25/05/2023 07:46 GMT+7 | Văn hoá
Nằm trong khuôn khổ của sự kiện Photo Hanoi'23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội, cuộc triển lãm của William E. Crawford nhận được sự chú ý ngay từ tên gọi: Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên).
William Crawford không thể có mặt tại triển lãm vì sức khỏe. Ông đã gửi gắm tất cả tinh thần của mình vào triển lãm bằng sự hiện diện của con trai, anh Crawford Junior - người đã đồng hành cùng ông từ khi còn rất trẻ, trong nhiều dự án tại Việt Nam. Tại triển lãm (diễn ra ở Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội từ 26/4- 20/5),18 bức ảnh đã được William Crawford lựa chọn tỉ mỉ từ cuốn sách cùng tên để trưng bày dưới sự trợ giúp của con trai Crawford Junior.
Với một người đã dành thời gian đến 30 năm trong sự nghiệp cầm máy của mình cho Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, sẽ không khó hiểu khi William E. Crawford mong muốn, với tên gọi này, công chúng đến triển lãm sẽ đến với một Hà Nội của những năm tháng khó khăn bởi đó cũng chính là giá trị của quá khứ để có được một Hà Nội hôm nay.
Trong sự tiếc nuối không thể qua Việt Nam vì căn bệnh Parkison, William Crawford vẫn rất hào hứng với cuộc phỏng vấn dành cho báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN.
Học được đủ thứ
* Điều gì đã đưa ông đến Việt Nam năm 1985, cũng như khiến ông gắn bó với mảnh đất hình này suốt 30 năm tiếp theo sau đó?
- Trong chuyến đi của đoàn ngoại giao không chính thức đầu tiên tới Việt Nam năm 1985, Tommy Vallely cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry đã mời tôi tham gia. Ở thời điểm đó, hầu hết những người Mỹ ở độ tuổi của tôi đều rất biết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Và mặc dù không tham gia vào cuộc chiến này thì tôi vẫn bị hấp dẫn bởi Việt Nam.
Từ những bức ảnh đầu tiên cho đến những lần trở lại Việt Nam sau này, tôi nhận ra mình đang thực hiện một dự án rất tiềm năng. Và nếu tôi theo đuổi trong nhiều năm, dự án sẽ rất hiệu quả và có giá trị.
* Lúc đó, Việt Nam trong mắt ông là gì ?
- Khi đó, Việt Nam đang trong bối cảnh khá khó khăn. Thực tế, ai cũng nhìn thấy hậu quả từ cuộc chiến tranh đã xảy ra trước đó. Nhưng mặt khác, tôi thấy người Việt Nam cũng đang làm việc rất chăm chỉ để xây dựng lại đất nước mình.
* Và ông thấy điều gì khiến Hà Nội thay đổi nhất trong 3 thập kỉ sau đó, khi ông thực hiện cuốn sách này?
- Chắc chắn là giao thông. Giao thông ở Hà Nội đã trở nên vô cùng ách tắc và hỗn loạn. Tôi cũng nhận thấy những tấm biển quảng cáo trên tường ngày càng xuất hiện nhiều hơn, điều này đã làm nên sự khác biệt của Hà Nội ngày nay. Bởi vào những năm 1980, các bảng hiệu được tái chế và vẽ bằng tay. Giờ đây thì nó là những biển quảng cáo được in ấn ở khắp nơi.
* Liệu có phải một Hà Nội giản dị mộc mạc khác với một nước Mỹ hiện đại đã thu hút ông ở thời điểm bấm máy?
- Không có một sự so sánh tương phản nào ở đây cả, vì tôi không chụp ảnh các sự kiện có tầm quan trọng quốc tế. Tôi chỉ có một mối quan tâm duy nhất là Hà Nội. Tôi quan tâm đến những gì đang diễn ra trong nội tại của thành phố này, cũng như những gì đang diễn ra trong chính ngôi nhà của mọi người và trên đường phố.
* Và cả cuộc sống của những người mà ông đã chụp, ông có tò mò về họ không?
- Rất nhiều. Và may mắn thay, những nhân vật của tôi đều là những người thích thú với việc được chụp ảnh (cười). Kết quả là tôi có thể học được đủ thứ về con người nơi đây - chẳng hạn như việc họ sống như thế nào - chỉ qua cách thấy họ đứng ở ngưỡng cửa ra vào nhà mình.
