27/04/2022 07:51 GMT+7 | Văn hoá
“Thỉnh thoảng bố tôi ngắm nhìn tôi và các anh chị tôi rất lâu, như thể ông muốn ghi nhớ từng đặc điểm trên khuôn mặt của các con. Có lúc ông trầm ngâm nói: “Chà, thật là một lũ trẻ kháu khỉnh. Các con mang dòng máu lai, hãy nhớ lấy điều đó. Các con là người lai Âu-Á, vì vậy mà các con khác biệt và thông minh!”
Từ người đàn bà Việt kiên cường
Cô bé Isabelle lúc đó chắc hẳn rất tự hào về dòng máu lai của mình. Có thể nhiều năm sau này, khi đã lớn hơn, những mặc cảm thân phận, những sự ngây thơ trong lòng đứa trẻ sẽ khác, dù cô bé “hài lòng với khuôn mặt tròn trĩnh và mái tóc đen của mình, nhưng không phải với đôi mắt, bởi vì chúng không đủ sếch”.
“Sau khi tôi viết tiểu sử mẹ Loan, tôi đề nghị nhà S. Fischer Verlag nổi tiếng ở Đức xuất bản. Nhà xuất bản này nhận thấy câu chuyện thú vị và viết tốt. Tôi được mời đến Frankfurt ký hợp đồng. Trong buổi đàm phán, nhà xuất bản nói với tôi rằng cơ hội xuất bản một cuốn sách ở Đức về cuộc đời của một người phụ nữ Việt Nam là rất mong manh”.
Vậy là thay vì xuất bản tiểu sử Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, Müller bỏ ra hai năm để viết mới Con gái chim phượng hoàng, với hy vọng câu chuyện một cô gái lai châu Á sẽ đủ hấp dẫn với độc giả phương Tây, để từ đó cuốn Loan sẽ được chào đón thuận lợi hơn. Và rồi Con gái chim phượng hoàng xuất bản năm 2009.
Không tên tuổi và kinh nghiệm truyền thông, Isabelle Müller đi khắp nơi để quảng bá tác phẩm. Bà xuất hiện trên đài truyền hình, trên tạp chí và đi khắp nước Đức để đọc quyển sách. Bà làm mọi việc không chỉ vì tác phẩm viết về những gian truân trong cuộc đời cô gái Isabelle, mà còn để tác phẩm Loan được xuất bản trong tương lai.
Nhưng mọi chuyện không như dự định. “Cuối cùng tôi chia tay, khi họ tiết lộ không còn hứng thú với chuyện của mẹ nữa. Những người đã cho tôi hứa hẹn không còn làm việc, một người còn sống, người kia đã qua đời. Bản thảo vẫn nằm trong ngăn kéo nhiều năm trời”.
Cuộc đời mẹ Loan được Isabelle lấy làm tấm gương. Vươn lên từ những khắc nghiệt của cuộc sống, cũng như chữa lành những vết thương tâm hồn, Isabelle Müller trở thành một phụ nữ thành công. Giờ đây, khi về lại Việt Nam để trả ơn với quê mẹ thông qua Quỹ từ thiện Loan Stiftung, ủng hộ trẻ em vùng cao, Isabelle Müller nói rằng cuộc đời là một vòng tròn.
Đến cô bé lai Á nghèo khó ở miền quê nước Pháp
Điều thường thấy ở một cuốn tự truyện đó là rất dễ đụng chạm đến những nhân vật “người thật việc thật” và không phải ai cũng có thể chấp nhận mình là một nhân vật trong sách. Cuộc sống Müller đã có nhiều thay đổi kể từ khi Con gái chim phượng hoàng ra đời. “Có những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống riêng tư. Một số mối quan hệ đã tan vỡ, trong khi những mối quan hệ khác lại trở nên bền chặt hơn”. Bà trở thành nhân vật của công chúng, người truyền cảm hứng cho những nhân vật bị lạm dụng và bạo hành.
Müller ví von cách bà đối diện với quá khứ cũng giống như việc sinh nở. “Khi bạn cảm thấy đau đớn và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chịu đựng được, bạn chợt nhớ ra mình không phải là người phụ nữ đầu tiên sinh con”.
Có điều lỳ lạ ở Müller là dù biết tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga và rất hâm mộ mẹ Loan, bà lại không nói được tiếng Việt. “Thời điểm đó, vào những năm 1960, vị giám đốc người Pháp của trường ý kiến rằng không nên nói các ngôn ngữ khác nhau ở nhà. Mẹ tôi tin ông, cho ông là người hiểu biết. Hơn nữa, tôi phải tạo dựng tương lai ở Pháp vì giáo dục là cách duy nhất để tôi thoát nghèo. Tiếng Việt ở Pháp lúc đó chắc chẳng giúp được gì nhiều cho tôi”- Müller giải thích.
Dù vậy, bà vẫn đang học tiếng Việt, với hy vọng sẽ tiến bộ hàng ngày.
Bán sách vì trẻ em nghèo Việt Nam Isabelle Müller sinh năm 1964 ở Tours nước Pháp, với cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Isabellelà con út trong gia đình có 5 người con, cô lớn lên trong nghèo khó, ở một ngôi làng xa xôi. Cuộc đời Isabelle trải qua nhiều bất hạnh, sống trong nghèo đói và tù túng, bị lạm dụng tình dục và khủng bố tinh thần, chưa kể đến sự kỳ thị sắc tộc. Tuy vậy, bằng sự học, Isabelle Müller đã vươn lên, trở thành một phụ nữ thành công. Hiện tại, cô sống cùng chồng và các con ở Đức. Nước Đức cũng là nơi cô di cư đến từ thập niên 1980 để theo đuổi nghề phiên dịch. Năm 2015, Loan – Từ cuộc đời của một con phượng hoàng lọt vào chung khảo Giải thưởng Người kể chuyện Kindle. Năm 2016, để tưởng nhớ người mẹ Việt Nam, tác giả đã thành lập Quỹ từ thiện Loan Stiftung. Quỹ thực hiện các dự án giáo dục, hỗ trợ trẻ em vùng cao đang gặp khó khăn ở Việt Nam. Toàn bộ tiền bản quyền bán sách tác giả dành tặng cho quỹ này. |
Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất