Nhân sự cho các ĐTQG: Tin ở hoa hồng

01/06/2011 11:54 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) -  Tôi không rõ thành phần của U23 QG như thế nào, nhưng ĐTQG dù danh sách tập trung sơ bộ có lên đến 50 người, thì nòng cốt vẫn chỉ là những gương mặt cũ thôi”, lời quyền HLV trưởng ĐTQG, ông Mai Đức Chung. Nếu như cái tuổi cứ đuổi cái xuân đi ở bình diện U23 QG, thì tính ổn định về mặt nhân sự, cũng như cách thức tổ chức lối chơi của ĐTVN là yếu tố tiên quyết và cần thiết.

V-League tuổi 11 đã lớn mạnh, giải hạng Nhất QG cũng rất sáng sủa, nhưng sự thật là chúng ta không có nhiều những phát hiện đáng giá trong khoảng 3 năm đổ lại (kể từ ĐTQG của HLV Calisto với chiến dịch AFF Suzuki Cup 2008).

Mừng đấy, lo đây

Ngoài ĐT Malaysia, tại AFF Suzuki Cup 2010, ĐTQG là một trong những đội bóng có độ tuổi trung bình thấp nhất. Chúng ta đã không đi đến trận đấu cuối cùng, bởi những tính toán sai lầm, chấn thương của rất nhiều trụ cột hay một nguyên do “đằng sau” nào đó…, nhưng vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Đội bóng đã và đang được trẻ hóa, với rất nhiều người trẻ đã khẳng định được năng lực chơi bóng, đồng thời vai trò quan trọng của những cầu thủ giàu kinh nghiệm vẫn được đảm bảo. Bóng đá luôn cần sự đan xen, kế thừa như thế.


Đình Tùng phù hợp cho ĐT U23 QG hơn là ĐTQG. Ảnh: VSI

16 lượt trận (và sẽ là 18, cho đến trước khi các ĐTQG có đợt tập trung đầu tiên trong năm 2011), những cầu thủ đã có thương hiệu vẫn tỏa sáng. Như Việt Thắng (V.NB), Ngọc Thanh (SHB.ĐN), Công Vinh (HN.T&T) và cả Đình Tùng (Thanh Hóa) luôn đảm bảo được hiệu suất ghi bàn đều đặn; Thành Lương, Thanh Hưng, Minh Châu, Minh Đức, Trọng Hoàng, Đình Đồng, Việt Cường, Quang Thanh, Vũ Phong…, chơi ổn định; trong khi, nhân tố mới có thể tiến cử lên thẳng ĐTQG là Văn Quyết hay Ngọc Duy cũng rất xứng đáng.

Tuy nhiên, sẽ phải tính đến những giải pháp thay thế, tạm thời và dài hơi, với sự vắng mặt của một số trụ cột như Minh Phương (giã từ), Phước Tứ (chấn thương dài hạn) hay Như Thành (sa sút phong độ), Tài Em (khó đảm bảo thể lực tốt nhất, vì di chứng của chấn thương)… Đây là bộ tứ công thần từng đưa ĐTQG của HLV Calisto đăng quang tại giải VĐ Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) cách đây 3 năm, trong đó Minh Phương là người tung đường chuyền quyết định để Công Vinh lắc đầu lái bóng hoàn hảo, tung lưới Thái Lan, trận lượt về ở Mỹ Đình.

Năm của bóng đá trẻ

Với riêng U23 QG cùng sân chơi SEA Games 26 vào cuối năm là mục tiêu quan trọng nhất, đội bóng cần thêm những phát hiện từ tuyến trẻ. Thành tích của U23 QG có thể quan trọng với những người đứng đầu VFF hay ông HLV trưởng, nhưng nó chưa và có lẽ sẽ không bao giờ là đòi hỏi cấp thiết của những giải bóng đá trẻ, với nền bóng đá mới chỉ hội nhập trở lại sân chơi quốc tế từ độ hai chục năm nay như VN. Nó phải là những mục tiêu cao hơn và xa hơn. Sẽ nhẹ nhàng hơn, nếu coi SEA Games là nấc thang đầu tiên quan trọng, chứ không phải cuối cùng.

Trong một cuộc thăm dò không chính thức do TT&VH thực hiện với các HLV và tuyển thủ, phần lớn đều đồng thuận, rằng không nên kéo những Thành Lương, Long Giang hay Trọng Hoàng trở lại U23 QG (dù còn trong độ tuổi). Nhưng với Đình Tùng và Thanh Trung, cái áo U23 QG có thể vừa cỡ hơn. Đình Tùng dù đang là chân sút nội tốt nhất Eximbank V-League 2011 (với 7 bàn, sau 16 lượt trận), nhưng thường không phát huy được khả năng tốt nhất khi lên tuyển. Thanh Trung của HP.HN là một trường hợp tương tự. Đấy là chưa tính đến việc cạnh tranh vị trí vốn đã rất chật chội ở 2 cánh.

Khi một đội bóng thuộc hạng Nhất và đang xếp ở gần đáy bảng xếp hạng sau 15 lượt trận như CLB TP.HCM mà còn có đến 5 đề cử trong danh sách sơ bộ U23 QG, có thể yên tâm rằng, cơ hội lên tuyển luôn mở ra với tất cả. Ở “hạng mục” U23 QG, có thể thấy sân chơi hạng Nhất là mảnh đất màu mỡ để tìm kiếm các tài năng. V-League nếu còn lại các cầu thủ còn trong độ tuổi và thi thoảng được cất nhắc đá chính thì là những trường hợp ở SLNA, HA.GL và SHB.ĐN. Cùng với một nửa quân số từng đá SEA Games 25 (2009) như đã nhắc, đây chắc chắn sẽ là lực lượng nòng cốt.

CCKM



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm