06/06/2013 08:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Có nên sửa đổi một số lời trong Quốc ca hay không, mà cụ thể là có nên sửa câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước? Vấn đề đang là thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều người.
1. Khoan nói đến chuyện phải hiểu câu hát trên trong bối cảnh của “Tiến quân ca”; cũng khoan nói đến bối cảnh lịch sử của những ngày cách mạng tháng Tám hào hùng. Hãy cứ tách riêng câu hát “Đường vinh quang xây xác quân thù” ra, để cùng mổ xẻ xem nó có phải là “không phù hợp” với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước?
Hãy nhìn vào dọc dài của lịch sử Việt Nam. Tổ quốc thân yêu của chúng ta nằm ở ngã ba Đông Dương, hướng ra Biển Đông, bạn hữu đến cũng nhiều, mà thù địch nhòm ngó cũng lắm, dường như lịch sử Việt Nam không thời kỳ nào là hết thù trong giặc ngoài.
Tác giả Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao
Có ai nói rằng lịch sử của Việt Nam là lịch sử của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là rất xác đáng. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc, của hàng trăm năm chống giặc phương Tây. Dân tộc trưởng thành trong các cuộc chống ngoại xâm. Hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa bao giờ có thể tách rời nhau, nói một cách dân dã thì người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử luôn phải “vững tay súng, chắc tay cày”, nói một cách văn hoa thì là “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”.
2. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà trong những bản “Tuyên ngôn độc lập” trong lịch sử - theo một cách nào đó, ta cũng có thể coi đó là những bản Quốc ca - luôn sang sảng tiếng hô Sát Thát, dù sâu xa bên trong là khát vọng hòa bình. Từ Nam Quốc sơn hà (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời), Hịch tướng sĩ ("Chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù"), đến Bình Ngô đại cáo: “Lạng Sơn, Lạng Giang thây chết đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước…”.
Khi dân tộc phải trưởng thành từ các cuộc chiến tranh vệ quốc, từ ngàn đời xưa cho đến ngày nay, thì hà cớ gì chúng ta lại phải băn khoăn e ngại với lời Quốc ca “Đường vinh quang xây xác quân thù”?
3. “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Đó là hình tượng nghệ thuật, nhưng cũng là sự thật lịch sử về các cuộc chống xâm lăng của đất nước. Chúng ta tự hào về con đường của lịch sử Việt Nam, gian khổ, khốc liệt nhưng đầy những chiến công hiển hách chống xâm lăng.
Ngày nay, thế giới bước vào giai đoạn hội nhập, nhưng thù trong giặc ngoài chưa bao giờ vắng bóng. Và vì thế, từ hào khí của Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại cáo… đến khúc Tiến quân ca vẫn nguyên tính thời sự, không bao giờ được mất cảnh giác.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất