(TT&VH) - Hôm nay 19/5 là tròn nửa thế kỷ, đường Trường Sơn được chính thức khai mở. Trong mưa bom bão đạn của những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, Trường Sơn cũng in dấu chân của những nghệ sĩ cách mạng, trong đó có NSƯT Thanh Đính. Có thể nói ông là người lính du ca một thời trên đường Trường Sơn và trong những hoàn cảnh đặc biệt ông đã từng song ca với BS Đặng Thùy Trâm. Hiện nay ông là Trưởng đoàn Ca múa Cựu chiến binh TP.HCM. TT&VH đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Người lính du ca - gặp một người cũng hát
* Từ Hà Nội, ông đã chuẩn bị như thế nào để vào Trường Sơn?
- Sau khi tốt nghiệp đại học thanh nhạc khóa đầu tiên của Học Viện Âm nhạc Quốc gia vào năm 1965. Cuối năm 1966, lúc mà phong trào Tiếng hát át tiếng bom bắt đầu nở rộ cũng là lúc tôi nghĩ rằng phải đem tiếng hát của mình để hát ngoài mặt trận, hát trước họng súng kẻ thù, hát trong mưa bom, lửa đạn... như tinh thần của “tiếng hát át tiếng bom”. Tôi đã tình nguyện đi B dù lúc ấy con gái út của tôi mới chào đời. Để chuẩn bị cho chuyến đi này tôi cũng như các đồng đội phải qua lớp tập huấn 2 tuần lễ tại trường 105 thuộc tỉnh Hòa Bình, với mục đích là thực tập hành quân. Bởi ở đây có địa hình rừng núi, sông suối như ở Trường Sơn. Trong đoàn đi B đợt ấy có khoảng hơn 70 người gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, bên văn nghệ duy nhất chỉ có tôi là ca sĩ.
* Ông có thể nói những ngày đầu tiên “bước chân trên dải Trường Sơn”?
- Bước vào Trường Sơn thời ấy như ngày hội, trùng điệp những đoàn quân, nhưng cũng rất khốc liệt. Một mình với cây đàn guitar trên vai, tôi sẵn sàng phục vụ cho mọi người có mặt trên đường Trường Sơn. Từ các đơn vị bộ đội đang hành quân, những tốp thương binh được chuyển về miền Bắc để điều trị, các binh trạm, các bệnh xá, đến các bản làng dân tộc... Nói chung với “tiêu chí” là cho mọi người nghe tiếng hát của Thanh Đính, không bỏ sót một ai mỗi khi đã gặp mặt.
* Những tháng ngày rong ruổi trên đường Trường Sơn, ông nhớ nhất là buổi hát nào?
- Quá nhiều buổi đáng để nhớ, những lần bom B52 vừa cắt đợt, thanh niên xung phong ào ra để thông đường, bên những hố bom còn sặc mùi thuốc súng, họ san lấp hố bom, còn tôi thì hát, chúng tôi cùng “chiến đấu”. Cũng có lần hăng quá, dựa lưng vào vách núi hát liền một mạch gần 20 bài hát, giai điệu của các bài ca cách mạng vang lên hùng hồn, rầm rập như chính bước chân của đoàn quân phía bên kia suối đang trùng trùng hối hả vượt Trường Sơn vào mặt trận. Có ngày trên đường hành quân tôi phải dừng lại “phục vụ” hàng chục lần, gặp một đoàn quân cũng hát, một tổ, nhóm cũng hát và gặp một chiến sĩ giao liên hoặc một anh bộ đội cũng hát... Tôi muốn đem tiếng hát của đến với tất cả mọi người để tiếp thêm sức mạnh cho họ trong những cuộc chiến cam go mà họ phải đối mặt hàng ngày.
Cùng chị Trâm song ca
* Có người nói rằng, trong những ngày tháng đó, ông đã song ca với bác sĩ Đặng Thùy Trâm ông có thể nói thêm về điều này?
- Điều này cũng thật tế nhị, Đặng Thùy Trâm hiện nay là một nhân vật quá nổi tiếng, không khéo thì mọi người nói mình “ăn theo”, nhưng thực lòng mà nói, đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ca hát của tôi.
Tôi và bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng học một lượt ở trường 105 tại Hòa Bình để chuẩn bị vượt Trường Sơn. Như đã nói, khóa đó có một mình tôi là ca sĩ, BS Đặng Thùy Trâm chỉ là một giọng ca quần chúng, nhưng cô có giọng hát khá hay và rất truyền cảm, tạo được sức lôi cuốn. Trong buổi văn nghệ bế mạc lớp học nói trên, tôi và Đặng Thùy Trâm song ca bài Trước ngày hội bắn và được anh em nhiệt liệt hoan nghênh.
Cũng từ đó trong những buổi biểu diễn phục vụ “cây nhà lá vườn” trong thời gian vượt Trường Sơn, Đặng Thùy Trâm thường đóng góp vài bài đơn ca và cùng tôi song ca bài Trước ngày hội bắn. Đặc biệt đây cũng là tiết mục mà các chiến sĩ bộ đội rất yêu thích và mỗi lần Thùy Trâm trình diễn, anh em chiến sĩ, bộ đội luôn dành cho cô những tình cảm nồng nhiệt.
* Sau này, có dịp nào ông gặp lại người đã từng song ca với mình?
- Tháng 12/1966 chúng tôi cùng vượt Trường Sơn, đến khoảng tháng 3, tháng 4/1967 thì vào đến khu V, tôi được điều về Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đóng ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Gần đây tôi mới biết BS Đặng Thùy Trâm hồi đó về công tác tại một bệnh xá thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (cũng thuộc khu V). Năm 2005 có dịp ra Hà Nội, tôi có đến thăm bà cụ thân sinh Đặng Thùy Trâm và viếng mộ của cô để thắp một nén nhang cho người đồng đội, người em, và là “ca sĩ” đã từng song ca với mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại giờ đã thành ký ức...
Bình Minh (thực hiện)