắng 10/11 trận cuối và về đích hạng 4. Trong phần thứ 2 của mùa giải, họ là đội á quân. Sau đó họ còn giành Cúp QG. Năm 1996, cuộc phiêu lưu 18 tháng kết thúc khi Wenger nhận lời tới Arsenal. Chúng ta đã biết chuyện gì xảy ra ở đó, nhưng có lẽ cần khép lại bằng một câu chuyện mà Wenger vẫn hay kể, để hiểu hết giá trị mà ông theo đuổi suốt cuộc đời. Năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với báo Anh Independent, ông nói: “Các bạn có biết câu chuyện về một tay chơi piano hứa hẹn không? Một hôm anh ta đi nghe hòa nhạc và nghe được một bậc thầy piano biểu diễn. Anh đã xin gặp bậc thầy này sau buổi hòa nhạc, và nói: ‘Tôi sẵn sàng đổi cuộc đời mình để chơi được như ông’. Và bậc thầy nói: ‘Anh bạn trẻ, ta quả đã đánh đổi cuộc đời mình đấy’”.

 

TRẦN TRỌNG

Dịch từ Time on the Ball