"Trong dự án này, bố tôi muốn những bức ảnh thể hiện Hà Nội một cách chính xác và đầy đủ nhất có thể, cũng là để thực sự thấy cách thành phố thích nghi với thế giới hiện đại như thế nào. Cuốn sách Hanoi Streets 1985 - 2015: In the Years of Forgetting đã có thể hoàn thành cách đây 15 năm và có lẽ còn tạo ra được cả sự thành công về mặt thương mại. Nhưng bố tôi lại không làm như vậy. Bố tôi là người rất kỹ lưỡng và toàn diện.
Ở triển lãm này, chúng tôi đã lấy các tập tin gốc của bố tôi và in lại với kích thước lớn. Tôi mang một bộ đến cho bố ở California để chúng tôi cùng xem lại màu sắc và đảm bảo rằng nó đúng như ý ông muốn. Sau đó, tôi quay trở lại Boston để thực hiện những bản in cuối cùng và gửi về Việt Nam.
Tất cả những hình ảnh này ban đầu được chụp trên phim. Bố tôi luôn rất chú trọng đến màu sắc và tạo ra những hình ảnh chính xác nhất có thể về diện mạo của thành phố. Điện thoại di động và máy ảnh hiện đại có xu hướng làm cho mọi thứ trông khác so với thực tế - màu sáng hơn, độ tương phản cao hơn. Vì vậy, ông đã dành hàng trăm giờ để nghiên cứu kỹ thuật để tạo ra màu sắc đúng với thực tế của Hà Nội lúc bấy giờ.
Nhờ bố, tôi cũng gắn bó với Việt Nam từ rất lâu. Chúng tôi đã nói về Việt Nam trong suốt thời gian tôi lớn lên, cho đến chuyến đi cùng nhau đến Việt Nam vào năm 1998. Tôi đã gặp rất nhiều sinh viên và nhà ngoại giao Việt Nam trong nhiều năm khi họ đến thăm Boston, và vì vậy tôi đã học được rất nhiều điều về Việt Nam hiện đại" - Crawford Junior - con trai của nhiếp ảnh gia William E.Crawford.
Hà Nội đã mất đi nhiều sự quyến rũ
* Ông thích một Hà Nội trong quá khứ hay một Hà Nội của hiện tại?
- Tôi thích cả một Hà Nội trong quá khứ lẫn hiện tại. Tôi cho rằng kiến trúc của Hà Nội đầu thế kỷ XX rất lôi cuốn và đáng được bảo tồn. Ngày nay thì cuộc sống của người dân đã được cải thiện tốt hơn trước đây nhưng mặt khác, Hà Nội cũng đã mất đi nhiều sự quyến rũ từng có.
* Vậy ông có cho rằng sự thay đổi của Hà Nội ngày nay sẽ khiến người ta dễ quên đi lịch sử không?
- Chắc chắn rồi. Những người trưởng thành hoặc những người lớn tuổi đã đi qua chiến tranh thường có xu hướng hoài niệm sâu sắc về quá khứ, trong khi những người trẻ thì không. Vì vậy, có một sự khác biệt lớn giữa những người già và người trẻ khi nghĩ về lịch sử.
Đó cũng là lý do cuộc triển lãm của tôi có tên là "Hà Nội - Những năm tháng bị lãng quên". Bạn biết không, khi tôi đưa ra câu hỏi: Làm thế nào đặt một cái tên cho triển lãm để mọi người sẽ chú ý đến, mọi người đã bảo tôi rằng "Chúng tôi không nghĩ về điều đó nữa" hay " Bọn trẻ không để ý đâu !?!
* Lần cuối ông sang Việt Nam là khi nào?
- Chuyến thăm cuối cùng của tôi là vào năm 2015. Tôi cảm thấy hơi buồn vì tôi biết đó có thể là chuyến đi cuối cùng của mình!
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện !
Vài nét về William E.Crawford
William E.Crawford sinh năm 1949. Ông lớn lên tại Chicago, tốt nghiệp đại học Yale. Năm 1985, ông là một trong những nhiếp ảnh gia phương Tây đầu tiên đến miền Bắc Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh. Sau đó, ông tiếp tục quay trở lại Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp của mình trong 30 năm.
Cuốn sách ảnh "Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting" đã có mặt trên toàn thế giới, được xuất bản tại Úc, Anh và Mỹ từ năm 2018. Các tác phẩm trong cuốn sách chưa được trưng bày nhiều ở Mỹ vì tác giả muốn đợi cho đến khi dự án hoàn thiện nhưng không may vì vướng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đã có rất nhiều bức ảnh trong cuốn sách này đã được trưng bày lần đầu tiên tại Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất