Quy hoạch sông Hồng: Lo ảnh hưởng tưới tiêu của hàng chục triệu nông dân

17/12/2008 10:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Rất nhiều những lo ngại về thoát lũ, về an toàn đê điều, về việc di dời 17 vạn dân cùng hàng loạt các vấn đề đô thị khác… đã được nêu ra trong Hội thảo góp ý kiến cho Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức hôm qua (16/12). Đây là hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các nhà chuyên môn về dự án lớn này để gửi lên cơ quan chức năng.

Chỗ “nhạy cảm” - bãi giữa sông Hồng!

 Ông Nguyễn Ty Niên: Không nên xem bãi như “một vết sẹo làm xấu đi vẻ hùng vĩ của sông Hồng”.
Thật ra, nhiều vấn đề nêu trên cũng không hoàn toàn là mới lắm so với những phản biện đầu tiên được chính người trong cuộc (ông Phan Đình Đại) đưa ra trên TT&VH cách đây cả năm trời. Tới nay, chúng chỉ tiếp tục được bổ sung, phân tích để làm rõ lên thôi. Trong một “rừng” những ý kiến, đôi khi biến thành những tranh luận rất gay gắt, thì rất đáng chú ý là là một lưu ý nhỏ về sông Hồng, nhìn dưới góc độ thủy nông- thủy lợi.

Và lưu ý ấy khiến nhiều người phải giật mình. Đây đó, người ta vẫn coi sông Hồng là một dòng chảy hung dữ, là đối tượng cần phải chinh phục, chỉnh trị. Còn các bãi sông và nhất là dải dất rộng lớn hai bên bờ sông thì là đối tượng để khai thác, tận dụng làm công viên hay làm các khu đô thị mới. Nhưng từ hàng ngàn năm nay, sông Hồng đâu chỉ “hữu dụng” ở chỗ đó, nó còn còn là nguồn “dinh dưỡng” cho cả vùng đồng bằng, trong đó có Hà Nội.

Sông Hồng thực tế đang nguồn nước tưới trực tiếp của hàng chục triệu nông dân qua hệ thống các cống lấy nước. Tại hội thảo, ông Nguyên Ty Niên, Nguyên Cục trường Cục Đê điều – Phòng Chống lụt bão đã cảnh báo nguy cơ biến động về nguồn nước tưới này khi “can thiệp” vào sông Hồng.

Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội” do TP.Hà Nội phối hợp với TP. Seoul (Hàn Quốc) xây dựng từ tháng 7/2006, hiện đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại Cung Thể thao Quần Ngựa, Hà Nội. Với giải pháp “lăn đê” (xây đê mới kiên cố tiến ra phía lòng sông), dự án đã làm dư được gần 2500ha đất để phát triển đô thị; ngoài ra còn sử dụng 4200ha đất cho 12 khu công viên sinh thái. Tổng số dân phải di dời trên 17 vạn người. Dự kiến kinh phí trên 7 tỷ USD.

Chỉ với một ví dụ về sự tác động vào bãi giữa sông Hồng (bãi Trung Hà). Ông Niên cho rằng, bãi giữa vốn là một thực thể trường tồn vĩnh cửu của thiên nhiên, nhưng nay lại xem nó như “một vết sẹo làm xấu đi vẻ hùng vĩ của sông Hồng” và “người ta tưởng rằng có thể đẽo gọt nó theo ý muốn mà dự án sông Hồng xem đây là điểm nhấn”.

Theo phân tích của ông Niên, thiên nhiên đã hình thành bãi giữa sông Hồng như cái “nêm” để chỉnh trị, để điều tiết linh hoạt quy luật biến động của dòng chảy sông Hồng ở những điểm chốt quan trọng nhất này: Điều tiết sự phân lưu phù hợp vào sông Đuống, điều tiết hình thái dòng chảy, thế sông phía hạ du. Lũ lớn thì dòng chủ lưu tràn qua bãi giữa, tăng khả năng thoát lũ ở đoạn sông hẹp nhất này. Cùng với các kè chỉnh trị thế sông toàn tuyến đảm bảo cho dòng chảy mùa cạn áp sát vào cống Liên Mạc, cửa Đuống, cảng Hà Nội và cống Xuân Quan. (Chính vì thế, để đảm bảo cho luồng lạch vận tải và cảng Vĩnh Tuy, các chuyên gia đường sông cũng chỉ làm hệ thống kè mềm (cọc bê tông và phên nứa) ở đầu bãi tại Tứ Liên).

Sự thay đổi hình thái bãi giữa (nếu xảy ra) sẽ làm thay đổi thế cân bằng mềm dẻo của dòng sông nên có thể sẽ làm biến động toàn bộ các cửa lấy nước tưới quyết định sự sống còn của nền nông nghiệp đồng bằng sông Hồng và lan tỏa sang cả hệ thống sông Thái Bình bởi phân lưu sông Đuống. Liệu rồi các cửa lấy nước tại trạm bơm Đan Hoài (tưới cho 20 ngàn ha), ấp Bắc (tưới cho 15 ngàn ha), cửa Liên Mạc (sông Nhuệ) tưới cho 100 ngàn ha và cửa Xuân Quan (Bắc Hưng Hải) tưới cho 200 ngàn ha có bị biến động bởi các bãi bồi mới, đẩy lòng con (tức là khoảng lòng chảy giữa hai bờ sông, không tính bãi sông rộng lớn khi lũ lên) của sông Hồng ra xa và từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục triệu nông dân? Và khi đó Nhà nước phải chi một khoản ngân sách khổng lồ để duy trì hoạt động của các công trình này? Ông Niên đi đến kết luận: “Phải bảo tồn nguyên trạng bãi giữa sông Hồng”.
 
“Hệ lụy” từ kè bờ và nạo vét lòng sông

Vấn đề kè cứng hóa lòng con sông Hồng được xem như một giấc mơ mà Hà Nội đã thành lập Ban Quản lý kè sông Hồng. Nhưng sông Hồng có lượng phù sa lớn, hàng năm chuyển tải trên 100 triệu tấn (gấp 5 lần lượng phù sa của sông Mê Kông). Các hồ lớn ở bậc thang thủy điện sông Lô, sông Đà sẽ liên quan đến tình trạng xói bồi của toàn tuyến, và đang còn diễn biến phức tạp nên sự ổn định của một đoạn sông là rất khó. Nhiều kè sông sau khi hình thành thường tạo nên thế cân bằng mới của dòng sông, nhiều kè bị lấp kín bởi phù sa mà dấu tích còn đó như kè Chương Dương xây năm 1985 nay đã không còn nhận thấy nữa, nhưng rồi đến lúc nào đó sẽ xói trở lại.

Như vậy cần phải rất thận trọng khi kè lòng con của sông vì chi phí lớn mà hiệu quả lại chưa rõ.
 
 Ý tưởng quy hoạch xây dựng các khu ở mới bị đánh giá là “chưa thuyết phục về mặt kiến trúc quy hoạch cũng như tỉ lệ công trình minh họa”

Việc nạo vét lòng con sẽ đưa đến hệ lụy là hạ thấp đường mặt nước mùa kiệt, hoặc sẽ bồi lấp nhanh nên việc nạo vét chỉ nên đặt ra có tính chất cục bộ, phục vụ cho luồng lạch giao thông… (Trong khi Dự án này dự kiến sẽ nạo vét tới 21 triệu m3).

Từ góc độ thủy nông, ông Niên cho rằng vấn đề sống còn là ổn định lòng con, là ổn định dòng chảy cạn đi áp sát vào các điểm chốt lấy nước tưới như nêu trên, và do đó không nạo vét lòng con.

Rất nhiều những phân tích khác cho thấy rằng, sông Hồng có sức sống và hồn thiêng của nó – đấy hoàn toàn không phải là câu nói văn vẻ, tán vui của người đời – mà đó chính là sự đúc rút xương máu của những người làm thủy lợi, đê điều. Nói như thế không có nghĩa là không dám làm gì cả, mãi mãi để sông Hồng là cái “mặt sau” nhôm nhoam của Hà Nội. Mà trái lại, sự phân tích nói trên đã chỉ ra những chỗ trống mà Tổ Dự án Sông Hồng cần phải tiên liệu, có giải pháp khắc phục và hoàn thiên vào Dự án. Có như vậy Dự án mới thuyết phục được đông đảo giới chuyên môn về tính khả thi.
 
GS.TS.KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam):
 
“Các tiêu chí và nội dung mà các tác giả dự án đề xuất là đúng và có thể chấp nhận được. Đó là: Sông Hồng an toàn với lũ/ Sông Hồng – hơi thở của tự nhiên/ Sông Hồng với văn hóa lịch sử/ Hà Nội với sông Hồng có sức cạnh tranh quốc tế. Nhưng đây mới chỉ là mục tiêu, là các khẩu hiệu. Còn đối với một đồ án quy hoạch thì lại phải thể hiện nội dung trên cụ thể rõ ràng ở chỗ nào và tính đặc sắc đặc trưng cơ bản của nó là gì và tại sao lại ở đó? Nhiệm vụ phải thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu đó, bằng cơ chế chính sách, bằng giải pháp quy hoạch kiến trúc, kỹ thuật, bằng sự đồng tình của cộng đồng dân cư… Ví dụ ta phải chuyển 17 vạn dân đi nơi khác thì đổi lại cái gì ở đó với 4 mục tiêu trên cần có giải thích để thuyết phục”.
 
Nguyễn Mỹ (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm