Luis Enrique: Tình yêu và hận thù

25/10/2014 13:46 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 6/1996, Luis Enrique đặt chân đến Camp Nou và bị bao vây bởi một bầu không khí đầy nghi kỵ: Anh vừa chuyển đến từ kình địch Barcelona, và là một người Asturias, tức mang dòng máu Hoàng gia.

Nhưng sự lạnh lẽo đó nhanh chóng tan biến. Enrique xuất hiện trong buổi họp báo ra mắt, nở một nụ cười và tuyên bố: "Tôi rất hạnh phúc với hợp đồng này. Đây là một kỷ nguyên mới trong sự nghiệp của tôi".

Nỗi ám ảnh của Madrid

Các Madridista giận dữ, vì sốc và bất ngờ. Vụ chuyển nhượng đã diễn ra chóng vánh trong một nhà hàng ở Barcelona, nơi Enrique đã bí mật gặp Joan Gaspart, Phó Chủ tịch của Barcelona, và đội bóng xứ Catalunya đã giành được anh mà không tốn một xu! Chưa hết, sau này, trên tờ FourFourTwo, Enrique kể rằng anh "tốn không đến 10 phút" để là một phần của Barca: "Tôi làm quen với các đồng đội mới chỉ với 10 phút xuất hiện trong phòng thay đồ. Tôi biết hầu hết mọi người vì là đồng đội với họ ở đội tuyển quốc gia".

Sau này, người Madrid gọi anh là một "antimadridista confeso" (tạm dịch: Kẻ ghét Madrid tự phong). Enrique, dù thành danh trong màu áo trắng, không giấu nổi sự căm ghét đội bóng Hoàng gia. Thậm chí, gọi đó là thù hận cũng chẳng sai.

Lucho, tên gọi thân mật của Luis Enrique, từng là một lưỡi hái tử thần với Madrid trong các trận Kinh điển, với 5 lần chọc thủng lưới đội bóng Hoàng gia, và anh rắc gia vị vào những nhát chém bằng một thái độ khiến các CĐV áo trắng hẳn phải phát khùng. Một lần, sau khi ghi một bàn ở Bernabeu, Enrique chạy về phía các khán đài đang dậy sóng ầm ầm vì giận dữ, kéo logo Barca ra trước ngực ăn mừng để trêu ngươi đội bóng cũ. Chủ tịch Lorenzo Sanz lên báo phàn nàn rằng Enrique đã ăn mừng một cách vô văn hóa, và nhận được lời hồi đáp đầy mỉa mai: "Nếu lão ta muốn, tôi sẽ khóc sau khi ghi bàn".

Luis Enrique bất ngờ rời Real Madrid để chuyển sang Barca

Một lần khác, sau chiến thắng 6-2 của Barca ngay tại Bernabeu trong trận Kinh điển diễn ra cách đây 5 năm, Enrique khoái trá mô tả rằng đó chẳng khác nào "một cơn cực khoái". 11 năm trước, trước thềm một trận Kinh điển khác, Enrique tuyên bố rằng anh "tự hào là một cule ở Bernabeu hơn bất kỳ nơi nào khác". Trận đấu sau đó kết thúc với tỉ số hòa 1-1, với 90 phút cực hay của Barcelona và cá nhân Enrique. Madrid đã vươn lên dẫn trước sau 15 phút nhờ Ronaldo "béo", nhưng không thể ngăn cản được cơn giận dữ của đội bóng xứ Catalunya.

Trên khán đài, các CĐV áo trắng ra sức miệt thị Enrique: "Này Luis, cha mày là Amunike (ngụ ý phân biệt chủng tộc và mắng Enrique là con hoang)!". Nhưng vô hiệu. Barca giật lại một điểm ở Bernabeu, và ai cũng có thể thấy là họ chơi hay hơn, dù Muniz Fernandez, ông trọng tài điều khiển trận hôm đó, đã mắc rất nhiều sai lầm có lợi cho Madrid.

"Tôi xứng đáng nhận một thẻ đỏ" - Claude Makelele thú nhận trong phòng họp báo, về lỗi túm tóc Thiago Motta một cách thô bạo. Bản thân Enrique bị Zinedine Zidane dùng tay... móc mắt. Bàn thắng trong hiệp một của Gaizka Mendieta bị từ chối vì việt vị, trong khi pha phạm lỗi rõ ràng của Fernando Hierro với Enrique (lại Enrique!) đã bị trọng tài ngó lơ. Bao vây Lucho và các đồng đội là bầu không khí nghẹt thở ở Bernabeu.

Ghét Real vì... quá yêu Barca

Nhưng đoàn quân ấy đã sống sót trở về, thậm chí còn khiến kẻ địch phải toát mồ hôi, dưới tài lãnh đạo của Enrique. Như HLV Radomir Antic nói sau trận: "Luis Enrique còn hơn một cầu thủ bóng đá. Cậu ấy là đầu lĩnh, và tính cách của đội bóng. Thật tốt lành cho chúng tôi khi có thể điền tên cậu ấy vào đội hình ra sân phút chót. Luis vốn lớn lên trong nghịch cảnh".

Về phần mình, bằng một thứ ngôn ngữ hài hước, Enrique mỉa mai tình huống được tha phạt đền của Madrid: "Nếu bạn không nhìn thấy điều đó, bạn nên đi mua kính. Tất nhiên, đó phải là một quả penalty. Nếu tôi ngã giả vờ, Fernando Hierro hẳn đã ăn tươi nuốt sống trọng tài rồi".

Không ai biết vì sao Enrique căm ghét Madrid đến thế, nhưng ai cũng hiểu anh yêu Barca đến thế nào, và có thể xả thân vì đội bóng ra sao: "Tôi xem mấy tấm hình sticker mặc áo trắng mà sao thấy lạ lẫm thế. Màu xanh tím (màu áo Barca) mới là màu áo của tôi". Lucho thật sự là một trong những nhân vật đã đặt nền móng cho thành công của Barca vào giữa thập niên đầu tiên thế kỷ mới, không chỉ bằng tài năng sân cỏ.

Ferran Soriano, nguyên Phó Chủ tịch Barca, nhớ lại thời điểm năm 2003, khi Joan Laporta tiếp quản một Barca với khoản nợ lên đến 150 triệu bảng và bộ máy điều hành thì như một mớ bòng bong: "Tôi vẫn nhớ rằng Luis đã tác động tích cực thế nào đến những thay đổi. Với tư cách là đội trưởng bấy giờ, cậu ta tấn công chúng tôi, những lãnh đạo mới, bằng những chất vấn, và đòi hỏi. Sau một thời gian, cậu ta mới xả hơi một chút, khi Ronaldinho và Rafael Marquez gia nhập CLB".



Luis Enrique đã kí hợp đồng với Barca vào mùa Hè này.

"Enrique bảo tôi: Chúng tôi đã ở đây nhiều năm và chứng kiến CLB phung phí tiền của vào những cầu thủ kém cỏi, và chúng ta phải thay đổi điều đó" - Soriano kể. "Lucho thậm chí chính là người duyệt các chữ ký. Cậu ta xem giò cẳng các tân binh, rồi nói với chúng tôi: Ngon rồi đấy. Đội hình hiện tại khá hơn nhiều và các tân binh đều thuộc loại thiện chiến".

Enrique-HLV vẫn không khác Enrique-cầu-thủ là mấy, ít nhất là ở chất Barca trong huyết quản. Anh từng tuyên bố rằng mình luôn là "tín đồ của bóng đá tấn công" (thậm chí tấn công đến đáng... lo ngại: Trong 5 mùa giải làm HLV trước khi đến Barca, các đội của Enrique đã thủng lưới... 250 bàn!). Anh theo dõi các cầu thủ của lò La Masia rất kỹ, và hiểu họ đến chân tơ kẽ tóc: "Tôi làm việc với họ rất sát sao, và biết rõ từng người". Anh vẫn không quên các "công thần" như Daniel Alves hay Xavi, dù không lệ thuộc vào họ.

Nhìn vào anh, mọi người như nhìn vào lịch sử Barca. Enrique là người đã đón Andres Iniesta khi anh này lớ ngớ đi lạc khỏi phòng thay đồ của đội một. Enrique là đội trưởng đầu tiên trong sự nghiệp của Lionel Messi. Enrique là chỉ dấu của rất nhiều điều đã trở thành vĩnh cửu ở đội bóng này.

Trước trận Kinh điển, Enrique bảo rằng "đó không phải là một trận đấu mang tính chất quyết định đến chức vô địch", một phát biểu có vẻ nhún nhường. Nhưng hãy tin rằng đó chỉ là một đòn tâm lý của Lucho, biệt danh của Enrique, trong tiếng Tây Ban Nha cũng có nghĩa là "chiến đấu". Barca của anh sẽ chiến đấu bằng cả trái tim, và lấy căm ghét làm động lực. Như người thày của họ. Một người mang dòng máu Hoàng gia, nhưng thù ghét Madrid đến xương tủy.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm