Nhiễm virus Zika tại Việt Nam: cần phòng bệnh và theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai

05/04/2016 10:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Ngày 5/4, tại cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đã ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tại tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu UBND tỉnh, thành phố công bố dịch theo quy mô xã, phường theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh.


Các thiết bị phục vụ công tác kiểm dịch được lắp đặt tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Bộ Y tế nhận định: Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika do hiện nay có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trong cả nước. Việt Nam cũng lưu hành muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng.

Do đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm vi rút Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika.

Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika, hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”.

Đến nay, đây vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika.

 Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika ở Khánh Hòa và TP.HCM

Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika ở Khánh Hòa và TP.HCM

Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại tỉnh Khánh Hoà và Thành phố Hồ Chí Minh.


Các địa phương tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch .../.

Thu Phương (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm