06/05/2018 17:50 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Xuyên suốt trong các tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đều chung một xuất phát điểm là hành vi cố ý làm trái của các bị cáo. Bất kể vì động cơ, mục đích gì, sai phạm của các bị cáo đều bắt nguồn từ hành vi cố tình làm trái các quy định của Nhà nước, vượt ra ngoài hành lang an toàn của pháp luật.
Xảy ra tình trạng các bị cáo ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật, phải chăng chế tài xử lý chưa đủ mạnh để có thể cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung?
Cụ thể hóa pháp luật hình sự
Với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù và cơ chế áp dụng các hình phạt bổ sung, hình phạt tiền, có thể nói, tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999 có chế tài xử phạt khá nghiêm khắc, đủ mang tính trừng phạt và răn đe.
Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các bị cáo bị truy tố về hành vi cố ý làm trái vẫn nhiều, nguyên nhân được xác định là do lâu nay tội danh này được coi như là một cái “túi” quá rộng để xử lý tất cả những trường hợp cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, trong đó bao gồm cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội danh khác. Do quy định của điều luật này quá rộng, thiếu cụ thể, rõ ràng, nhiều cá nhân cho rằng hành vi của mình chỉ bị xử lý hành chính mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, vì thế họ ngang nhiên thực hiện sai phạm. Bên cạnh đó, cũng có không ít người biết là sai, biết là vi phạm quy định, nhưng do coi thường kỷ cương, coi thường pháp luật, nên vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thực tế áp dụng 15 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, không những ảnh hưởng đến thể chế kinh tế, đến những người làm kinh tế, mà còn gây nhiều khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật. Một trong những bất cập của nó là phạm vi quá rộng, các quy định về quản lý kinh tế vô cùng nhiều. Khắc phục nhược điểm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực cụ thể: Cạnh tranh, kế toán, đầu tư, xây dựng, đấu giá…
Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 chia tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thành 9 tội giúp cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong các lĩnh vực khác nhau khiến cho các quy định của Bộ luật Hình sự về nhóm tội này chặt chẽ, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân hóa và áp dụng trách nhiệm hình sự chuẩn mực hơn. Bởi lẽ, các quan hệ về quản lý kinh tế trong mỗi lĩnh vực có tầm quan trọng khác nhau, cần phải có chế tài với mức độ xử phạt nghiêm khắc tương xứng. Do đó, không thể có chế tài chung cho hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung như trước đây.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường cho rằng, việc quy định cụ thể 9 hành vi nếu vi phạm quy định sẽ bị xử lý hình sự này là một bước tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015, giúp cho tất cả những nhà kinh doanh, các nhà quản lý “soi” vào đó để loại trừ hành vi vi phạm pháp luật. Sự tiến bộ này giúp hạn chế vi phạm từ cả hai phía. Luật càng cụ thể thì người dân càng dễ biết để tránh; đồng thời cũng tránh để các cơ quan công quyền tùy tiện trong khi áp dụng, xử lý.
Tăng cường trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát
Theo phân tích của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, có thể nhìn nhận trong những vụ án kinh tế nghiêm trọng kể trên, tính minh bạch, tính phản biện trong tổ chức, đoàn thể của những doanh nghiệp này gần như bị triệt tiêu. Ngay trong hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng cổ phần, vai trò của Trưởng ban Kiểm soát là rất lớn, nhưng không bao giờ phát huy được. Hoạt động kiểm soát của ngân hàng bị tê liệt, không dám phản kháng, không dám kiểm tra, giám sát. Cấp dưới răm rắp nghe và làm theo chỉ đạo của cấp trên, biết sai vẫn cố tình thực hiện mà không có ý kiến phản bác. Xét cho cùng, điều này là do liên quan đến miếng cơm manh áo, đến bổng lộc, lợi ích… nên những bị cáo cấp dưới luôn phục tùng cấp trên.
Đồng quan điểm, luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn kinh tế là cần thiết, nhưng thể chế, cơ chế về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quản lý tài chính nội bộ hiện hành còn kém hiệu quả.
Thêm vào đó, các bộ, ngành chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn, phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo Tập đoàn.
Vì thế, một điểm chung của các vụ án chính là hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Gần như các sai phạm chỉ được phát hiện và xử lý khi có quyết tâm chính trị và chỉ đạo quyết liệt xử lý từ cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước. Điển hình như trong vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank) và đồng phạm, việc thực hiện chủ trương chi lãi ngoài được thực hiện từ đầu năm 2011. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra OceanBank, đã phát hiện vi phạm và bước đầu có kiến nghị khắc phục. Tuy nhiên, những vi phạm này đã bị bỏ lửng, không được xử lý triệt để, kéo dài đến tận năm 2014, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm tra mới làm rõ được sai phạm trong việc chi lãi ngoài này. Lúc đó, những vi phạm của Hà Văn Thắm và đồng phạm không những không được khắc phục mà còn tiếp tục vi phạm mới mức độ lớn hơn, gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.576 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của OceanBank lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần. Nhìn nhận về trách nhiệm của việc xử lý không triệt để này, tháng 9/2017, khi xét xử sơ thẩm vụ án này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị: “Ngân hàng Nhà nước xem xét trách nhiệm của các cán bộ cơ quan thanh tra, giám sát đã không làm hoặc làm không hết chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc thanh tra, kiểm tra OceanBank giai đoạn 2009 - 2014; đồng thời kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát OceanBank, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường nhấn mạnh, vấn đề này đòi hỏi cần một cơ chế kiểm tra, giám sát hoàn thiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra trong việc đôn đốc thực hiện khắc phục sai phạm sau kết luận thanh tra. Với chế tài đủ mạnh, những hành vi bỏ qua sai sót, làm không hết chức tránh, nhiệm vụ hoặc không tổ chức thực hiện đôn đốc kiểm tra sau thanh tra, không thực hiện kết luận thanh tra… sẽ không có “đất” để nảy nở.
Bên cạnh những việc đã làm được, từ những sai phạm trong quá trình quản lý kinh tế thời gian qua, các cơ quan quản lý và cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các giải pháp đồng bộ khác với mục tiêu chủ chốt là phòng ngừa và ngăn chặn từ xa.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất