Nhật kí hành trình: Khi EURO vắng cổ động viên xịn

24/06/2012 14:00 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Các đội tuyển đã bỏ rơi các cổ động viên của họ, hay điều ngược lại đang xảy ra? Khi tôi hỏi điều này với một tifoso hiếm hoi gặp được trên đường phố Kiev một ngày trước trận Anh-Ý ở tứ kết EURO 2012, Roberto, một juventino, nhún vai cười: "Tôi nghĩ là cả hai".

1. Anh chàng này là một trong số gần một ngàn cổ động viên Ý bay sang Kiev để cổ vũ cho đội Thiên thanh. Một nghìn tifosi là con số ít chưa từng thấy những người Ý đi theo đội tuyển thi đấu xa, chỉ bằng 1/10 số fan Anh sẽ đến sân Olimpiski cho trận đấu then chốt này.

Ngay cả khi đội Ý đến Nam Phi dự World Cup 2010, vẫn còn có đến 6 nghìn người Ý theo chân đội, mà đến Nam Phi còn xa hơn đến Ukraina nhiều. Tổng cộng mới chỉ 11 nghìn cổ động viên Ý-Anh trên khán đài, trong khi sức chứa của sân lên đến gần 70 nghìn. Lấy gì để lấp đầy sân, trong hoàn cảnh mà không ít người Ukraina tận dụng cơ hội này để vào sân và biến sân Olimpiski thành sân khấu để biểu thị lòng yêu nước cũng như tình yêu với đội tuyển của họ, thay vì các đội Ý và Anh? 



Những người được lợi nhất ở EURO này có lẽ là các cô gái trẻ: Họ muốn nhân cơ hội này để khoe sắc trước các ống kính!

Việc Anh và Italia đóng quân ở tận Ba Lan xa xôi là một vấn đề lớn đối với các cổ động viên của họ. Cổ động viên Anh đã tập trung ở Donetsk cho cả 3 trận đấu vòng bảng và giờ lũ lượt kéo lên Kiev, trên những con tàu tốc hành. Nhưng tifosi Ý, đã quá quen với những trận đấu của Italia ở Ba Lan, giờ bắt đầu bay sang Kiev. Nhưng tình yêu bóng đá và đội tuyển của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí quá cao cho một chuyến đi.

Một hãng lữ hành của Ba Lan là Jakala đã bị cổ động viên Ý chỉ trích nặng nề vì đưa ra giá 860 euro cho chuyến bay khứ hồi từ Ba Lan đến Kiev, để rồi rốt cục họ bị các tifosi tẩy chay, buộc phải hủy chuyến bay.

Roberto giải thích: "860 euro cho một chuyến đi đủ để chúng tôi trang trải các chi phí cho một tuần nghỉ mát ở quê nhà. Trong thời điểm khủng hoảng thế này, chi nhiều như thế là không hoàn toàn hợp lí". Có thể hiểu rằng, các cổ động viên không hề bỏ rơi đội tuyển, nhưng chi phí quá cao cho một chuyến đi, gồm tiền máy bay, tiền thuê khách sạn và các chi phí phát sinh khác đã ngăn cản họ biểu lộ tình yêu với đội Thiên thanh cho một trận đấu trong 90 phút.

Vậy đấy, tình yêu cũng có răng, và nó phải ăn...Đấy là lí do tại sao trận nào của Ý ở vòng bảng cũng còn thừa từ 1.500 đến 2 nghìn vé không bán được. Các cổ động viên Anh không để tình trạng đó xảy ra, nhưng ngay cả LĐBĐ Anh (FA) cũng phàn nàn là vé bán rất chậm.

2. Việc người hâm mộ đổ sang Ba Lan là vì họ theo chân đội tuyển của họ (13/16 đội), mà không sang Ukraina nhưng một phần không nhỏ chính là họ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thông. Anh, Ý và nhiều nước khác tẩy chay Ukraina vì các vấn đề chính trị.

Báo chí Ukraina đã làm tất cả những gì có thể để thay đổi tình hình và thực tế ở Ukraina cũng đã cho thấy, nước chủ nhà không xứng đáng bị đối xử bất công như thế, khi không hề có một sự cố nào xảy ra như báo chí Phương Tây đã viết. Chưa xảy ra một vụ phân biệt chủng tộc nào, những vụ đánh lộn cũng không có, người dân Ukraina đối xử hết sức thân thiện. Nhưng tất cả những điều ấy vẫn chưa đủ để tạo ra một bức tranh hợp lí hơn, xét trên khía cạnh chi phí cho tiền khách sạn ở Ukraina quá cao trong dịp này.

Xét cho cùng, ai được hưởng lợi và ai bị thiệt nặng nề trong đợt vật giá cắt cổ và người hâm mộ thì không dám đi theo đội tuyển này? Không ai cả. Ukraina có khả năng bị thiệt hại lớn do không thu hồi lại được số vốn đã chi cho EURO, nguy cơ dẫn đến một đợt lạm phát mới sau khi giải kết thúc. Người hâm mộ các nước không có cơ hội xem tận mắt đội tuyển mà họ yêu mến. Bọn phe vé thì chết mất ngáp. Còn UEFA? Họ cũng chẳng hơn gì. Dự kiến UEFA chỉ thu được 1,345 tỉ euro từ giải này, ít hơn mức thu 4 năm trước ở EURO Áo-Thụy Sĩ (1,351 tỉ euro).        

Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm