Hội Nhà văn Việt Nam trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng.

Sáng tác văn học - gieo hạt giống nhân ái và cái đẹp vào tâm hồn trẻ

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và có bài phát biểu chỉ đạo.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

"Thưa các nhà văn, thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Văn học có mặt trong muôn màu của đời sống xã hội, là lãnh địa mà hầu như ai cũng có thể đặt chân vào, có thể tham gia và tự do sáng tác, bất kể tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp. Nhưng để có được những tác phẩm văn học có giá trị 'để đời', có sức lan tỏa và trường tồn với thời gian thì không phải ai cũng có thể làm được. Văn học đích thực là nguồn suối trong lành tưới mát tâm hồn, rũ bỏ bụi bẩn và sự mệt nhọc của cuộc sống. Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi lại càng hiếm hoi hơn, rất cần được khuyến khích và lan tỏa mạnh mẽ. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Vì lẽ đó, tôi rất vui mừng dự lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội nhà văn Việt Nam. Tôi đánh giá cao Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa này. Như chúng ta đều biết sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi là một chủ đề khó nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa, con người cần được gieo những hạt giống tâm hồn, không ngừng ước mơ, nuôi dưỡng những khát khao, tôi rèn ý chí và hoài bão lớn ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng. Những gì chứa đựng trong tâm hồn của trẻ em Việt Nam hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai.

Tôi cảm ơn và đánh giá cao sự có mặt của đông đảo các nhà văn, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ xem mình như là người bạn của văn nghệ. Trong bài thơ Khai Quyển mở đầu cuốn Nhật ký trong tù, Bác tự bạch: “Ngâm thơ ta vốn không ham”. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ dành hết cho sự nghiệp cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân mà còn dành sự quan tâm và tình yêu thương vô hạn với các cháu thiếu niên nhi đồng, không chỉ qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, thăm hỏi mà những tâm tư, tình cảm, mong mỏi của Bác còn thể hiện qua những bài thơ Bác sáng tác dành tặng cho các cháu.

Bác mong các cháu “cho ngoan”
Mai sau gìn giữ giang san Lạc-Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam

Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã lớn lên trong những dòng thơ của Bác, được trưởng thành hơn, sống có nhân cách, hoài bão và lý tưởng, vun đắp và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, sự phát triển của đất nước ta.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các tác giả trẻ lần thứ nhất. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Thưa các nhà văn, quý vị đại biểu!

Văn học làm cho con người xích lại gần nhau, biết san sẻ, yêu thương nhau. Hình ảnh đó được thể hiện đậm nét qua cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Mỗi một tác phẩm văn học như là một chiếc thẻ nhớ lưu giữ những suy nghĩ, tư tưởng, xúc cảm hoặc những hình ảnh, ký ức đẹp về một thời đoạn lịch sử. Văn học đích thực làm cho con người sống có nhân cách, có ước mơ, hoài bão lớn, khẳng định giá trị bản thân, không ngừng hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, theo đuổi tri thức, làm giàu cho bản thân, quê hương và góp phần làm cho dân cường, nước thịnh.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua: "Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn". Tuy nhiên, để dân tộc ta có thể trường tồn trong một thế giới đa dạng và hội nhập sâu sắc như ngày nay đòi hỏi văn hóa phải phát triển mạnh mẽ hơn trên cái hồn cốt của dân tộc đó. Văn học phản ánh những giá trị văn hóa, những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc. Vì lẽ đó, văn học phải đi trước một bước, biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.

Gần đây chúng ta nghe đến người ta sử dụng Trí tuệ nhân tạo để sáng tác văn học hay làm thơ, có thể tạo ra hàng loạt những tác phẩm sau một nút bấm. Tuy nhiên, nó không có trái tim để rung động và có xúc cảm như con người, khó có thể tạo ra những bài thơ hay hoặc có sức sống. Song, chúng ta không xem nhẹ vai trò của tiến bộ công nghệ đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà, bởi đó không đơn thuần là công cụ sáng tác mà còn có thể chi phối nhận thức, suy nghĩ của chúng ta, năng lực sáng tạo văn học của chúng ta.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các tác giả trẻ lần thứ nhất. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Thưa các nhà văn và quý vị đại biểu,

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã nêu: nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng. Văn hoá có sứ mệnh lớn lao và quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và tạo dựng tư cách của dân tộc. Nhân loại luôn luôn phải đương đầu, luôn luôn phải đấu tranh với cái Ác. Để chống lại cái Ác, để chiến thắng cái Ác thì thành trì bền vững nhất và có sức mạnh nhất chính là lương tri, là phẩm giá của con người. Nếu chúng ta không gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay thì trong tương lai chúng ta khó mà có được những mùa người nhân ái. Và các nhà văn là những người bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác đi gieo những hạt giống nhân văn ấy trên cánh đồng nhân cách của đời sống hàng ngày.

Thưa các nhà văn, thưa quý vị đại biểu, khách quý!

Trong lịch sử phát triển loài người, những tác phẩm văn học đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng làm nên những vẻ đẹp văn hóa, mở ra những giấc mơ tươi đẹp của con người và dẫn con người đi trên con đường của tinh thần Chân -Thiện- Mỹ. Có biết bao con người khi mở trang sách ra đã tìm thấy ánh sáng của tình yêu thương, niềm hy vọng và khát vọng sống. Các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như Thạch Lam, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ (từng là Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam), Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, ….điều đáng tiếc thương là trong các nhà thơ, nhà văn kể trên chỉ có Nguyễn Nhật Ánh và Trần Đăng Khoa là vẫn đang sáng tác, những người khác đều đã qua đời và các cây bút viết cho thiếu nhi ở các thế hệ tiếp theo sẽ kiến tạo nên một kho tàng văn học thiếu nhi đặc sắc. Họ tạo ra một thế giới trong sáng, nhân ái và tràn ngập giấc mơ tươi đẹp, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ. Và biết bao con người có lương tri, hoài bão, khát vọng đã lớn lên được là nhờ một phần từ những trang sách ấy.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 600 triệu đồng ủng hộ cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là: Một đứa trẻ lớn lên sẽ thành một con người như thế nào nếu trong tâm hồn chúng không tràn ngập những vẻ đẹp văn hóa dân tộc, tràn ngập tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và những giấc mơ trong trẻo. Những thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang làm cho thế giới văn minh hơn, giúp con người sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn và mang lại cho con người nhiều tiện ích hơn trong cuộc sống. Nhưng chính những tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú. Vì lẽ đó, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm tạo ra những tác phẩm văn chương xuất sắc cho trẻ em cũng như mang những tác phẩm văn chương ấy đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Đồng thời tôi tha thiết kêu gọi các nhà văn Việt Nam, kêu gọi toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc mình mà dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. “Trẻ em như búp trên cành”, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho những cái búp ấy lớn lên một cách khoẻ mạnh cả về hình hài lẫn tâm trí. Các nhà văn có một phần trách nhiệm trong đó. Hãy làm cho trẻ yêu quê hương đất nước, xóm làng, đồng bào của mình từ những trang viết quý giá ấy.

Hãy để cho những đứa trẻ nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói từ trái tim, từ tâm hồn mình, thốt lên một cách tự nhiên như nhà thơ Léc môn tốp đã từng thốt lên rằng:

Tôi yêu Tổ quốc tôi bằng tình yêu kỳ lạ!
Lý trí tôi không cưỡng lại được tình tôi
Dẫu vinh quang được mua bằng máu thắm
Dẫu bình an đầy kiêu hãnh lòng tin.

Hoặc:

“Ơi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
(Lê Anh Xuân)

Thưa các nhà văn, thưa các quý khách,

Cùng với chiến lược văn học cho thiếu nhi, Hội Nhà văn đã làm một việc rất ý nghĩa là thành lập giải thưởng mang tên giải Tác giả trẻ. Tôi xin chúc mừng các nhà văn trẻ được nhận giải Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng Tác giả trẻ là cách mà Hội Nhà văn hiện thực hóa chiến lược giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Hội Nhà văn có sứ mệnh tập hợp đội ngũ những nhà văn trẻ trong cả nước, gợi mở họ, khích lệ họ, bồi dưỡng họ và đặt lòng tin vào họ. Chỉ như vậy, chúng ta mới có quyền hy vọng và đợi chờ vào những nhà văn trẻ sẽ viết lên những tác phẩm xứng đáng với nhân dân mình, với đất nước mình. Trong giờ phút này, chúng ta hãy tưởng nhớ tới những nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã bước vào hai cuộc kháng chiến đúng nghĩa là một người lính chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ phải đối mặt với cái chết để khắc họa lên những trang sử chói lọi của dân tộc bằng chính những trang viết của mình, như nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại tỉnh Quảng Nam khi chưa tròn 28 tuổi.

Các nhà văn, trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước. Hãy viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam. Chỉ như vậy, họ mới có thể hoàn thành sứ mệnh của nhà văn với danh vị vô cùng cao quí mà xã hội dành cho họ: lương tri của thời đại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà văn, nhà thơ tại Lễ phát động. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Thưa các nhà văn và quý vị đại biểu,

Trong không khí hướng đến kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, tôi bày tỏ lòng biết ơn các nhà văn Việt Nam qua nhiều thế hệ đã trí tuệ, tâm huyết, có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp văn học của nước nhà, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ta giàu đẹp hơn. Trong tính từ “đẹp” đó có nét viết từ ngòi bút của những nhà văn chúng ta.

Cũng nhân dịp năm mới, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi xin chúc các nhà văn mạnh khỏe, tràn ngập cảm hứng sáng tác để có được những tác phẩm văn học có giá trị, là niềm tự hào của bản thân và đất nước. Tôi luôn mong ước đến một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đạt giải Nobel văn chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta. Tôi có niềm tin mạnh mẽ ở những nhà văn, những Tác giả trẻ hôm nay.

Nhân đây tôi cũng mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng.

Thứ hai, chúng ta đang phát động trong trào sáng tác cho trẻ em, tôi đề nghị các cơ quan và nhà trường cũng cần tạo không gian cho các em sáng tạo, nhất là các cuộc thi sáng tác trong trường học để các em được cất lên tiếng nói, thể hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Thứ ba, chúng ta cũng cần quan tâm và sớm khôi phục lại các trại sáng tác với những cách làm phong phú, tạo ra không gian tốt, hệ sinh thái tốt cho sự ra đời của các tác phẩm mới.

Cuối cùng, tôi muốn mượn lời dặn dò của Mai-a-cốp-xki để nhắn gửi đến tất cả những người cầm bút của chúng ta, đặc biệt là những cây bút viết về đề tài thiếu nhi để kết thúc bài phát biểu này:

Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.

Xin trân trọng cảm ơn!".

TTXVN