18/05/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua bao biến thiên theo thời cuộc, hát xẩm đã có sự biến đổi trong góc nhìn của nhiều thế hệ. Và bằng Mắt xẩm, người trẻ hôm nay đã cho thấy một cách tiếp cận lạ cùng quan điểm đa dạng về xẩm để tiếp nối giá trị của nó trong đời sống nghệ thuật đương đại.
Mắt xẩm là chuỗi sự kiện được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, gồm 2 giai đoạn: Từ 16/5 - 22/5, tổ chức trực tuyến giới thiệu tác phẩm âm nhạc thể nghiệm với chất liệu xẩm của nhạc sĩ Tú Nguyễn và chuỗi 4 tọa đàm trên fanpage Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương. Giai đoạn 2: Triển lãm đa giác quan Mắt xẩm với các tác phẩm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn... (sẽ được tổ chức sau tình hình dịch bệnh ổn định).
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với chị Đinh Thảo - sáng lập viên Dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương (đơn vị tổ chức Mắt xẩm).
Nhìn xẩm bằng đa giác quan
* Thưa chị, “Mắt xẩm” được ra đời khởi nguồn từ ý tưởng, cơ duyên nào?
- Dự án Chèo 48h đã có những hoạt động về xẩm từ năm 2016 đến nay, như: học hát xẩm; tìm hiểu kiến thức, thi hát xẩm; giao lưu đàn hát xẩm… với sự tham gia của nhiều đối tượng công chúng. Qua những hoạt động đó, chúng tôi được chia sẻ những cách cảm nhận, cách nhìn riêng về xẩm.
Kết hợp với quá trình trăn trở đi tìm cơ hội mới cho xẩm, chúng tôi đặt ra vấn đề: Liệu có sự “giao chạm” nào giữa xẩm với yếu tố đa phương tiện trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, nhất là khi yếu tố "nhìn" trong tiếp nhận ngày càng được chú trọng. Một bộ môn nghệ thuật xướng tích dân gian vốn gắn với người khiếm thị như xẩm liệu có cơ hội được "nhìn"?
Và cơ duyên để Chèo 48h trả lời những vấn đề đặt ra với xẩm, cũng là khởi nguồn cho sự ra đời của Mắt xẩm, đến từ lời mời của chương trình văn hóa - nghệ thuật In Progress - một chương trình nằm trong Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam được thực hiện từ 2018 đến 2021.
* Coi “Mắt xẩm” như một sự “giao chạm” với nghệ thuật đương đại, chị có thể chia sẻ thêm về hình tượng “Mắt xẩm” cũng như thông điệp của hình tượng này xuyên suốt trong các hoạt động của chuỗi sự kiện?
- Nhìn bề ngoài dễ thấy, xẩm là một phương thức mưu sinh của người khiếm thị. Nhưng chúng tôi cho rằng, người nghệ nhân khiếm thị xưa kia đã có những đôi mắt khác. Bởi, mỗi lời xẩm là biết bao câu chuyện nhân tình thế thái, đúc kết bao lẽ sống sáng ngời ở đời. Vì lẽ đó, khi tìm những đôi mắt khác của xẩm ngày nay, ta không thể chỉ đi tìm bằng đôi mắt nhìn thông thường mà phải đi tìm bằng mọi giác quan, nói cách khác là đa giác quan.
Từ nhận thức đó, Chèo 48h đã kết nối với những chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, để lắng nghe chia sẻ của họ về xẩm. Mỗi chia sẻ là một góc nhìn của công chúng hiện đại về xẩm. Đây chính là nền tảng quan trọng đóng góp cho Mắt xẩm với hình thức tổ chức đa góc nhìn, đa quan điểm, đa trải nghiệm.
Cụ thể, những chia sẻ của các nhà nghiên cứu, người làm công tác bảo tồn, người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ… là một hoạt động của Mắt xẩm thông qua chuỗi chương trình trò chuyện phát sóng online, với các chủ đề đặt xẩm trong tương quan với: Thích ứng văn hóa, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thị giác hay âm nhạc đương đại...
Nối tiếp là các hoạt động đa trải nghiệm được Mắt xẩm tổ chức dưới hình thức: Triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc thể nghiệm khai thác chất liệu từ xẩm… Các hoạt động trải nghiệm này sẽ được ra mắt vào giai đoạn 2 của dự án sau khi tình hình dịch bệnh ổn định. Việc mang đến trải nghiệm đa giác quan về xẩm chính là cách để nhìn về xẩm bằng con mắt hiện đại.
*Chị có nhắc đến việc “Mắt xẩm” sẽ được tổ chức kéo dài ở giai đoạn 2 do tình hình dịch bệnh. Vậy khó khăn, cũng như cách thức tổ chức trong bối cảnh mùa dịch của “Mắt xẩm”, cụ thể ra sao?
- Trong bối cảnh dịch bệnh không thể tập trung đông người, việc tương tác với các tác phẩm và hoạt động của dự án cũng sẽ khó khăn. Tuy nhiên trong thời đại của công nghệ số, Mắt Xẩm được tổ chức một cách linh hoạt.
Cụ thể, những hoạt động như tọa đàm, trò chuyện, âm nhạc thể nghiệm,… được triển khai trước bằng hình thức trực tuyến trong giai đoạn 1 của dự án. Trong khi đó, các tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt mang tính tương tác sẽ được giới thiệu ở giai đoạn 2 trong một không gian sáng tạo trực tiếp.
Mắt Xẩm coi đại dịch như một cuộc chiến ngầm. Cuộc chiến có thể diễn ra lâu dài. Nhưng với ý thức và sức sáng tạo của người trẻ, chúng tôi tin tưởng vào việc sẽ tìm ra giải pháp hợp lý cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh này.
“Bắc nhịp cầu” dẫn người trẻ về nguồn cội truyền thống
* Được biết chị là sáng lập viên của “Chèo 48h” - dự án với những cách làm mới, hiện đại nhằm phát huy giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhìn từ chuỗi sự kiện “Mắt xẩm”, theo chị, văn hóa nghệ thuật truyền thống có thể sống và sống mạnh mẽ trong đời sống hiện đại bằng cách nào?
- Phải nhấn mạnh, cách mà Chèo 48h làm mới hay hiện đại nghệ thuật truyền thống nằm ở phương pháp tiếp cận với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế, vẫn có rất nhiều nghệ sĩ chuyên môn, nghệ nhân đau đáu với việc phát triển nghệ thuật truyền thống. Và mỗi người sẽ có những sứ mệnh, nhiệm vụ riêng.
Văn hóa nghệ thuật truyền thống có những đứt gãy do thiếu sót về tư liệu lịch sử. Mặt khác, hiện nay cách thức truyền thông, lan tỏa để kéo người trẻ về với truyền thống còn thiếu và hạn chế, trong khi có quá nhiều làn sóng văn hóa quốc tế, hiện đại đang du nhập mạnh mẽ. Điều này khiến khoảng cách giữa văn hóa nghệ thuật truyền thống với người trẻ vốn đã xa, lại càng xa.
Trước thực tế đó, Chèo 48h như những nhịp cầu, để dẫn công chúng, nhất là người trẻ qua từng nhịp, trở về nguồn cội với giá trị truyền thống quý báu của cha ông, và cũng từ đó tìm lại được những rung động gắn với thời đại. Từ dự án Mắt xẩm, Chèo 48h cho thấy được những góc nhìn và cách làm hiện đại, thiết thực, gần gũi với đời sống, đáp ứng được nhu cầu của công chúng đương đại, như một giải pháp để nghệ thuật truyền thống có thêm sức sống mạnh mẽ, lan tỏa hơn.
* Trước Mắt Xẩm, Chèo 48h đã có những hoạt động cụ thể nào trên hành trình mà dự án theo đuổi?
- Chèo 48h đã hoạt động được 7 năm, kể từ thời điểm thành lập năm 2014. Trong những năm đầu, Chèo 48h tập trung vào mảng lớp học trải nghiệm Chèo, Xẩm, Chầu văn và các sự kiện biểu diễn nghệ thuật truyền thống của học viên.
Từ năm 2019 đến nay, Chèo 48h có những thử nghiệm trong việc sáng tác nội dung mới cho Xẩm và tiến hành quay MV. Năm 2020, Chèo 48h đồng tổ chức sự kiện Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế. Đây là một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ với nghệ thuật chèo, gần gũi trong công việc và học tập của người trẻ. Năm nay, dự án Mắt Xẩm lần đầu tiên ra mắt cũng với những hướng tiếp cận rất mới. Thông qua những sự kiện này, chúng tôi mong muốn nhận được những ý tưởng hay mang tính sáng tạo và có khả năng phát triển thành nhiều dự án mới mẻ trong tương lai.
* Vậy “Chèo 48h” trong tương lai sẽ có hướng đi nào để tiếp tục khai thác sáng tạo, từ giá trị truyền thống bắc cầu nối gần hơn với đời sống đương đại, nhất là với giới trẻ?
- Bên cạnh việc tiếp tục các hoạt động đã gắn liền cùng Chèo 48h suốt những năm qua, chúng tôi đang ấp ủ những dự án hướng đến các nền tảng truyền thông đa dạng hơn, “trendy” hơn. Các dự án mang tính kết nối như Mắt xẩm cũng sẽ được triển khai thêm.
Trên thực tế, không hiếm những trường hợp người trẻ chưa quan tâm, yêu thích nghệ thuật truyền thống chỉ vì chưa được biết đến. Do đó, “biết - quen - thân thương” là những “bước” mà Chèo 48h đang thực hiện trong quá trình “bắc nhịp cầu”, dẫn người trẻ về và đi với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên, quá trình đó luôn cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu và lắng nghe công chúng đương đại.
Ngoài ra, Chèo 48h cũng đang cố gắng để có thể phát triển theo hướng doanh nghiệp xã hội.
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Hoạt động của Chuỗi sự kiện trải nghiệm đa giác quan “Mắt Xẩm” Mắt xẩm là chuỗi sự kiện được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018 - 2021. Đây là dự án do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ và do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Vicas) thực hiện. Mắt xẩm được tổ chức gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ 16/5 – 22/5, tổ chức trực tuyến giới thiệu dự án và ra mắt tác phẩm âm nhạc thể nghiệm với chất liệu Xẩm của nhạc sĩ Tú Nguyễn. Song song là chuỗi tọa đàm gồm 4 số trò chuyện được phát sóng trên fanpage "Chèo 48h – Tôi Chèo về quê hương" với các nội dung chính: Hát Xẩm trong thích ứng văn hóa; Hát Xẩm nhìn từ Nghệ thuật thị giác; Hát Xẩm nhìn từ góc độ Nghệ thuật rình diễn và Hát Xẩm nhìn từ góc độ âm nhạc đương đại Giai đoạn 2: Triển lãm đa giác quan Mắt Xẩm với các tác phẩm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn được tổ sau khi tình hình dịch bệnh ổn định. Dự kiến không gian triển lãm bao gồm: Không gian chính gợi cảm hứng từ bài Xẩm “Mục hạ vô nhân”; Khoang tàu điện; Không gian huyền tích gợi cảm hứng từ câu chuyện của tổ nghề Hát Xẩm và Không gian Mắt Xẩm – đa diện về Xẩm được sắp đặt từ 200 chiếc sênh và cặp trống Xẩm có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. |
Công Bắc (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất