Nhân Hội nghị Văn trẻ tại Đà Nẵng: Hoang dại sống dường như hạnh phúc

11/06/2022 06:50 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Sau một năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, từ ngày 18 - 19/6 tới đây, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động văn học trẻ trong 5 năm gần đây, là cuộc điểm danh lực lượng viết trẻ toàn quốc, trao đổi những vấn đề học thuật quan trọng và vạch ra phương hướng phát triển văn học trẻ trong vòng 5 năm tới. Chào đón sự kiện này, nhà thơ Thanh Thảo đã có bài viết dành riêng cho Thể thao và Văn hóa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Họp báo về “Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8”

Họp báo về “Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8”

Vào sáng ngày 30 tháng 8, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, HN, Hội nhà văn VN đã có buổi họp báo về Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8.

Tôi là người hiền lành, đi qua chiến tranh vẫn lành hiền như vậy. Nhưng tôi yêu tự do, và luôn muốn sống tự do. Điều đó có khiến tôi gặp trở ngại, nhưng tôi coi như vậy cũng là đương nhiên. Mình sống thế nào thì mình được thế ấy. Đó là mình được, chứ không phải mình trả giá.

Thời tôi còn đi học ở miền Bắc, thầy má tôi đã biết tôi sống tự do. Nhưng hình như ông bà cụ thân sinh tôi cho đó cũng không phải điều gì quá trở ngại. Thầy tôi từng ở tù Tây 10 năm, nên hơn ai hết, ông là người thấm thía giá trị của tự do. Ông không bao giờ la mắng hay khuyên nhủ tôi phải sống khác như tôi đang sống và sẽ sống. Bởi sống tự do không làm hại đến ai cả, không làm mất tự do của ai cả.

Bây giờ, khi đã về già, tôi mới nhận thấy cách sống ấy của mình khá hoang dại, nhưng bản tính tôi là như thế, không cần phải khác đi, dù khác đi sẽ được cái gì. Cách sống hoang dại ấy bắt đầu từ khi tôi học đại học đi sơ tán trên núi rừng Việt Bắc, và phát triển tới mức cao hơn khi tôi vào chiến trường Nam Bộ.

Môi trường chiến tranh ở dải đất phương Nam quả có khác với chiến tranh ở miền Trung quê tôi, dù độ tàn khốc thì như nhau. Người Nam Bộ yêu thích sống tự do, mà cái ấy thì quá hợp với tôi, ngay từ đầu tôi xung phong đi chiến trường Nam Bộ, hình như đã linh cảm là mình sẽ được sống đúng như bản chất mình mong muốn. Chiến tranh có thể bẻ gãy mọi thứ, nhưng người thích sống tự do thì chiến tranh cũng không bẻ gãy làm gì, vì anh chỉ là cá nhân đơn độc, anh lại không làm hại đến phe kháng chiến mà anh đang là thành viên.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Thanh Thảo (phải) cùng nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Tư liệu

Tôi làm việc hết mình ở chiến khu, rất chịu “ lao” khi xuống chiến trường, điều này trong lý lịch tôi được cấp trên “phê” rất rõ, nhưng cấp trên còn phê thêm: “tôi sống tự do”. Cái ấy hoàn toàn đúng, và tôi không những công nhận, mà còn tự hào về điều đó.

Tôi sống tự do trong tâm hồn, nhưng rất hòa đồng với đồng đội, với anh em cùng chiến tuyến với mình, cũng rất mủi lòng thương cảm khi tiếp xúc với những tù binh Sài Gòn bị ta bắt và đang ở các trại cải tạo. Tôi làm công tác binh vận, phải thường xuyên tiếp xúc với tù binh đối phương, nên tôi biết mình phải trò chuyện với họ thế nào để họ có thể kể những câu chuyện đời mình. Tôi đã viết những câu chuyện phần nhiều là buồn ấy của những người lính phía bên kia cho hai Đài phát thanh Giải phóng và Tiếng nói Việt Nam mà tôi đang công tác. Điều đó khiến cấp trên của tôi rất hài lòng khi xếp tôi chuyên viết những câu chuyện về hòa giải hòa hợp dân tộc. Và chính tôi cũng tìm thấy những khoảng rộng cho mình khi viết về đề tài này.

***

Nếu tôi cứ chỉ là nhà báo, thì dù tôi sống hơi tự do, cũng chẳng ai nói gì. Khổ nỗi, tôi xung phong đi chiến trường vì khát vọng muốn làm thơ về cuộc kháng chiến quá gian khổ và chết chóc. Tôi muốn nói lên tiếng nói trung thực nhất bằng thơ về cuộc chiến tranh này. Dù tôi chưa một lần nói với cơ quan binh vận là tôi có làm thơ, thơ ấy tôi viết trong sổ tay, chỉ mình tôi biết. Nhưng không ai khao khát làm thơ mà có thể giấu mãi được thơ mình. Tôi cũng vậy.

Gần cuối cuộc chiến tranh, tôi có lặng lẽ công bố thơ mình khi gửi tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ cho các anh bên Ban Văn nghệ R đọc, chỉ với mục đích nhờ góp ý hay chia sẻ. Vậy thôi. Dù suốt mấy năm chiến tranh, tôi vẫn khao khát sẽ có lúc thơ mình được đọc trên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong mục Tiếng Thơ, và thầy má vò võ ở Hà Nội chờ đợi mình sẽ nghe để vơi bớt nỗi thương nhớ con.

Ước mơ ấy, khi tôi thực hiện được, thì cũng là lúc mà một bài thơ trong tập bản thảo thơ Dấu chân qua trảng cỏ bị… đánh. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mình viết bằng cả trái tim một người yêu nước và tham gia kháng chiến, mà bị đánh. Các anh bên Ban Văn nghệ R trực tiếp biên tập và in bài thơ tôi trên tạp chí Văn nghệ giải phóng chắc cũng ngạc nhiên như vậy, vì chính họ đã rất vui khi chọn bài thơ ấy của một người làm thơ “hoàn toàn trẻ” như tôi. Nghĩa là họ tán thành bài thơ này, không chỉ vì thơ, mà còn vì cách thể hiện hiện thực chiến tranh trong thơ.

“Mình chỉ muốn sống hồn nhiên hoang dại, mình viết cũng hoang dại hồn nhiên, và mình đưa thơ mình tới người đọc cũng với tâm thế dại hoang hồn nhiên như thế” (Nhà thơ Thanh Thảo).

Khi tôi chịu mang tiếng, chịu một chút khổ sở về tinh thần, thì các anh làm tạp chí Văn nghệ giải phóng bên Văn nghệ R cũng chịu giải trình và kiểm điểm. So với hồi đang chiến tranh, thì “tai nạn thơ” ấy không nhỏ, nhưng rồi may quá, không chỉ tôi mà các anh chịu liên lụy với tôi cũng vượt qua, khi tình hình chiến sự đã nghiêng thuận lợi về phía ta. Người ta quên nhanh vụ thơ hoang thơ dại này, và tôi như thoát nạn.

Nhưng đó chính là thời gian thử thách xem tôi có tiếp tục sống tự do nữa hay không. May quá, tôi vẫn tiếp tục như thế, nhưng tôi làm việc còn hăng hái hơn thế, và được đánh giá là làm báo nói có hiệu quả. Cơ quan tôi lại là cơ quan Binh vận, không phải cơ quan thơ phú văn vẻ gì, nên mọi người không hề thấy chuyện đó là lớn. Nếu tôi ở bên Ban Văn nghệ khi làm bài thơ ấy, tôi chắc phải chịu nhiều rắc rối hơn. Người lãnh đạo cao nhất ở Ban binh vận lúc ấy là ông Bảy Dự - một ông “trùm tình báo” - dù có mời tôi lên nhà ông giữa rừng để đọc và trao đổi thơ tôi theo hướng phê phán, nhưng ông Bảy lại là người âm thầm bảo vệ tôi, vì ông thấy, chuyện này chẳng có gì mà người ta muốn làm lớn, trong khi tôi đang công tác rất tốt ở Tiểu ban tuyên truyền Binh vận.

Tạm coi như tôi làm thơ và làm báo cùng lúc với nhau, kể cả khi “thơ báo nhiều khi cũng tháo bơ”, thì tôi vẫn thấy ổn khi mình sống hơi hoang dại và làm thơ hay làm báo bằng cả trái tim mình.

***

Người ta nói, với người làm thơ, thì thơ có thể là số phận mình. Và “Với nhà thơ chúng ta, phần thưởng/ Chính là số phận mình”. Một nhà thơ Nga - Xô viết đã viết như vậy.

Tôi nghĩ cũng đúng. Mình làm thơ trước hết là cho mình hạnh phúc. Còn khi thơ ấy có người đọc, họ sẽ cảm nhận cùng với mình về những gì mình không nghĩ ra khi làm thơ.

Bây giờ, thơ ít người đọc. Nhưng theo tôi, chẳng có gì phải lo lắng. Ngay lúc thơ được nhiều người đọc nhất, thì người làm thơ cũng vẫn sáng tác từ trái tim, từ linh cảm và xúc cảm của mình, chứ không sáng tác từ xúc cảm của người đọc. Trong câu chuyện này, thì tự do của nhà thơ phải là tuyệt đối. Chẳng ai bắt anh làm thơ cả. Đó là anh tự chọn. Vậy thì có gì phải lo buồn hay sốt ruột vì thơ mình ít người đọc. Còn nổi tiếng ư? Cái ấy không thuộc về anh muốn, nếu nó đến, nó sẽ đến ngoài anh, và anh được (hay bị) nổi tiếng cũng không do anh muốn.

Cứ hoang dại sống, tự do làm thơ, và cái gì đến nó đến. Mình chỉ muốn sống hồn nhiên hoang dại, mình viết cũng hoang dại hồn nhiên, và mình đưa thơ mình tới người đọc cũng với tâm thế dại hoang hồn nhiên như thế.

Tôi cũng đã từng là một người làm thơ trẻ, và tôi hiểu điều này.

Vài nét về nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo, tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946. Quê quán xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.

Nhà thơ Thanh Thảo tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó ông vào công tác ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ông từng đoạt các giải thưởng:Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979 (tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ); Giải thưởng của Ban văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam cho tập trường ca Những ngọn sóng mặt trời (1995); Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học & Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Âm nhạc Việt Nam cho tập Trường ca chân đất (2012); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

(Theo Bảo tàng Văn học)

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm