(TT&VH)- Sau 7 vòng đấu, Barca giành đến 19 trong tổng số 21 điểm tối đa. Trong mùa giải đầu tiên được HLV Tito Vilanova dẫn dắt, con số này là rất ấn tượng. Thành tích thắng 6 và hòa 1 gợi nhớ đến mùa giải 1997-98 khi Louis van Gaal vừa xuất hiện. Vị chiến lược gia người Hà Lan sau đó đã giúp Barca giành danh hiệu vô địch đầu tiên sau 4 năm chờ đợi.
19 điểm giành được và khoảng cách 8 điểm với nhà ĐKVĐ Real, không còn gì để Barca phải phàn nàn? Nếu chỉ nhìn vào vấn đề này, quả thực Bacra hoàn toàn có thể lạc quan về việc trở lại với ngôi vương bóng đá Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thực tế là vẫn có một rắc rối lớn đang đeo bám đội quân của Tito: vấn nạn chấn thương. Giống như đợt phát tán virus trên diện rộng, nhân sự của Barca cứ liên tục kéo nhau đi nhập viện. Nó còn đáng sợ hơn cả mối đe dọa từ Real Madrid.
Từ đầu mùa, đội trưởng Carles Puyol có thể xem là “thương binh” nặng nhất tại Camp Nou. Đã có ba lần Puyol dính chấn thương, và hai trong số đó buộc anh phải ngồi ngoài thời gian dài. Lần còn lại, Puyol đeo mặt nạ bảo vệ để thi đấu. Pique cũng đã chấn thương 3 tuần, và không thể dự trận “El Clasico”. Trung vệ 25 tuổi này cũng lỡ hẹn với màu áo ĐTQG, trong trận đại chiến với Pháp.
Thiago Alcantara vừa bình phục chấn thương kéo dài từ những ngày cuối mùa giải trước (gặp vấn đề ở xương chày), nhưng ngay lập tức phải trở lại bệnh viện. Tiền vệ mang trong mình dòng máu Brazil dính phải chấn thương dây chằng đầu gối, và anh chỉ có thể quay trở lại sân cỏ sau hai tháng nữa. Trong trận hòa Real, đến lượt Dani Alves chấn thương và cần 3 tuần để hồi phục. Trước đó, Alves cũng lỡ trận lượt về Siêu Cúp ở Bernabeu vì chấn thương.
Barca đang bị “virus chấn thương” tấn công toàn diện- Ảnh Getty
Trong giai đoạn tập huấn mùa Hè, cầu thủ trẻ Muniesa rách dây chằng và phải lên bàn mổ. Phải đến năm 2013, hậu vệ 20 tuổi này mới có thể thi đấu.
Đấy là những trường hợp dài ngày. Ngoài ra, còn có hàng loạt trường hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe, đều bắt nguồn từ các trận đấu quốc tế cùng ĐTQG. Jordi Alba và Iniesta trở thành nạn nhân của “virus FIFA” khi khoác áo TBN; trong khi Alexis Sanchez gặp phải vấn đề ở háng khi làm nhiệm vụ với ĐT Chile.
Cuộc khủng hoảng nhân sự hiện tại gợi nhớ thời điểm một năm trước. Ngày ấy, Afellay gặp chấn thương dây chằng đầu gối và nghỉ hơn nửa năm. Alexis Sanchez vừa cập bến Camp Nou cũng phải làm khán giả 2 tháng trời. Fontas thì chấn thương dây chằng chéo đầu gối trái. Đến cuối năm 2011, Villa phải nhập viện vì xương chày.
Tính đến hết năm 2011, nghĩa là chưa đầy một nửa chặng đường mùa trước, Barca trải qua tổng cộng 19 ca chấn thương, gồm cả nặng lẫn nhẹ (một vài tuần). Điều này được xem là một phần nguyên nhân đẩy Barca vào cảnh hụt hơi và thất bại ở La Liga lẫn Champions League. Bây giờ, số ca chấn thương chưa đến mức nhiều như thế, nhưng vẫn đủ để Tito phải chịu gánh nặng lớn.
Hy vọng Messi không dính chấn thương
Không đâu xa, khi các ĐTQG tập trung cho giai đoạn vòng loại World Cup 2014 và giao hữu quốc tế, tổng số nhân sự mà Barca mất là 15 người - tính cả những cầu thủ trẻ. Các cầu thủ khoác áo TBN (8 người) sẽ phải làm khách của Belarus, rồi trở về sân nhà tiếp Pháp. Đây đều là hai trận không hề đơn giản. Hai ngôi sao Argentina, Messi và Mascherano; cùng Alexi Sanchez phải bay về Nam Mỹ. Alex Song trở về châu Phi khoác áo Cameroon. Adriano cũng phải di chuyển lần lượt sang Thụy Điển và Ba Lan để tập trung với các đồng đội Brazil. Sẽ thế nào nếu “virus FIFA” đồng loạt hoành hành? Có lẽ, Tito chỉ biết cầu nguyện để rủi ro không xuất hiện.
Từ những chấn thương, một câu hỏi được đặt ra: chất lượng phòng y tế của Barca như thế nào? Đồng ý là chấn thương đến bất ngờ và phụ thuộc vào may mắn. Nhưng có những trường hợp có thể chẩn đoán sức khỏe các cầu thủ. Từ đó giúp họ không bị quá tải. Nên nhớ, Barca đang là đội được tài trợ y tế “xịn” nhất thế giới bóng đá từ tập đoàn Assistencia Sanitaria.
Real đang nỗ lực tấn công; Atletico có cùng 19 điểm và mơ về một cuộc lật đổ, nhưng thách thức thực sự của Barca không đến từ Madrid. Lúc này, vấn nạn chấn thương mới là đối thủ chính của “Tito Team”!
Ng.Huy