25/01/2022 07:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2012 với tôi có 2 sự kiện quan trọng. Một là nhân duyên gặp được nhà văn Hoàng Quốc Hải, người sau này trở thành người thầy, người bạn vong niên thâm tình của tôi. Hai là, nhờ vào mối nhân duyên này tôi được giới thiệu đọc cuốn sách Đường xưa mây trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chuyện về nhà văn tôi đã kể nhiều trong các cuốn sách Câu chuyện chiếc đinh: Hành trình tu tập chuyển hóa tâm thức, Sinh con rồi mới sinh cha, Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận và Bàn về văn hóa dân gian thời hội nhập, nên trong bài này tôi sẽ chỉ nói về nhân duyên giữa tôi và Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
1. Vì là chỗ thân tình, nhà văn Hoàng Quốc Hải biết tôi mộ Phật, lại thích đi chùa, thường hay lui tới những nơi thờ cúng tâm linh, sợ tôi đi sai con đường tu tập nên đưa cuốn Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho tôi về nhà đọc.
Và tôi đã đọc cuốn sách này với trái tim trong veo, tinh khôi. Tôi dành tình yêu đầu cho thầy từ ấy. Đức Bụt của gần 2.600 năm về trước lại hiện ra mồn một như thể Ngài đang sống trong đời sống thực và tôi giống như cậu bé chăn trâu Svastika kết cỏ kusa thành bồ đoàn tọa cụ để Bụt ngồi thiền và được gần Bụt, được Bụt dạy về cách sống làm sao cho thật thảnh thơi và có chánh niệm. Hơn 700 trang sách đã đi vào tâm khảm tôi một cách nhẹ nhàng, sâu lắngvà đầy hỷ lạc. Tôi thấy mình là người hạnh phúc bởi tôi đã được gặp Bụt, không màu mè, không thần thông, thần thánh như những gì hiện tại tôi tiếp cận mỗi khi tới chùa lễ Bụt.
Ban đầu nhìn thấy độ dày của cuốn sách tôi đã tỏ ra khá ái ngại bởi cuộc sống hiện đại với bao lo toan và mưu cầu thế tục nên việc buông thư tâm thái ngồi nhâm nhi từng trang sách là một điều khó khăn vô cùng. Nhưng khi đã đọc rồi thì mình như bị cuốn vào thời của Bụt, của đất nước Ấn Độ cổ xưa với lối viết văn đậm chất thi ca. Cuốn sách kể về cuộc đời của Bụt từ lúc sinh ra đến khi Ngài viên tịch, đã để lại biết bao giáo lý nhiệm màu, nhưng không phải theo nghĩa phép thuật, thần thông. Chương sách nào cũng hay, thấm đẫm tính nhân văn, tình đạo Bụt. Đoạn văn dưới đây tôi cảm thấy tâm đắc nhất:
“Tôi (tức Bụt) cần nói rõ: Giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. Này các bạn, giáo pháp tôi dạy cũng như một chiếc bè. Phải sử dụng nó để đi sang bên bờ bên kia, bờ giải thoát”.
Tôi đã vỡ òa sau chừng 6, 7 năm “tầm sư học đạo” kể từ lần đầu tiên (2007) được người bá ruột tên Đinh Thị Long, một Phật tử thuần thành tặng cho vài băng đĩa kinh Phật, vài bài pháp thoại của thầy Thích Pháp Hòa, thầy Thích Phước Tiến… Và có một điều lạ, trước khi chính thức quy y Tam bảo vào năm 2013, tôi tự đặt cho mình pháp danh Chánh niệm để tự răn sống theo lối sống tỉnh thức của nhà Phật. Điều này tôi đã kể lại một cách khá tường tận trong cuốn Câu chuyện chiếc đinh: Hành trình tu tập chuyển hóa tâm thức để nói lên sự chuyển hóa tâm thức kể từ khi tôi biết đến giáo pháp của Bụt, biết đến tuyệt phẩm Đường xưa mây trắng - Theo gót chân Bụt này.
Tôi đã không cầm được nước mắt và thốt lên rằng: Ôi vậy là con đã gặp thầy Nhất Hạnh ở đâu rồi, chắc chắn là đã có túc duyên từ tiền kiếp bởi cả tác phẩm thầy viết dưới ngòi bút của một người hạnh phúc, một người tỉnh thức. Bụt là một người tỉnh thức như chính cái tên Buddha. Như vậy là khoảng cách giữa thầy trò ta không xa hơn nhau một nhịp tâm đầu. Tôi tự nhủ, giờ mình đã có đường đi – Con đường chuyển hóa nội tâm từ phàm sang thánh.
2. Sau khi đọc xong cuốn sách Đường xưa mây trắng, tôi bắt đầu để tâm đến việc sưu tầm những cuốn sách của thầy. Nếu liệt kê ra, đến nay tôi cũng ước đoán sở hữu được chừng gần 90 tác phẩm, gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt, từ những cuốn sách khá cũ do NXB Lá Bối in vào những năm 60 của thế kỷ 20 đến sau này các NXB Thời Đại, Tôn giáo, Hồng Đức v.v… xin phép in lại. Trong ngần ấy tác phẩm khó mà nói lên được thành câu chữ về sự công phu tìm kiếm ở cả những cửa hàng sách cũ, sách mới nhưng phải thú nhận rằng cuốn sách nào cũng hay, cũng giá trị cả về phẩm và lượng. Tôi “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mọi tâm huyết vĩ đại của thầy.
Tôi cứ tự thầm động viên, thầy thì ở bên Làng Mai, miền Nam nước Pháp, biết bao giờ mới có dịp về lại Việt Nam. Trước mắt mình sẽ đọc những tác phẩm mà mình sưu tầm được. Mình sẽ gặp thầy trong các trang sách, trong các bài pháp thoại được làm thành băng đĩa, video, clip và gặp thầy trong những lúc tọa thiền. Bữa nào hóng mà thấy tin thầy về nước là mình sẽ ôm cả chồng sách ấy đến trình diện và xin thầy chữ ký. Mình cứ mường tượng ra cảnh thầy trò gặp nhau trong đời thực, được ngồi cùng đối ẩm với nhau, cùng nói chuyện về văn hóa, về lịch sử Việt Nam thì còn gì hạnh phúc hơn.
Có lần nhìn thấy thầy trong một băng đĩa, đầu đội chiếc nón Huế, chầm chậm bước từ máy bay xuống phi trường, gió lồng lộng thổi, dáng thầy tựa như dáng hình Việt Nam. Thế là tôi cứ bưng mặt khóc. Tự dưng tôi thấy thương thầy thế. Hơn 40 năm xa cách Việt Nam kể từ năm 1964, vậy mà đi đâu xa thầy vẫn cầm chiếc nón lá Huế, mặc màu áo nâu sòng đậm màu quê hương. Thầy luôn mang cả bóng hình Việt Nam trên người. Nhiều học giả trong và ngoài nước đánh giá thầy Thích Nhất Hạnh là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử, giáo sư dạy học, thư pháp gia, nhà tâm linh trứ danh nổi tiếng khắp toàn cầu, nhà hoạt động vì xã hội và hòa bình thế giới v.v… nhưng trên hết thầy là một nhà văn hóa, một nhà ngôn ngữ (thầy am tường tiếng Anh, Pháp, Trung, Sancrit…) và tiếng Việt đã đạt đến độ nhuần nhị thượng thừa.
3. Trong số những cuốn sách tôi sưu tầm được, tôi không thể bằng một vài trang mà liệt kê cho hết những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của đạo Bụt nên tôi chỉ ước kể một vài cuốn sách mà tôi thấy là không thể thiếu đối với những ai nguyện phát tâm tu tập trên con đường giải thoát thôi.
Trước tiên phải kể đến cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận. Đây là công trình chứa đựng nhiều trí tuệ và tâm huyết của thầy (bút danh Nguyễn Lang). Hơn 50 năm qua, kể từ khi tập 1 được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thập niên 1970, bộ sách trở thành pho tư liệu cho những độc giả phổ thông lẫn những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lời giới thiệu sách trong ấn bản do Lá Bối ấn hành năm 1973 có đoạn: "Đã có biết bao nhiêu bài báo, trong Nam cũng như ngoài Bắc, viết về văn học Lý, Trần trong hai mươi năm qua. Nhưng vì thiếu một căn bản về Phật học nên nhiều bài trong số đó đã đưa ra những nhận định sai lạc về nền văn học Lý, Trần. Chính về phương diện này mà chúng tôi nghĩ rằng sách của ông Nguyễn Lang sẽ có công nhiều cho việc nghiên cứu văn học và tư tưởng Việt Nam".
Đọc xong cuốn sách tôi thấy tự hào thế. Hóa ra đạo Bụt từ Ấn Độ vào Việt Nam trước chứ không như các nhà nghiên cứu sau này lầm tưởng đạo Bụt từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thiền sư Khương Tăng Hội (? - 280) có thể được ví như vị Tổ sư thiền của Việt Nam chúng ta trước cả ngài Bồ Đề Đạt Ma (~470-543) được thờ ở các chùa Bắc tông bây giờ. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những chi tiết khám phá thú vị này của thầy.
Thả một bè lau là một tác phẩm viết về thân phận nàng Kiều qua con mắt thiền quán của thầy Nhất Hạnh. Như thầy đã trình bày trong lời tựa “nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc, gian truân của mình ra đọc Truyện Kiều, chúng ta cũng có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc Truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu”.
Trước đây hồi còn là học sinh, tôi cũng được học một vài đoạn trích trong Truyện Kiều (gồm 3.254 câu) nhưng giờ đọc Truyện Kiều bằng con mắt thiền quán, con mắt của hiểu và thương thì nàng Kiều và tôi là 1 không phải 2. Đọc Truyện Kiều để thêm khẳng định “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” như cụ Phạm Quỳnh đã từng gan ruột nói ra vậy.
Là một Phật tử tại gia như tôi mà có được trong tay cuốn sách Nhật tụng thiền môn thì khác nào như người đi vào rừng tay cầm la bàn không bao giờ sợ bị lạc lối, như người bị bệnh có phác đồ điều trị khoa học, như vị hành giả có cẩm nang, bảo bối trong tay, như pháp bảo đối với người tu hành... Mỗi ngày 2 thời khóa công phu tu tập sáng chiều, từ thứ Hai đến chiều ngày Chủ nhật, mỗi thời khóa ước chừng một tiếng, gồm cả thiền tọa và tụng đọc kinh mà ngồn ngộn những tri thức bổ ích, thiết thực cho việc thực hành chuyển hóa tâm thức. Các kinh văn, nghi thức, kệ tụng được chọn lọc trong kinh tạng đều là những bản kinh tiêu biểu, như Kinh kim cương, gươm báu cắt đứt phiền não; Kinh thương yêu; Kinh quán niệm hơi thở; Kinh tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân; Kinh bốn lĩnh vực quán niệm; Kinh người biết sống một mình; Kinh người bắt rắn; Kinh phước đức; Tâm kinh tuệ giác qua bờ…Bản kinh nào cũng thiết thực, hữu dụng cho việc công phu tu hành.
“Phép lạ của sự tỉnh thức” là những phương pháp nhiệm màu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc nó, tôi cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Tất cả những công việc thường nhật của một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư... đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm, ánh sáng của sự tỉnh thức.
Cuốn sách “An lạc từng bước chân” có thể được xem như tiếng chuông nhắc nhở ta trở về tiếp xúc với những màu nhiệm của cuộc sống quanh ta. Ta biết rằng chuẩn bị cho tương lai cũng là một phần của sự sống trong giây phút hiện tại. Nhưng không phải đọc hết cuốn sách mình mới tìm thấy niềm vui. Niềm vui có mặt trong từng giây phút. An lạc trong từng bước chân. Chúng ta hãy nắm tay nhau và cùng bước từng bước chân thảnh thơi trên con đường dài. Khi tôi viết cuốn sách “Câu chuyện chiếc đinh: Hành trình tu tập chuyển hóa tâm thức”, một vài đề mục như “an lạc từng bước chân”, “biến rác thành hoa”…đều mang ơn tư tưởng từ cuốn sách này của thầy.
4. Tháng 10/2018, biết tin thầy sẽ về lại ngôi chùa Từ Hiếu - Huế, vừa là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, vừa là nơi chốn Tổ thầy xuất gia đi tu (năm 16 tuổi), theo nguyện ước, tôi lựa chọn chính những tác phẩm trên cho vào ba lô, là hành trang vô Huế thăm thầy. Cả đêm đi xe ô tô giường nằm, mắt thì nhắm nhưng tâm thì luôn thao thức, mong cầu diện kiến thầy dịp này.
Thầy mới từ Làng Mai Thái Lan về còn mệt, ngồi trên chiếc xe lăn, bên cạnh là các quý sư thầy, sư ni. Đầu giờ sáng thầy ra ngoài hiên tịnh thất tắm nắng, hít thở không khí trong lành và dõi nhìn các Phật tử đang quy tụ về chùa, trong đó có tôi. Không hiểu sao tôi lại trầm mặc suy tưởng, tuy ngắm nhìn thầy từ xa nhưng rõ ràng tôi thấy thầy trong vị Bụt của 2.600 năm về trước, thấy thầy trong Tổ sư thiền Khương Tăng Hội, trong Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử, trong mạch nguồn tâm linh nối dài tới hôm nay chưa bao giờ ngơi nghỉ… và tôi thấy thầy trong tôi. Như thế là mãn nguyện lắm rồi.
Có lẽ không thể bằng một vài trang mà mô tả hết sự nghiệp vĩ đại của thầy. Từ trong đáy lòng, tôi cảm thấy vô cùng may mắn và tự hào vì ở vàothời mạt pháp này, tôi vẫn được gặp, được đọc các trước tác và thực hành theo pháp môn thiền Chánh niệm của Thầy. Nay thầy đã về nơi vĩnh hằng nhưng thầy chính là giọt mưa luân chuyển trong 4 biển 5 châu, thầy là hình hài, là tâm thức, không sinh không diệt.
Tôi xin nguyện sống một đời tỉnh thức, “An lạc từng bước chân” để “Tay thầy trong tay con” và cùng “Làng Mai nhìn núi Thứu”. Tôi xin nguyện theo gót chân thầy, dấn thân phụng sự xã hội nhằm “Cho đất nước đi lên”. Và nguyện trọn đời giữ Đạo, theo tự tánh làm lành, rời bể khổ nguồn mê, sớm quay về bờ giác.
Hà Nội, ngày 23/1/2022
Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất