Từ Tiger Cup đến AFF Suzuki Cup

20/11/2014 19:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không có nhiều giải vô địch bóng đá chính thức của một khu vực lại chấp nhận gắn tên gọi với nhà tài trợ, nhưng AFF Suzuki Cup (tiền thân là Tiger Cup) chính là ngoại lệ hiếm hoi, và nhìn từ tên gọi giải đấu thì chúng ta cũng hiểu được phần nào vì sao sân chơi này đã khai sinh được gần 20 năm nhưng trình độ của các đội bóng ở “ao làng” Đông Nam Á gần như vẫn không thay đổi.

Ra đời từ năm 1996, Tiger Cup được nhà tài trợ là Công ty Đồ uống châu Á Thái Bình Dương, đơn vị sở hữu thương hiệu Tiger Beer, gửi gắm tham vọng sẽ trở thành sân chơi đẳng cấp cao để giúp các ĐTQG Đông Nam Á nâng tầm.

Nâng tầm với bia

Sở dĩ Tiger Cup được khai sinh vào năm 1996 là bởi trước đấy đúng một năm, SEA Games 18 diễn ra năm 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan) đã cống hiến cho khán giả một màn trình diễn mãn nhãn với môn bóng đá nam. Bên cạnh những tên tuổi đã khẳng định được năng lực ở sân chơi khu vực khi ấy như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Myanmar, sự trỗi dậy đầy bất ngờ của Việt Nam với chiếc HCB đã khiến cho cục diện của bóng đá khu vực trở nên rất khó lường và hấp dẫn.

Trên cơ sở đấy, Công ty Đồ uống châu Á Thái Bình Dương cho ra đời Tiger Cup với kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội cọ xát cho các ĐTQG trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh SEA Games, để giúp bóng đá khu vực này rút ngắn khoảng cách với các nền bóng đá hàng đầu châu lục.

Tuy nhiên, ngay từ chặng xuất phát, Tiger Cup 1996 dường như đã gặp phải điềm báo không lành khi Singapore, nước chủ nhà của kỳ giải đầu tiên và cũng là nơi mà nhà tài trợ chính đặt trụ sở, bị loại ngay sau vòng bảng, khiến cho ngày hội bóng đá được kỳ vọng ở đảo quốc sư tử đã trở thành sàn diễn của các đội bóng nước ngoài.

Trong 2 kỳ giải liên tục được tổ chức sau đó vào các năm 1998 và 2000, Tiger Cup vẫn là cuộc chơi riêng của các đội bóng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, và với việc SEA Games diễn ra vào những năm lẻ cũng là sân chơi của các ĐTQG, bữa tiệc bóng đá được kỳ vọng bắt đầu có dấu hiệu nhàm chán.

Bởi thế, từ năm 2001, SEA Games đã được giới hạn độ tuổi cho các cầu thủ U23, biến Tiger Cup trở thành giải vô địch bóng đá Đông Nam Á một cách thực thụ. Thế nhưng, điều này vẫn chẳng giúp bóng đá Đông Nam Á khởi sắc hơn, khi trong 4 kỳ giải đầu tiên được tổ chức vào các năm 1996, 1998, 2000 và 2002, Thái Lan có tới 3 lần vô địch (1996, 2000 và 2002, chỉ một lần Singapore bất ngờ giành Cúp vào năm 1998), kịch bản giống như những gì đang diễn ra ở các kỳ SEA Games cùng thời điểm.

Dậm chân tại chỗ cùng xe máy

Và điều đáng nói là mặc dù được cọ xát liên tục hàng năm trong giai đoạn từ năm 1996 tới năm 2000, nhưng trình độ của các đội bóng Đông Nam Á hầu như không có tiến bộ ở sân chơi châu lục, khi chỉ có 2 đội tuyển Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đoạt vé tham dự VCK ASIAN Cup 2000, nhưng cả 2 đều bị loại ngay sau vòng bảng.

Có lẽ vì lý do đấy nên nhà tài trợ Công ty Đồ uống châu Á Thái Bình Dương đã quyết định chia tay giải đấu sau kỳ giải năm 2004, khiến LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) bối rối tới mức phải tạm ngưng kỳ giải năm 2006 và dời sang đầu năm 2007 với tên gọi mới là AFF Cup, trong khi lẽ ra đấy phải là tên gọi đầu tiên, duy nhất và chính thức của giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.

Trong lịch sử các kỳ giải của Tiger Cup và AFF Cup, thật đáng ngạc nhiên khi Singapore mới là đội bóng giàu thành tích nhất với 4 lần đoạt chức vô địch, tiếp theo là Thái Lan (3 lần) và Việt Nam cùng Malaysia đứng đồng hạng với 1 lần. Điều đáng nói là Singapore chưa bao giờ được xem là nền bóng đá hàng đầu khu vực, xét cả ở cấp độ ĐTQG cũng như giải VĐQG, và thành tích mà bóng đá Singapore có được ở sân chơi khu vực nhiều năm qua nhờ cậy rất lớn vào lực lượng cầu thủ nước ngoài được nhập quốc tịch Singapore.

Vì thế, dù lý thuyết Singapore đang là đội bóng giàu truyền thống nhất ở giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, nhưng trên thực tế, tầm ảnh hưởng của bóng đá Singapore lại không tương xứng với số danh hiệu vô địch Đông Nam Á mà họ sở hữu, khi dù ở giải đấu “ao làng” như SEA Games hay các sân chơi đẳng cấp cao hơn như ASIAN Cup, vòng loại World Cup, Singapore chưa một lần làm nên chuyện lớn.

Thật sự là một nghịch lý khi đội bóng có nhiều danh hiệu quán quân nhất ở giải vô địch bóng đá khu vực lại không phải là nền bóng đá mạnh nhất khu vực, và điều đấy giải thích một phần lý do vì sao mà ngôi vị số một ở AFF Cup không thể trở thành bệ phóng để những đội bóng như Singapore, Thái Lan, Việt Nam hay Malaysia vươn khỏi “ao làng” Đông Nam Á để tiệm cận trình độ của những đội bóng hàng đầu châu lục ở khu vực Đông Bắc Á, hay phần nào là Tây Á.

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (tên gọi tiếng Anh là ASEAN Football Championship) là sự kiện 2 năm diễn ra một lần, được LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) tổ chức cho các ĐTQG trong khu vực Đông Nam Á tham gia tranh tài.

Giải đấu này được tổ chức lần đầu tiên với tên gọi Tiger Cup, tên gọi xuất phát từ Tiger Beer, là một nhãn hiệu bia của Công ty Đồ uống châu Á Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Singapore.

Kể từ năm 1996 đến năm 2004, giải đấu luôn được tổ chức với tên gọi Tiger Cup. Sau khi Công ty Đồ uống châu Á Thái Bình Dương rút lui, Tiger Cup 2006 không được tổ chức và một năm sau giải đấu này mới được diễn ra với tên gọi AFF Cup.

Tuy nhiên, tên gọi AFF Cup chỉ tồn tại đúng một kỳ giải, vì từ năm 2008, hãng sản xuất ôtô xe máy của Nhật Bản là Suzuki đã mua lại thương quyền của giải đấu để đổi tên gọi chính thức của giải thành AFF Suzuki Cup.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm