04/02/2020 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Trong đó, với Nghị quyết 33, sự phát triển của văn hóa Việt đã trở thành nền tảng cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa của chúng ta ra thế giới.
1.Triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đến nay Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện thủ tục ký kết 55 điều ước, thỏa thuận quốc tế về văn hóa với các quốc gia, tổ chức quốc tế để làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác về giới thiệu văn hóa Việt trong quá trình hội nhập.
Tương ứng với lộ trình này, Bộ VH,TT&DL đã tham mưu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản có tác động mạnh như Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Từ đó, hàng trăm sự kiện về văn hóa, nghệ thuật và du lịch đã được tổ chức ở nước ngoài với chất lượng chuyên môn cao theo các cam kết song phương, đa phương trong các dịp kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia hoặc trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Việt Nam.
Nhiều sự kiện đã trở thành thương hiệu có uy tín trong khu vực và trên thế giới, thu hút sự quan tâm của bạn bè, giới chuyên môn, khách du lịch quốc tế như: Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc (tổ chức thường niên), Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Philippines, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Anh, Na Uy, Đức, Venezuela, Colombia, Canada... Thực tế, các hoạt động nêu trên đã tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp cận các thông tin, sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc, lành mạnh từ trong nước, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong sinh hoạt, đời sống.
Ở góc độ khác, Việt Nam cũng đã tăng cường vai trò chủ động tại các thể chế, diễn đàn đa phương về văn hóa như: ASEAN; ASEM; APEC; UNESCO; OIF; BIE... Tham gia các sự kiện có quy mô, chất lượng, uy tín trên thế giới về văn hóa như các kỳ triển lãm thế giới EXPO, các liên hoan, lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật khu vực và quốc tế.
Thành công ở góc độ này có thể thấy rất rõ ở lĩnh vực điện ảnh, khi Việt Nam đã tham gia Mạng lưới Phát triển Điện ảnh châu Á (NETPAC) và Hiệp hội Sản xuất phim châu Á - Thái Bình Dương (FPA), Mạng lưới Ủy ban Điện ảnh châu Á (AFCNet). Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam có quan hệ mật thiết với các nền điện ảnh trong khu vực các nước ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ ... và tham dự 49 Liên hoan phim quốc tế uy tín trên thế giới trong vòng 5 năm (kể từ 2014) với tổng cộng 161 phim.
Trong số này, nhiều phim được đánh giá cao như Đập cánh giữa không trung (giải Phim hay nhất của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải tại LHP Venice 2014); Đảo của dân ngụ cư (giải Đặc biệt của giám khảo tại Liên hoan Phim Quốc tế Á Âu - Eurasia tại Kazakhstan năm 2017); Cha cõng con (giải Phim châu Á hay nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Teheran 2018, giải Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất và giải Quay phim ấn tượng nhất tại LHP Quốc tế Arizona lần thứ 26).
2. Song song với các hoạt động trên, Bộ VH,TT&DL cũng chỉ đạo các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao có chất lượng như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm chuyên đề, giao lưu võ cổ truyền dân tộc, dạy tiếng Việt, giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Riêng với các hoạt động văn hóa mang yếu tố quốc tế tại Việt Nam, kể từ khi có Nghị quyết 33, chúng ta đã chủ động đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện có quy mô, uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế, thu hút sự tham dự của các đoàn nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè quốc tế qua các sự kiện như Festival Huế, Festival Trà Thái Nguyên, giao lưu văn hóa các địa phương biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, các chương trình Năm Du lịch quốc gia tại các địa phương...
Để thuận tiện cho các hoạt động này, Bộ VH,TT&DL đã chú trọng xây dựng, phát triển các hình thức quảng bá trực tuyến như website, mạng xã hội, các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá, chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài như CNN, BBC, các sách, báo, tạp chí quốc tế để triển khai các chiến dịch quảng bá, giới thiệu về văn hóa và du lịch Việt Nam với thời lượng lớn (1-3 tháng), phát sóng liên tục trên quy mô lớn... Ở cấp độ địa phương, nhiều tỉnh như: Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng... đã chủ động xây dựng, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chiến lược đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Những năm qua, nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (Đà Nẵng); Hội chợ Thương mại du lịch quốc tế (TP.HCM); Festival Huế... đã trở thành sự kiện được bạn bè quốc tế quan tâm và nhiệt tình tham gia.
Như thế, trong vòng 5 năm kể từ khi Nghị quyết 33 ra đời, chúng ta đã có những bước tiến khả quan trong việc hội nhập cùng thế giới và tự khẳng định mình ở lĩnh vực văn hóa – cho dù, đó không thể chỉ là câu chuyện của một sớm một chiều.
Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Bộ VH,TT&DL đã có kiến nghị đề nghị Ban Bí thư có kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong những năm tiếp theo; đồng thời xem xét, đưa nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trở thành một trong những đột phá phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. |
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất