Góc Anh Ngọc: Cho Brazil, một hành trình mới

07/06/2014 17:58 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn)- Một lần nữa tôi lại đi, 6 năm sau EURO 2008, 4 năm sau World Cup 2010 và 2 năm sau EURO 2012 và nhiều năm sau các giải đấu khác cấp khu vực.

Đất nước rộng lớn như một châu lục ấy là nơi tôi đã khao khát đến từ khi còn nhỏ, sau khi đọc xong cuốn "Hảo hán nơi trảng cát" của văn hào Jorge Amado để bắt đầu biết thế nào là một vùng đất xa lắc nửa vòng trái đất ấy, sau khi đã xem xong nhiều tập của bộ phim truyền hình nổi tiếng "Nô tì Isaura" và hiểu được về chế độ nô lệ, sau khi đã vẽ xong một tấm bản đồ thế giới bằng bút dạ, kết quả của nhiều ngày nằm dài trên đất nghiên cứu một tấm bản đồ hàng hải mà ông bác là sĩ quan Hải quân tặng thằng cháu ham đọc.

Bao nhiêu năm đã qua kể từ ngày ấy, khao khát mang tên Brazil ấy chưa bao giờ mất đi, mà càng mạnh mẽ hơn theo năm tháng, sau những chuyến đi khác, như là một trong biết bao địa điểm còn thiếu trong những hành trình đã thực hiện. Bóng đá và những chuyến công tác cho các mục đích khác đã đưa tôi đến Đông Nam Á, Trung Đông, miền Nam châu Phi, Đông, Tây và Nam Âu. Mỹ Latin, đặc biệt là một nơi như Brazil, là nơi tôi thèm khát đến, và năm tháng trôi qua khiến cho nỗi khát khao ấy trở thành một nỗi ám ảnh kinh khủng.


Bây giờ, khi viết những dòng này, chỗ ở tại Rio tôi đã đặt xong (ngay cạnh thánh địa Maracana!), vali đã sẵn sàng, máy móc đã chuẩn bị, những tư liệu phong phú và đa dạng về vùng đất tôi sẽ đặt chân đến đã được lưu sẵn trong máy tính và cái máu phiêu lưu cứ chạy rần rật trong mạch máu. Lần nào cũng thế, trước những chuyến đi, cảm giác háo hức luôn trỗi dậy như thế, như một đứa trẻ chuẩn bị được mẹ tặng một món đồ chơi mà nó biết là quý, nhưng thực ra không hiểu hình dạng của món quà như thế nào. Và những hình dung ban đầu của mỗi chuyến đi bao giờ cũng có những yếu tố như tiểu thuyết lãng mạn pha lẫn với trinh thám.

Lãng mạn, vì tôi sẽ bay nhảy trên những con đường xa xít tắp, tất cả đều là những cung đường tôi chưa đến bao giờ; còn có chất trinh thám, vì lúc nào cũng thường trực một sự cảnh giác và thận trọng vì những hiểm nguy luôn trực chờ phía trước. Nhưng những chuyến đi ấy, và cả những chuyến đi tiếp theo sau này nữa, cũng sẽ chỉ lấy bóng đá làm một cái cớ để đi. Trái bóng trở thành một phần nhỏ bé của thế giới quay quanh nó, với những con người, số phận, những góc tối mà ánh sáng của sân vận động không thể lan tới. Những trận đấu bóng đá có thể diễn ra hay không, World Cup hay EURO có hay hay dở, thì những số phận con người ấy có lẽ sẽ vẫn thế, không đổi. Và nếu không có những chuyến đi ấy, tôi sẽ không có dịp gặp họ, nhìn thấy họ, nói chuyện với họ và viết về họ.

6 năm trước, cho chuyến đi Thụy Sĩ và Áo vì EURO 2008, là một sự háo hức đặc biệt. Đấy là chuyến đi dài ngày đầu tiên của tôi, trải dài suốt một tháng, qua 7 nước và 10 nghìn cây số bằng ô tô, với gần như mỗi ngày là một địa điểm mới, cho những câu chuyện mới. Đấy không chỉ là một chuyến công tác đúng nghĩa, mà còn là một trải nghiệm tuyệt diệu trên bốn bánh xe, qua những vùng đất, đến với những con người trước đây ta chỉ gặp họ trên phim ảnh và tiểu thuyết. Nhưng thế giới ấy, dù có nhiều tâm sự, vẫn rất giàu có và xa lạ với những nơi khác tôi đã đặt chân đến cho những hành trình sau. Năm 2010, là một chuyến bay tít tắp đến tận cùng của Châu Phi, cho World Cup 2010, với những nhân vật và hình ảnh mà tôi đã gặp và thu vào ống kính: những đứa trẻ, những người phụ nữ, những người nghèo, những người bị gạt bên lề xã hội, những bệnh nhân HIV/AIDS.

Hai năm sau, EURO 2012 là một thế giới khác, chứa chan biết bao tâm sự và những trăn trở của một đất nước bị giằng xé giữa Đông và Tây (sự giằng xé ấy vẫn tiếp tục đến bây giờ, kể cả khi Kiev đã tuyên bố đứng hẳn về phía Tây và nội chiến đang diễn ra ở phía Đông). Ở những nơi ấy, tôi dành thời gian cho bóng đá trên sân ít hơn nhiều thời gian tôi sống bên họ và cố gắng nhìn sâu vào đời họ. Chuyến đi Brazil sắp tới sẽ ra sao, và điều gì chờ đợi tôi ở phía trước? Tôi sẽ lại đến với họ, bên họ và tìm hiểu về cuộc sống của họ trong guồng quay của trái bóng, trong nỗi đam mê bất tận với bóng đá mà họ coi như là một phần của cuộc đời mình. Điều gì đã xảy ra với những người yêu bóng đá đến thế, sẵn sàng sống chết vì nó, mà lại xuống đường biểu tình để chống lại việc tổ chức trên đất nước họ? Điều gì đã khiến những favela (các khu ổ chuột) trở thành một nơi chất chứa những căm phẫn đối với một xã hội mà hàng triệu người sống trong đó là một phận không thể tách rời của chính xã hội ấy? Điều gì đã khiến những cầu thủ như Socrates trở thành một biểu tượng trong lịch sử đất nước này khi ông cùng các đồng đội đứng lên đấu tranh đòi dân chủ trong những năm tháng của chế độ độc tài?


Bóng đá đã trở thành một tấm gương phản chiếu xã hội và bao tâm sự con người ở một đất nước lúc nào cũng nóng bỏng trong cuộc sống, trên sân bóng, trên những bãi biển, trong các lễ hội Carnival và cả trên đường đua Công thức 1 như thế. Chuyến đi mới của tôi sẽ trả lời. Nhưng vẫn còn biết bao câu hỏi khác cũng cần có lời đáp. Những nỗi đau đã phủ bóng đen lên tình yêu bóng đá của người Brazil. Từ "Maracanazo" (thua Uruguay ở chung kết World Cup năm 1950) cho đến cơn động kinh của Ronaldo vào đêm trước trận chung kết ở Paris tháng 7/1998 là một chuỗi dài những nỗi thất vọng của một quốc gia mà cuộc sống và cái chết gắn liền với trái bóng. Tại sao họ lại coi trận thua năm 1950 ấy là thảm kịch nặng nề nhất trong lịch sử quốc gia? Điều gì đã xảy ra với Ronaldo trước trận chung kết France 98? Khủng bố, đầu độc, âm mưu hay Al Qaeda? Ám ảnh mãi là những giọt nước mắt trên khuôn mặt của một cô gái đẹp khi bàn thắng thần tốc của Caniggia giết chết niềm hy vọng của một đội tuyển và cả một dân tộc ở Italia 90. Đấy là một trong những Selecao xấu xí nhất trong lịch sử. Nhưng những thắng lợi ở World Cup 94 và 2002 cũng chưa làm tất cả thỏa mãn, bởi người ta không còn thấy được những nét đẹp đẽ và mê đắm như hồi Zagalo và Pele đã đưa Brazil đến Cúp vàng năm 1970.

Đương nhiên, những rủi ro rình rập. Không thể không lưu tâm khi tin tức về tình hình an ninh ngày càng tệ hại trước thềm World Cup ở Brazil ngày ngày đập vào mắt. 4 năm trước, tôi đã bị nguy hiểm tính mạng trong chuyến đi đến một khu ổ chuột ở ngoại ô Cape Town, Nam Phi. Lần này, sự thận trọng và an toàn phải được đặt lên hàng đầu, nhưng không thể vì e sợ mà mình không đi, chỉ ngồi một chỗ. Ngồi một chỗ đồng nghĩa với việc bất lực, và chẳng khác như mình đã chết. Đối với một người ham đi, ham quan sát, ham đọc và ham gặp gỡ như tôi, ngồi một chỗ rủi ro còn cao hơn là đi đây đi đó. Hai tuần trước khi lên đường, tôi gặp một bà hầu gái người Brazil đang làm thuê ở Rome. Sau khi nói rất nhiều điều về an ninh ở Brazil để tôi lưu ý, bà bảo tốt nhất là tôi nên cầu Chúa. Tôi không theo đạo, nhưng cái lí của một người Brazil sùng đạo luôn nguyện cầu Đấng Tối cao chở che cho mình dù lúc ấy có trong nguy nan hay không có vẻ thuyết phục được tôi. Nhưng tôi và các đồng nghiệp sẽ đến Brazil với khát khao đi, khát khao sống, khát khao vượt lên tất cả để hàng ngày truyền tải các thông tin và hình ảnh từ World Cup về nhà.

Chúa ở đâu đó, trên cao, và rất xa chúng ta. Nhưng nếu Chúa biết được là tôi khát khao chuyến đi này thế nào, mong ngóng từng ngày được hít thở bầu không khí mặn mòi vị biển ở Rio de Janeiro, leo lên những favela nghèo khổ, gặp gỡ những đứa trẻ đang chơi bóng trên đường phố, trong những khu rách rưới, chui vào những quán bar để hòa cùng nhịp sống đêm của thành phố, lao đến những nơi khác của Brazil dù xa đến cả nghìn dặm như thế nào... chắc chắn Ngài sẽ phù hộ tôi.

Đi như là sống...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Rome)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm