10/10/2014 21:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai (Pakistan) và luật sư về quyền trẻ em Kailash Satyarthi (Ấn Độ) đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2014.
Nữ sinh chống Taliban trở thành người trẻ tuổi nhất lịch sử giành giải Nobel
Chiều 10/10 (theo giờ Việt Nam), ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố quyết định nói trên, đồng thời nhấn mạnh việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho Malala Yousafzayvà Kailash Satyarthi là vì cuộc đấu tranh của họ chống lại sự áp bức đối với phụ nữ và trẻ em, cũng như bảo vệ quyền giáo dục của trẻ em.
Yousafzai, sinh năm 1997, từng là ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình năm ngoái. Malala Yousafzai trở thành nhân vật nổi tiếng toàn thế giới cách đây 2 năm khi cô bị phiến quân Taliban bắn vào đầu khi đấu tranh cho quyền được đi học của các trẻ em gái. Sau khi bị Taliban bắn vào tháng 10/2012, Malala được đưa tới Anh và điều trị ở Birmingham. Malala nhận được tin đoạt giải Nobel Hòa bình khi đang trong giờ học ở thành phố Birmingham.
Cô đã trở thành người trẻ tuổi nhất giành được giải Nobel. Người trẻ tuổi nhất trước đó là Lawrence Bragg, nhà khoa học Anh gốc Australia. Anh nhận giải Nobel vật lý cùng với cha vào năm 1915, khi mới 25 tuổi.
Malala Yousafzai trong cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 18/8/2014. Ảnh: AFPTrong khi đó, nam luật sư 60 tuổi Kailash Satyarthi được vinh danh nhờ đứng đầu nhiều cuộc biểu tình, tuần hành hòa bình chống lại việc khai thác lao động trẻ em.
Cũng như các giải Nobel khác do Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển công bố, giải Nobel Hòa bình của Uỷ ban Nobel Na Uy cũng có số tiền thưởng tương đương 1,1 triệu USD. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ tổ chức tại thủ đô Oslo vào ngày 10/12 tới, đúng vào ngày mất của nhà sáng lập giải Anfred Nobel.
Năm nay, 5 thành viên của Hội đồng Nobel Na Uy đã cùng nhau lựa chọn ra 2 người được vinh danh trong số 278 đề cử, trong đó có 231 cá nhân và 47 tổ chức, số lượng đề cử nhiều nhất trong lịch sử giải Nobel Hòa bình. Danh sách này luôn được giữ bí mật tới phút chót.
Các giải thưởng Nobel Hòa bình trong 10 năm gần đây:
Năm 2003: Giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho bà Shirin Ebadi, người Iran vì những cống hiến của bà trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bà Shirin Ebadi từng là luật sư, thẩm phán, giảng viên, nhà văn và nhà hoạt động xã hội và rất được tôn trọng ở Iran.
Năm 2004: Giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho bà Wangari Maathai người Kenya, vì những đóng góp to lớn của của bà cho sự phát triển bền vững. Không chỉ tích cực hoạt động vì môi trường tốt đẹp trên Trái đất, bà còn đi đầu trong các hoạt động vì nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt các quyền đối với phụ nữ.
Năm 2005: Giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và người đứng đầu cơ quan này, ông Mohamed ElBaradei, vì những cống hiến của họ trong ngăn chặn sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân vào những mục đích quân sự và đảm bảo rằng nguồn năng lượng này chỉ dùng vào mục đích hòa bình một cách an toàn nhất.
Năm 2006: Giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho nhà kinh tế Bangladesh, ông Muhammad Yunus và Ngân hàng Grameen của ông vì những đóng góp của ông được coi là tiên phong trong cuộc chiến thoát khỏi đói nghèo với thứ vũ khí duy nhất trong tay - những khoản tín dụng nhỏ.
Năm 2007: Giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - cơ quan khoa học hàng đầu của Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu, và cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore vì đã dành nhiều công sức để phổ biến kiến thức rộng rãi hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời những công trình nghiên cứu của IPCC đã tạo cơ sở giúp các chính phủ hoạch định chính sách tầm vĩ mô trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Năm 2008: Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari - một nhà trung gian hòa giải nổi tiếng, vì những đóng góp quan trọng của ông trong việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế, đặc biệt là việc chấm dứt được cuộc xung đột giữa Chính phủ Indonesia và Phong trào giải phóng Aceh kéo dài ba thập kỷ và làm gần 15.000 người thiệt mạng...
Malala Yousafzai phát biểu tại diễn đàn "We Day" ở London(Anh ) ngày 7/3/2014. Ảnh: AFPNăm 2010: Giải thưởng Nobel Hòa bình đã trao cho ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi người Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã kịch liệt phản đối quyết định này.
Năm 2011: Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho 3 phụ nữ là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee - người Liberia và Tawakkul Karman - người Yemen vì những nỗ lực đấu tranh phi bạo lực của họ cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ trong tiến trình kiến tạo hòa bình.
Năm 2012: Giải Nobel Hòa bình được trao cho Liên minh châu Âu (EU) vì đã duy trì được hòa bình và ổn định ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. EU là một liên minh kinh tế - chính trị gồm 27 quốc gia thành viên thuộc châu Âu, được thành lập theo Hiệp ước Mastrích (Maastricht) vào ngày 1/1/1993 dựa trên cộng đồng châu Âu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế châu Âu, EU đã phát triển được thị trường chung được coi là lớn nhất thế giới mà ở đó hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn có thể lưu thông tự do.
Năm 2013: Giải Nobel Hòa bình được trao cho tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), có trụ sở ở Hà Lan, do những nỗ lực trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, và những nỗ lực của tổ chức này trong việc tiêu hủy và cấm phổ biến vũ khí hóa học trên toàn thế giới.
Thảo Vy - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất