Có căn cứ để điều tra "đại gia mất sừng tê giác"?

03/10/2012 14:04 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH Online) - Ngay sau khi một tờ báo của ngành công an đưa tin về việc gia đình ông Trầm Bê, hiện cư trú tại Trà Cú, Trà Vinh bị mất sừng tê giác và cơ quan công an đang vào cuộc xác minh, rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đã được đưa ra.

Hầu hết đều đặt câu hỏi, vì sao ông Trầm Bê lại có được sừng tê giác trong nhà, vì sao cơ quan công an lại công bố rộng rãi và liệu sau vụ việc này, liệu ông Bê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Sừng tê giác bị tịch thu. (Ảnh Hải quan Việt Nam)

Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 20/1/2002 của Chính phủ quy định về việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã quy định việc xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã theo Công ước quốc tế CITES Việt Nam cấp. Nghị định số 48/CP ngày 22/4/2002, Nghị định số 139/CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định những hành vi vi phạm hành chính là động vật, thực vật có tên trong phụ lục I, II của CITES nhưng không có tên trong danh mục Nghị định số 48/CP thì vẫn bị xử lý như hành vi vi phạm đối với động vật, thực vật hoang dã nhóm IIa, IIb của Nghị định 139/CP, có giá trị từ trên 5 triệu đồng thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làn sóng bức xúc ngày 1 lan mạnh khi đường dẫn tin này liên tục được chia sẻ trên các mạng xã hội. Thậm chí, nhiều hội, nhóm liên quan đến bảo vệ động vật đã phải lên tiếng yêu cầu cơ quan công an làm rõ việc ông Bê lấy sừng tê giác từ đâu và có mục đích gì...

Theo nguồn tin riêng của TT&VH, Tổ chức Wildlife Conservation Society đã có văn bản chính thức gửi tới công an Trà Cú, Trà Vinh để làm rõ vụ việc này. Theo đó, tổ chức này đã có điều tra riêng về nguồn gốc của chủ sở hữu sừng tê giác, ông Trầm Bê.

Cụ thể, WCS đã trao đổi với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) là nơi quản lý việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, cho thấy ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. Vì vậy WCS cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo đã nêu mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp.

Việc buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp bị nghiêm cấm theo công ước CITES, luật pháp Việt Nam. Đây là một chủ đề khiến Việt Nam gần đây bị quốc tế chỉ trích do bị coi là nước tiêu thụ và trung chuyển sừng tê giác khiến loài tê giác Java của chính Việt Nam bị tuyệt chủng và tê giác ở châu Phi bị giết hại. Việc làm rõ nguồn gốc và câu hỏi ông Trầm Bê có vi phạm pháp luật hay không là cần thiết.

Hiện phía WCS đang chờ trả lời từ phía cơ quan công an và sẽ có thông tin chính thức vào thời gian tới.

Nội dung thông tin trên báo Công an TP.HCM về vụ việc này:

Công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đang truy tìm kẻ trộm sừng tê giác tại khu đất gia đình của ông Trầm Bê (thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú).

Tối 27-9, người thân của ông Trầm Bê phát hiện sừng tê giác được cất giữ nơi thờ cúng gia tộc trọng lượng gần 4 kg (trị giá hơn 4 tỷ đồng) đã bị mất. Từ lâu, ông Trầm Bê xây dựng dinh thự rất bề thế tại xã Hàm Giang làm nơi chôn cất, thờ cúng tổ tiên. Ông thuê chín người bảo vệ và quét dọn khu trên.

Ông Trầm Bê nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam và hiện là Phó chủ tịch HĐQT Sacombank.

M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm