Thảm cảnh của người tỵ nạn Syria: Bán thận để tồn tại

14/11/2013 11:21 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bóng tối của cuộc nội chiến Syria, ngày càng có nhiều người tỵ nạn nước này chạy sang Lebanon phải tìm cách sinh tồn bằng việc bán đi nội tạng. Nhưng cái mà họ phải trả lại lớn hơn nhiều những gì nhận được.

Người thanh niên trẻ tự gọi mình là Raid không được khỏe. Cậu leo vào phía sau một chiếc xe hơi, với vẻ đau đớn lộ rõ trên mặt, thận trọng không chạm vào bất kỳ góc nào. Một dải băng lớn quấn quanh vùng bụng, thấm đẫm máu. Bất chấp tình cảnh tệ hại đó, Raid, 19 tuổi, vẫn muốn kể lại câu chuyện của mình.

Nhiều người bán hơn người mua

Chuyện bắt đầu cách đây 7 tháng, khi Raid bỏ chạy khỏi thành phố Aleppo ở Syria để tới Lebanon cùng cha mẹ và 6 em. Gia đình nhanh chóng cạn tiền tại thủ đô Beirut. Raid nghe một người thân nói rằng giải pháp để sống tiếp là bán đi một quả thận của cậu. Tiếp đó cậu được giới thiệu tới gặp một gã đàn ông lực lưỡng, giờ đang ngồi ở hàng ghế sau cùng mình.

Gã đàn ông này là Abu Hussein, thành viên một đường dây chuyên buôn bán nội tạng người, đặc biệt là thận. Sếp của Abu Hussein nổi tiếng trong các khu nghèo khó ở Beirut với biệt danh "Ông lớn". 15 tháng trước, ông ta giao cho Hussein một nhiệm vụ mới: tìm những người bán nội tạng. Theo vị sếp, làn sóng người tỵ nạn Syria đổ tới từ chiến tranh cũng có nghĩa sẽ có nhiều người bán nội tạng hơn.

Lâu nay Lebanon đã được xem là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán nội tạng. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Arab giàu có từ khắp nơi trên thế giới tới Beirut để chữa bệnh, trong các bệnh viện có điều kiện hoàn hảo. Nhà chức trách thường không chú ý lắm tới việc bệnh nhân về nhà cùng một cái mũi mới hoặc một quả thận mới.

Trước đó phần lớn người bán nội tạng ở Lebanon tới từ Palestine. Nhưng từ khi làn sóng người tỵ nạn Syria đổ tới, nhiều nhóm người đã tranh nhau bán nội tạng, khiến mức giá sụt giảm mạnh.  "Chỉ tính riêng những quả thận, chúng tôi giờ có rất nhiều người bán so với những người mua" - Hussein nói. Anh cho biết 4 trong số những đàn em khác của sếp "Ông lớn" đã môi giới bán được tổng cộng 150 quả thận trong 12 tháng qua.

Hussein cho biết các tổ chức khác trong vùng cũng đang làm ăn tốt như vậy. "Rất nhiều sản phẩm của chúng tôi đã ra nước ngoài, ví dụ như vịnh Ba Tư" - Abu Hussein nói. Nhưng "Ông lớn" còn có khách hàng ở những nơi khác như Mỹ và châu Âu.

Tiền bán thận chỉ đủ để sống tới mùa Xuân

Raid không gặp vấn đề gì khi bán quả thận trái, bởi anh trông khỏe mạnh và không hút thuốc. Anh từng chơi bóng cho đội trẻ của đội tuyển quốc gia Syria. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ đã nói dối anh, hiển nhiên là để khiến anh bình tĩnh hơn. Họ nói với anh rằng với một chút may mắn, quả thận có thể mọc trở lại và sẽ chẳng có bất kỳ tác dụng phụ nào. Sự thực thì những người hiến tạng thường phải tiến hành kiểm tra sức khỏe hậu phẫu trong nhiều năm trời. Tuy nhiên Raid đào đâu ra tiền để làm điều đó.

Sau vụ bán thận, Raid kiếm được 7.000 USD. "Trong khi tôi đưa Raid và mẹ tới bệnh viện, một cộng sự của tôi sẽ đi mua sắm với ông bố" - Abu Hussein nói - "Gia đình thiếu thốn đủ thứ. Cha của Raid đã mua những chiếc đệm và quần áo mùa Đông, một chiếc tủ lạnh và một lò nướng".

Ông bố mang tất cả những thứ đó về căn phòng mà gia đình 8 người vẫn đang sống hiện nay. Kết quả là số tiền còn lại chỉ đủ để sống qua mùa Đông. Và sau đó là gì nữa? "Tôi không biết" - Raid thành thực trả lời.

"Tao không quan tâm mày sống chết ra sao"

Theo Abu Hussein, tất cả các bên đều có lợi từ hoạt động buôn bán tạng. Những người Syria có tiền và những người ốm, vốn phải trả tới 15.000 USD cho một quả thận mới, sẽ có cuộc sống mới. Bản thân Hussein cũng được lợi. Anh cho biết mình kiếm được từ 600 - 700 USD tiền môi giới cho mỗi thương vụ. Số tiền đó bằng lương tháng của một giáo viên ở Lebanon.

Hussein tiết lộ rằng trong mấy tháng gần đây, anh ta đã chở từ 15 - 16 người bán thận, tất cả đều là dân Syria từ 14 - 30 tuổi, tới một trung tâm y tế chui, nằm trong một tòa nhà dân cư. Trung tâm này có các thiết bị y tế hiện đại nhất và không chỉ tiến hành ghép thận mà còn ghép cả các phần mô tạng khác. "Tôi hiện đang tìm kiếm người hiến mắt" - anh nói.

Trong buổi tối đó, chuyện trở nên rõ ràng rằng không phải ai cũng được lợi từ việc buôn bán tạng. Raid, ngồi ở phía sau chiếc xe, cảm thấy không khỏe. Thận của anh đã bị cắt mất 7 ngày trước đó. "Tôi cần thuốc. Anh nói rằng sẽ tìm thuốc cho tôi" - Said nói với Abu Hussein, người chỉ vài phút trước vừa "nổ" rằng tổ chức của mình chăm sóc người Syria ra sao.

Nhưng khi nghe thấy lời cầu xin thuốc từ Raid, Abu Hussein lập tức hét tướng lên: "Câm miệng. Tao không quan tâm mày sống chết ra sao. Tao xong chuyện với mày rồi".

Tường Linh (Theo Spiegel)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm