Nhận định chứng khoán tuần từ 18 - 22/4: Thị trường sẽ hồi phục trở lại

16/04/2022 15:20 GMT+7 | Bạn cần biết


(Thethaovanhoa.vn) - Dù vẫn còn những thận trọng khi nhận định về diễn biến thị trường tuần giao dịch tới (từ 18-22/4), nhưng hầu hết các công ty chứng khoán vẫn cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại khi lùi về gần các vùng hỗ trợ.

Thị trường chứng khoán tuần từ 7-11/3 có thể sẽ tiếp tục giằng co

Thị trường chứng khoán tuần từ 7-11/3 có thể sẽ tiếp tục giằng co

Hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng, với bối cảnh các thông tin vĩ mô hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục diễn diễn "lình xình", nhưng nhà đầu tư ngắn và dài hạn vẫn có thể tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư.

Chờ lực cầu bắt đáy

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường hồi phục bất thành và tiếp tục theo chiều hướng thận trọng. Tuy nhiên, dòng tiền có động thái gia tăng "bắt" giá thấp vào cuối phiên giao dịch, thể hiện qua thanh khoản tăng so với phiên trước và có thanh khoản khá lớn khi gần kết thúc phiên.

Dù thị trường kết phiên gần mức giá thấp nhất trong phiên, nhưng cũng đã lùi trở lại gần vùng hỗ trợ, vùng 1.450 điểm đối với VN-Index và vùng 1.480 điểm đối với VN30-Index.

Dự kiến dòng tiền sẽ tiếp tục động thái "bắt" giá thấp trong phiên giao dịch tiếp theo và giúp hỗ trợ cho thị trường. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ và hồi phục nhưng cần theo dõi sát diễn biến thị trường.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do thị trường vẫn đang tiềm ẩn những biến động bất thường, ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao, VDSC khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), chỉ số VN- Index tiếp tục mất 0,92% điểm số trong phiên giao dịch cuối tuần, cùng đó khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn 28% cho thấy áp lực bán đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index hiện đang nằm khá gần hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm và vùng hỗ trợ mạnh 1.435 - 1.425 điểm. Do đó, chỉ số nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại khi lùi về gần các vùng hỗ trợ nói trên.

Dưới góc nhìn từ Công ty cổ phần Chứng khoán Gòn - Hà Nội (SHS), tuần giao dịch khá buồn qua đi với nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index giảm tuần thứ hai liên tiếp. Dù chỉ giao dịch 4 phiên nhưng nếu tính trung bình từng phiên và thanh khoản khớp lệnh cũng đi xuống, thể hiện việc dòng tiền vẫn đang do dự ở thời điểm hiện tại.

Với diễn biến hiện tại thì khá khó để trong tuần giao dịch tiếp theo 18 - 22/4, thị trường có thể nhanh chóng bứt phá để hướng đến các vùng giá cao hơn mà có thể sẽ cần lùi về các vùng giá thấp để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nếu cầu bắt đáy là đủ tốt thể hiện qua việc thanh khoản được cải thiện thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index có thể hồi phục trở lại.

Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trong phiên 13/4 khi thị trường kiểm tra hỗ trợ 1.425-1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng nếu một lần nữa VN-Index kiểm tra lại vùng này, SHS khuyến nghị.

Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 11-15/4), VN-Index giảm 23,44 điểm xuống 1.458,56 điểm, HNX-Index giảm 15,31 điểm xuống 416,71 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 35,4% so với tuần trước đó với 83.503 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 36,3% xuống 2.538 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 41% so với tuần trước đó với 9.173 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch 314 triệu cổ phiếu.

SHS cho biết, khối lượng giao dịch toàn thị trường trong 12 tuần gần đây đều nằm dưới mức trung bình 20 tuần gần nhất.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 3,8% giá trị vốn hóa, đây là mức giảm mạnh nhất trên thị trường. Các mã có mức điều chỉnh mạnh gồm: SHB giảm 2,7%, CTG giảm 3,3%, VCB giảm 3,4%, MBB giảm 5,4%, BID giảm 6,2%, TCB giảm 6,7%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có xu hướng giảm mạnh với mức giảm 3,5% với các cổ phiếu tiêu biểu như: PVS giảm 8,1%, PLX và PVD đều giảm 2,7%, BSR giảm 2,3%, PVB giảm 1,4%...

Nhóm cổ phiếu tài chính giảm 2,9% giá trị vốn hóa; trong đó, đáng chú ý là các mã bất động sản như: VHM giảm 5,3%, NVL giảm 1,5%..., hay các mã ngành chứng khoán gồm: SHS giảm 3,4%, VND giảm 4%, SSI giảm 7%, VCI giảm 10,7%, HCM giảm 11,6%...
Các nhóm ngành khác cũng chung xu hướng giảm là công nghiệp giảm 2,2%, dược phẩm và y tế giảm 1,9%.

Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin tăng tới 5% giá trị vốn hóa nhờ lực kéo từ cổ phiếu trụ cột là FPT tăng 6%, CMG tăng 8,2%...

Nhóm dịch vụ tiêu dùng cũng tăng khá tích cực với 2,1% giá trị vốn hóa. Cụ thể, FRT tăng 11,4%, MWG tăng 6,8%, DGW tăng 5,7%, PNJ tăng 2,3%...

Cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng 1,6% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ GAS tăng mạnh 4,4%. Nhóm hàng tiêu dùng với mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa. Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng nhẹ 0,5% giá trị vốn hóa.

Khối ngoại có động thái tích cực khi mua ròng khoảng 1.150 tỷ đồng trên hai sàn. Xét về khối lượng, MWG là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 9,4 triệu cổ phiếu, tiếp theo là GEX với 4,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 10,5 triệu cổ phiếu.

Tâm lý phòng tránh rủi ro

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng giảm sâu.

Chứng khoán Mỹ đã khép lại tuần bị rút ngắn do nghỉ lễ với mức giảm được ghi nhận ở cả ba chỉ số chính. Khép lại tuần này, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 2,6%, cả hai đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8%, đánh dấu tuần thứ ba giảm liên tiếp. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 15/4.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại sàn giao dịch thị trường chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong hai phiên liên tiếp đầu tuần này, khi các nhà đầu tư bước vào tuần mới với tâm lý phòng tránh rủi ro, do lợi suất trái phiếu tăng gây sức ép lên các cổ phiếu có mức tăng trưởng dẫn đầu thị trường, và một báo cáo mới cho thấy lạm phát Mỹ vẫn đang tăng khá "nóng".

Báo cáo mới nhất cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.

Theo cơ sở so sánh từng tháng, Chỉ số giá tiêu dùng của nước này cũng tăng 1,2% so với mức của tháng Hai. Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy đầy đủ cú sốc do cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vốn đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng đột biến trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Phố Wall đã có một phiên giao dịch sôi động ngày 13/4, khi các thị trường chào đón dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang đạt đến mức đỉnh điểm, dù cho điều này làm tăng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hành động tích cực hơn để kiềm chế giá cả.

Nhưng ngay phiên sau đó, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều nối lại đà giảm điểm, khi các cổ phiếu công nghệ sụt giảm trước những lo ngại về triển vọng lãi suất gia tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nối lại đà tăng lên trên mức 2,8% sau khi giảm trong phiên trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ được xem là một chỉ báo cho lãi suất.

Tuy nhiên, dù Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất nhanh hơn để giảm bớt áp lực lạm phát, chính sách đó sẽ không có tác động ngay lập tức. Nhà kinh tế Joel Naroff dự đoán lạm phát có thể ở mức vừa phải trong giai đoạn tới, chủ yếu vì đã không còn một số yếu tố thúc đẩy mức tăng lớn nhất.

Chuyên gia Naroff nhấn mạnh lại rằng vì chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, thị trường không nên mong đợi những cải thiện lớn trong vấn đề lạm phát ngay cả khi Fed "mạnh tay" nâng lãi suất.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 15/4 do các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo lắng về lạm phát gia tăng.

Chốt phiên 15/4, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,3% xuống 27.093,19 điểm, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.211,24 điểm, thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ. Một số thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đóng cửa nghỉ lễ.

Văn Giáp/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm