Nhật Bản: Động đất chưa yên, chính trường dậy sóng

16/04/2011 10:56 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lãnh đạo phe đối lập ở Nhật Bản vừa đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đầu tiên nhằm vào Thủ tướng Naoto Kan, qua đó chấm dứt cuộc “ngừng bắn chính trị” đã được các bên thực hiện kể từ sau khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3.

“Đã tới lúc Thủ tướng Naoto Kan cần quyết định ông đi hay ở” - Sadakazu Tanigaki, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập nói với các phóng viên hôm 14/4. Ông cũng chỉ trích ông Kan vì hoạt động xử lý khủng hoảng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi và nói rằng việc Kan tiếp tục nắm quyền là “rất đáng buồn” .

Chấm dứt thời kỳ “đình chiến”

Thủ tướng Naoto Kan

Tuyên bố của Tanigaki cho thấy một “hòa ước tạm thời” về mặt chính trị trong thời gian hậu khủng hoảng ở Nhật đã rạn nứt. Trước đó, ông Kan, với tỷ lệ ủng hộ chỉ 30%, đã đề nghị phe đối lập giúp đỡ đưa Nhật Bản phục hồi từ cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Đối diện với thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, đảng LDP và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, đã thể hiện một thái độ đoàn kết chính trị. Phe đối lập cố không chỉ trích Chính phủ trong các tuần sau thảm họa và ủng hộ kế hoạch lập một ngân sách khẩn cấp để giúp đỡ các nạn nhân. “Cử tri Nhật sẽ không bao giờ tha thứ cho các chính trị gia nếu họ đưa những xung đột chính trị vào trong hoạt động xử lý thảm họa” - giáo sư chính trị Etsushi Tanifuji ở Đại học Waseda giải thích về sự đoàn kết đặc biệt.

Tuy nhiên tuần trăng mật giữa đôi bên đã không diễn ra kéo dài. Để có được sự hợp tác của LDP, hồi giữa tháng 3, ông Kan đã đề nghị ông Tanigaki gia nhập nội các, cho thấy ý định hình thành một “đại liên minh” giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập chính. Tuy nhiên ông Tanigaki đã từ chối, nói rằng ngay cả trong thời khắc khủng hoảng, hai đảng vẫn phải tổ chức những buổi hội đàm về chính sách một cách thông suốt, trước khi đồng ý thông qua những thay đổi lớn lao như vậy.

Cuối tuần trước, DPJ đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương. Trong cuộc bầu cử này, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, một nhân vật độc lập nhưng được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ LDP, đã tái đắc cử lần thứ 4 liên tiếp. Bloomberg cho biết các ứng viên của LDP đối lập cũng đã đánh bại các ứng viên DPJ trong cuộc đua giành ghế tỉnh trưởng ở hai tỉnh Hokkaido và Mie. Trong cuộc đua giành ghế thị trưởng và tỉnh trưởng ở 12 tỉnh và thành phố còn lại của cuộc bầu cử lần này, có tới 9 tỉnh thành không thay đổi người lãnh đạo, 3 khu vực chưa công bố kết quả. Tại các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp địa phương, DPJ chỉ giành được 346 ghế, để mất 69 ghế so với trước khi bầu cử. Trong khi đó, với việc giành được 1.119 ghế, LDP đã trở thành đảng nắm giữ số ghế lớn nhất ở hội đồng địa phương 41 tỉnh của Nhật Bản.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức ở Nhật sau thảm họa động đất và sóng thần cách nay một tháng. Vì thế, có người ví cuộc bầu cử lần này là “phép thử” vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Naoto Kan.

Khó có khả năng bị buộc phải từ chức

Sau thất bại của DPJ, ông Tanigaki đã gọi kết quả là “một sự thể hiện sự mất tin tưởng của người dân vào khả năng xử lý thảm họa của Kan”.

Thực tế kết quả thăm dò dư luận do báo Yomiuri tiến hành và công bố trước cuộc bầu cử ngày 10/4 cho thấy hơn 60% số người được hỏi không hài lòng với cách ứng phó của Chính phủ Thủ tướng Kan trước sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Giới phân tích cho rằng với việc dư luận thất vọng với hoạt động xử lý khủng hoảng của ông Kan, nhiều nghị sĩ đối lập sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc chỉ trích ông. Ngoài ra, bằng việc công khai ném búa rìu vào Kan, họ hy vọng sẽ khuấy động làn sóng chống ông bên trong DPJ. Hiện phát ngôn viên Thượng viện Nhật, ông Takeo Nishioka, đã kêu gọi Thủ tướng từ chức vì xử lý tồi các thảm họa trong nước. Một đối thủ khác trong đảng DPJ đang nhắm tới chiếc ghế của Kan là Ichiro Ozawa cũng lên tiếng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của ông.

“Ông Kan nên từ chức. Điều đó sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người” - một nghị sĩ DPJ giấu tên nói. Nghị sĩ này đại diện cho khu vực bị động đất gây ảnh hưởng nặng nề nhất, nói rằng ông Kan đã không thể bao quát hết cuộc khủng hoảng và ông xử lý mọi việc chỉ dựa trên các cộng sự thân tín và các học giả. “Ông ấy chỉ đối thoại với người ông ấy quen. Ông đã không đưa vào cuộc những người giỏi nhất, sáng giá nhất” - nghị sĩ giấu tên nói với tờ Wall Street Journal.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Kan bị kêu gọi từ chức. Trước trận động đất, Kan đã hứng chịu những sức ép từ chức khi tổ chức gây quỹ của ông đã nhận một khoản tiền quyên góp trái luật từ một người nước ngoài. Ngoại trưởng của Kan đã từ chức vì chính lỗi này, song ông thì kiên quyết không từ chức. Lu Chao, một giáo sư về Nhật Bản tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh cho tờ Thời báo Hoàn Cầu biết rằng Kan sẽ khó có khả năng bị buộc phải từ chức trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực tái xây dựng đất nước. Tuy nhiên ông Lu nói rằng sự ra đi của Kan là có thể thấy trước, xét việc ông đã chịu sức ép từ quá lâu. Thời điểm Kan ra đi có thể là sau khi tình hình các thảm họa ở Nhật đã được xử lý tạm yên. Ông cũng cho rằng rất có thể với sự ra đi của ông Kan, Đảng Dân chủ sẽ có cơ may tốt hơn trong việc hình thành Chính phủ liên minh với LDP.

Tường Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm