29/03/2019 19:18 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh chuyên đề về “văn hóa đi chùa”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã có những kiến giải cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về nguyên nhân, cũng như phương hướng để từng bước khắc phục những hiện tồn.
PGS Bùi Hoài Sơn nói:
- Trước hết, văn hóa đi chùa, mà rộng hơn là văn hóa đến với Phật giáo, bắt nguồn từ giáo lý của Phật giáo. Thói quen đi chùa của người Việt được hình thành từ lâu, và luôn có tác dụng tích cực trong việc ổn định xã hội, củng cố đạo đức và niềm tin của con người từ niềm tin Phật giáo. Nhưng hiện giờ, Phật giáo của chúng ta cũng có nhiều điểm khác với trước kia.
Về lý thuyết, tôn giáo là sự phóng chiếu, phản ánh các vấn đề của xã hội. Nói cách khác, xã hội làm sao thì tôn giáo như vậy. Bối cảnh của xã hội hiện đại đang có nhiều thay đổi và những thay đổi ấy được nhìn thấy ngay trong cách đi chùa.
Trước mắt, ở góc độ quản lý, tôi nghĩ dư luận cần đặt câu hỏi: Tại sao, những lộn xộn trong việc đi chùa xảy ra ở miền Bắc nhiều hơn là các khu vực khác? Lý giải điều này, chúng ta cần có một cái nhìn đa chiều, thay vì chỉ đưa ra một vài lý do.
* Ông có thể đưa ra những giải thích của mình?
- Tôi cho rằng câu hỏi đầu tiên phần nào liên quan tới sự phổ biến của các trường phái Phật giáo tại từng vùng miền. Bởi, Phật giáo Nam Tông hay Bắc Tông sẽ quy định khác nhau về cách thức để người ta đến với các ngôi chùa. Nhưng quan trọng hơn, đây là câu chuyện mà lịch sử để lại một cách khách quan.
Giai đoạn chiến tranh, tại miền Bắc, để dồn toàn tâm lực cho việc thống nhất đất nước, chúng ta đã có những lúc, ở những nơi, không thể ưu tiên cho những mục đích khác. Sự đứt đoạn trong thực hành nghi lễ tâm linh dẫn đến việc, khi chúng ta có điều kiện để quay trở lại, xuất hiện sự hiểu biết chưa/không đầy đủ về Phật giáo, từ đó có những lộn xộn nhất định như hiện nay.
Nhưng, ngoài vấn đề của lịch sử, phải nói tới một câu chuyện chung bây giờ: Niềm tin của người dân với thực tại có những vấn đề riêng của nó. Đất nước chúng ta phát triển tương đối nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Thành tựu rất lớn nhưng cũng có hệ lụy và mặt trái của sự phát triển này.
Ví dụ, luật pháp của chúng ta có những lúc còn chưa theo kịp thực tế xã hội, khiến việc xử phạt còn chưa nghiêm minh, chưa đáp ứng với những đòi hỏi và niềm tin của xã hội đối với một công cụ được xem như mang lại sự công bằng cho cuộc sống. Rồi, những biến chuyển quá nhanh trong cuộc sống cũng khiến nhiều người lúng túng khi tìm kiếm một lý tưởng, một cách sống, một tấm gương phù hợp cho mình. Xu hướng đề cao lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng, đề cao lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích tinh thần… dẫn đến những xung đột trong cuộc sống.
Những bế tắc ấy đẩy họ đến với tôn giáo - và rồi rất dễ bị lợi dụng khi có những người dùng nó để trục lợi.
Trong lịch sử, Phật giáo luôn gần gũi và có mối quan hệ rất chặt chẽ với người dân Việt Nam. Đơn cử, tại phía Bắc, rất nhiều làng đều có chùa, và người dân luôn coi chùa làng như một thực thể thân thuộc với mình. Bởi thế, trong xã hội Việt Nam, Phật giáo dễ đến với cộng đồng hơn những tôn giáo khác.
Nếu việc xây chùa gắn với câu chuyện hoằng dương Phật pháp thì đó là điều bình thường. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc xây chùa mới, chùa to bị lợi dụng để kinh doanh bằng những hoạt động chỉ liên quan chút ít, hoặc không liên quan, tới Phật giáo. Biến tướng trong cách đi chùa cũng sinh ra từ những biến tướng của mục đích xây dựng chùa như vậy.
* Những điều này nên được xử lý thế nào, theo ông?
- Giải pháp căn cơ và bền vững nhất vẫn nằm ở việc giúp người dân có thêm nhận thức về những gì liên quan tới đạo Phật, với tính chất từ bi và thoát tục của mình. Trong đó, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng quan trọng, bởi đó là cơ quan mang tính chính thống, có tiếng nói dễ nhận được sự đồng thuận nhất của những người theo Phật giáo. Trước những hiện tượng không bình thường, tiếng nói của Giáo hội sẽ giúp dư luận sớm ổn định và khiến xã hội có sự thăng bằng hơn.
Rồi, đó còn phải là câu chuyện của các chuyên gia, cũng như giới truyền thông, để phân tích và khiến cộng đồng hiểu rõ được bản chất sự việc. Trong câu chuyện của chùa Ba Vàng vừa qua, nhìn chung truyền thông nhập cuộc rất tích cực. Nhưng, ở khía cạnh nào đó, cách đưa tin của báo giới cũng khiến dư luận có những hoang mang, những phản ứng khác - mà ở góc độ cá nhân, tôi thấy Phật giáo có vẻ như… bị vạ lây.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc tới vai trò của các cơ quan quản lý. Thực tế, để giải quyết những hành vi đi ngược với giáo lý nhà Phật, chúng ta cũng đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Nếu làm đồng bộ, vào cuộc một cách ráo riết, và thậm chí có những xử lý nghiêm khắc để làm gương, tôi tin những lộn xộn này sẽ giảm bớt dần.
* Chúng ta từng nói nhiều tới việc du khách hành hương nhưng không hiểu về chùa,và rộng hơn là về Phật giáo. Theo ông, điều ấy có thực sự quan trọng không?
- Không chỉ với chùa, ở bất cứ địa điểm nào, sự hiểu biết về nơi mình đến sẽ tạo ra cho mỗi người những ứng xử phù hợp. Vấn đề ở đây là có những người không hiểu về Phật giáo và có cả những người dù hiểu, nhưng vẫn không muốn chọn cách ứng xử đúng cho mình. Nhìn chung, ta phải chấp nhận một thực tế rằng du khách tới chùa không thể là một khối đồng nhất. Trong bối cảnh hiện tại, không phải ai tới đây cũng có nhu cầu để tìm hiểu về giáo lý nhà Phật.
Do vậy, bên cạnh những biện pháp tuyên truyền ngoài xã hội, tôi nghĩ việc thông tin, phổ cập kiến thức để tạo ra sự hiểu biết ngay tại các ngôi chùa là vô cùng quan trọng. Những thông tin đó không chỉ giúp cho người đến với chùa hiểu hơn về giáo lý đạo Phật để từ đó có những cách hành xử đúng.
Hơn thế, nó còn giúp người đi lễ hiểu về lịch sử, ý nghĩa của tôn giáo với cuộc sống, từ đó sẽ có tác dụng tích cực hơn cho cuộc sống của họ, cũng như cho toàn xã hội. Và những thông tin, kiến thức ấy cần được nghiên cứu để diễn giải sao cho ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn, truyền tải dưới nhiều hình thức khác nhau.
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Cần nhắc lại, trong suốt hàng ngàn năm qua, Phật giáo và các tôn giáo nói chung luôn có những tác động rất tích cực tới sự phát triển của xã hội. Những giá trị trường tồn ấy không thể vì chuyện này kia mà mất đi được. Quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định điều này. |
(Còn tiếp)
Sơn Tùng (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất