Vụ mất tích máy bay AirAsia: Dòng máy bay A320 bị 'săm soi'

30/12/2014 06:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây gần 6 năm, dòng máy bay A320 của tập đoàn Airbus, giống chiếc máy bay thuộc sở hữu của hãng AirAsia vừa bị mất tích, đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, vì lý do không mấy tự hào: mất an toàn hàng không.

Trong ngày 15/1/2009 đó, một chiếc Airbus A320 của hãng hàng không U.S. Airways cất cánh từ Sân bay quốc tế La Guardia ở New York đã đột ngột mất lực đẩy ở cả 2 động cơ, sau khi đâm phải một đàn ngỗng Canada.

Dòng máy bay với tên tuổi lẫy lừng

May mắn thay, phi công Chesley "Sully" Sullenberger dày dạn kinh nghiệm đã hạ cánh chiếc máy bay thành công trên sông Hudson. Tất cả các hành khách trên máy bay được phen hú vía. Họ sống sót trong sự kiện được báo chí tung hô là “phép lạ trên sông Hudson”.

Airbus hiển nhiên không vui vì sự cố ấy, bởi nó đe dọa làm hỏng hình ảnh một mặt hàng chủ lực của hãng. Với Airbus, sự thành công của loạt máy bay A320 đã đưa hãng từ một kẻ dưới cơ thành đối thủ trực diện với “gã khổng lồ” Boeing từng thống trị thị trường máy bay dân dụng.

Mẫu A320 đầu tiên với 2 động cơ đã đi vào hoạt động trong năm 1988, khoảng 2 thập kỷ sau mẫu 737 danh tiếng của Boeing. Tới nay có tổng cộng 11.163 đơn đặt hàng mua các máy bay thuộc dòng A320, với 6.331 chiếc được bàn giao cho khách hàng và hơn 300 hãng hàng không đang sử dụng loại máy bay này.

Gia đình A320 có nhiều biến thể, từ loại A318 có cỡ nhỏ với 107 ghế cho tới loại A321 được nâng cấp, với sức chở từ 185 tới 220 hành khách tùy loại. Tầm hoạt động trung bình của mẫu máy bay này là khoảng 6.100km. Nó có sải cánh 35,8 mét (tính hết cả phần cánh cong của mẫu Sharklet), tải trọng tối đa 16,6 tấn. A320 hiện được xem là loại máy bay với tầm bay từ thấp tới trung phổ biến nhất thế giới hiện nay.

Trên thế giới, AirAsia là hãng hàng không sử dụng nhiều máy bay thuộc dòng A320 nhất. Hãng đã đặt mua 184 chiếc máy bay loại này và nhận bàn giao 157 chiếc. AirAsia còn đặt mua 291 chiếc A320 thế hệ mới là loại A320neo (new engine option - lựa chọn động cơ mới). Mẫu A320neo sử dụng các động cơ Pratt & Whitney đã bay thử lần đầu vào tháng 9 năm nay và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2015.

Chiếc máy bay có liên quan tới vụ mất tích đang gây chú ý của hãng AirAsia là mẫu A320-200. Một thông báo từ Airbus đưa ra cho biết chiếc máy bay sử dung các động cơ CFM 56-5B và đã có 23.000 giờ bay sau khoảng 13.600 chuyến bay. Một chiếc A320-200 có thể chứa tới 180 hành khách đồng hạng. Chiếc máy bay bị mất tích của AirAsia chở theo 162 hành khách, gồm 7 thành viên phi hành đoàn.


Chiếc máy bay bị mất tích mang số hiệu QZ8501 của AirAsia là loại A320-200

Vẫn ở lại cuộc chơi trong cả thập kỷ tới

Giới quan sát nói rằng A320 là dòng máy bay có tỷ lệ tai nạn thuộc hàng thấp nhất. Theo trang web AirSafe.com, tỷ lệ tai nạn của A320 chỉ là 0,08 vụ/1 triệu chuyến bay. Còn theo thông tin tai nạn từ Mạng an toàn hàng không, đã có 54 vụ tai nạn liên quan tới máy bay A320.

Vụ tồi tệ nhất, gây chết nhiều người nhất xảy ra hồi năm 2007, khi chiếc máy bay của hãng TAM Airlines (Brazil) đã không thể dừng lại khi hạ cánh trên đường băng ướt nước mưa ở Sao Paulo. Chiếc máy bay đã chạy khỏi đường băng, chạy qua một đường phố lớn, đâm vào nhà kho và nổ tung làm 187 hành khách trên máy bay thiệt mạng, bên cạnh 12 người dưới mặt đất.

Vụ tai nạn gây chết người gần đây nhất của A320 xảy ra vào năm 2008, khi chiếc máy bay mà hãng XL Airways (Đức) thuê lại từ hãng Air New Zealand đâm thẳng xuống Địa Trung Hải trong ngày 27/11. Toàn bộ 7 người có mặt trên chiếc máy bay để thực hiện hành trình bay thử nhằm đánh giá công tác bảo trì máy bay đều đã thiệt mạng. Cơ quan điều tra Pháp sau này nói rằng có nhiều yếu tố đã dẫn tới vụ tai nạn, gồm một số cảm biến bị đóng băng và tổ lái đã có quyết định sai lầm.

Tỷ lệ tai nạn thấp và hiệu năng cao của họ A320 đã giúp Airbus vươn lên mạnh mẽ, mở rộng quy mô sản xuất ra toàn cầu. Airbus hiện có các nhà máy lắp ráp máy bay ở Hamburg (Đức), Toulouse (Pháp) và Thiên Tân (Trung Quốc), cho ra lò 42 chiếc máy bay mỗi tháng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của thị trường, Airbus đã có kế hoạch thành lập dây chuyền sản xuất A320 cuối cùng ở Alabama (Mỹ) nhằm tăng tốc độ sản xuất lên 46 chiếc máy bay mỗi tháng vào năm 2016. Năm tới, phiên bản nâng cấp A320neo sẽ đi vào hoạt động. Như thế, dây chuyền sản xuất A320 sẽ tiếp tục hoạt động thêm 15 năm nữa, trước khi Airbus chế ra một mẫu máy bay hoàn toàn mới để thay thế cho loại máy bay rất thành công này.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm