Nhạc pop, nhìn từ 2012: “Tài năng internet” lan nhanh như virus

03/01/2013 08:22 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Điểm nổi bật nào từ các sản phẩm âm nhạc thành công, không thành công lắm và thất bại của năm qua? Đó là một thực tế: mô hình quảng bá âm nhạc truyền thống từ các hãng đĩa lớn đã không còn đáng tin cậy.

Năm 2012, một điều trước nay vốn bị ngờ vực đã được chứng minh: các nghệ sĩ pop có thể trở nên cực kỳ nổi tiếng từ mạng Internet, cách này thậm chí còn hiệu quả hơn so với các chiến dịch quảng bá bài bản và tốn tiền của các hãng đĩa lớn. Đó là nhận định của nhà báo Ben Ratliff của New York Times.

Thị trường: Bài toán lạnh lùng của doanh số

Đồng ý với Ratliff, trong cuộc thảo luận về xu hướng nhạc pop năm 2013 của New York Times, một nhà báo khác là Jon Caramanica đưa ra ví dụ: hãy nhìn vào doanh số bán đĩa tuần đầu tiên của một nghệ sĩ hip-hop mới nổi - Kendrick Lamar và một nghệ sĩ đang ở đỉnh cao sự nghiệp - Rihanna.

Lamar có một album độc lập đầu tay phát hành dưới dạng số và hiện đã được hãng đĩa lớn Interscope thu nạp. Trước 2012, anh hầu như chẳng có ca khúc nổi tiếng nào dù vẫn được biết đến trên Internet và trong giới hip-hop Mỹ. Album Good Kid, m.A.A.d City của Lamar phát hành trong năm 2012 bán được hơn 240.000 ở tuần đầu.



Những tên tuổi âm nhạc đình đám, theo nhiều khía cạnh, của năm qua (Taylor Swift, Rihanna, Frank Ocean, Psy...) cung cấp cho giới chuyên môn các dự cảm về xu hướng âm nhạc những năm tiếp theo. Ảnh: New York Times

Hai tuần sau đó Rihanna trở lại với album thứ 7 của cô - Unapologetic - được quảng bá rất rầm rộ (trong đó có cả một chuyến lưu diễn tốn kém trên chiếc máy bay Boeing 777 qua 7 nước với hơn 250 nhà báo được mời đi cùng). Kết quả, doanh số album tuần đầu của Rihanna kém Lamar vài nghìn bản.

Rihanna cũng bị đưa ra so sánh với Lana Del Rey, một đại diện khác của ngôi sao nổi lên từ mạng Internet. Nếu Rihanna không mang lại cho hãng đĩa con số như mong đợi từ việc bán đĩa, địa vị siêu sao của cô sẽ bị coi nhẹ đôi chút. Đó là cách đánh giá thực dụng, lạnh lùng nhưng chính xác của các chuyên gia âm nhạc.

Còn với Lana Del Rey, mọi thứ bắt đầu vào năm 2011. Vài cuộc cãi cọ liên quan đến âm nhạc trên Internet khiến mức độ nổi tiếng của cô ngày càng tăng. Album Born To Die của Lana ra mắt đầu năm 2012 đã bán được khoảng 3 triệu bản, một trong những album bán chạy nhất năm, cùng với giọng hát tốt khiến nữ ca sĩ được coi trọng như bất cứ một nghệ sĩ nào do hệ thống các hãng đĩa lớn sản sinh ra.

Có thể thấy, mạng xã hội là nơi hình thành thị hiếu âm nhạc của cư dân mạng hiện nay. “Hiện tại, với tốc độ biến chuyển nhanh chóng các sản phẩm từ Internet vào đời sống thực, việc một hãng đĩa chi đến 1 triệu USD quảng bá cho một ngôi sao mà chưa rõ sẽ thành công hay không, nghe không có lý lắm so với việc họ tìm kiếm ai đó đang rất nổi tiếng trên Internet, đầu tư một ít tiền mặt và thu về lợi nhuận lớn hơn” - Jon Caramanica nhận định.

Bên cạnh đó, nói về ngôi sao nổi lên từ mạng xã hội năm qua, không thể không kể đến Psy với video nhạc Gangnam Style. Và cũng chỉ cần kể mỗi cái tên là đủ.

Nhưng còn lo ngại các “tài năng Internet” lan truyền nhanh như virus nhưng sớm nở tối tàn? Như Lana Del Rey nói với tạp chí Vogue, rằng Born To Die có thể là album cuối cùng của cô, cô không rõ liệu mình có sáng tác các sản phẩm âm nhạc tiếp theo hay không, bởi “Tôi sẽ nói gì đây? Những gì cần nói tôi đã nói hết rồi”.

Nếu điều đó xảy ra, vẫn phải khẳng định nữ ca sĩ không phải không có tài, cô chỉ chưa chuẩn bị đủ kỹ càng cho một sự nghiệp âm nhạc dài hơi, thứ đòi hỏi người ta phải sáng tạo nhiều khi đến hết đời chứ không chỉ vài năm ngắn ngủi sau khi nổi danh từ Internet. Nhưng thế hệ khán giả của kiểu âm nhạc Internet này sẽ lớn lên như thế nào đây?

Âm nhạc: Tìm về chất dân gian “gần như thuần túy”

Khán giả hiện nay là thế hệ nghe nhạc với mục đích thể hiện bản thân đồng thời “truyền bá” cho những người xung quanh, như nhà báo Jon Pareles (New York Times) nhận định. Một thế hệ mà tính xã hội và tập thể có tác động vô cùng mạnh mẽ. Hầu như thế hệ nào cũng vậy, nhưng thế hệ hiện nay có biểu hiện rõ rệt nhất, và không thể không nhấn mạnh rằng, họ có đầy đủ phương tiện để làm điều đó (mạng xã hội).

“Khán giả đang có suy nghĩ kiểu như: Ồ, mình vừa nghe một giai điệu đàn banjo. Mình tuyệt quá. Mình thật khác biệt. Mình sẽ kể cho mấy đứa bạn rằng được nghe chơi banjo thực thụ khác với nghe các thứ âm thanh tổng hợp đến mức nào” - theo Jon Pareles.

Mumford & Sons, Lumineers, Of Monsters and Men là những cái tên đại diện cho dòng nhạc dân gian đang “sống dậy” ở thị trường Mỹ và thế giới. “Không Auto-Tune (kỹ thuật làm méo tiếng)” có thể coi là khẩu hiệu mà các ban nhạc này gắn với tên tuổi của họ, đối lập với dòng nhạc điện tử vốn thịnh hành trước đó mà Lady Gaga là thành công tiêu biểu.

Mộc đến mức độ như trở về với nguyên bản, nhưng vẫn không phải là nguyên bản, đừng bị đánh lừa. “Họ không sợ bộ tổng hợp nhạc, không sợ phải sáng tác chỉ với một dàn trống. Họ thích âm thanh của đàn banjo và guitar mộc, nhưng họ không phải là những người theo chủ nghĩa thuần túy. Thời nay không ai là thuần túy cả. Chân thực, thủ công và nhỏ nhắn thể hiện sự khiêm tốn. Chỉ có điều, những ban nhạc như thế làm ra thứ âm nhạc lớn. Nghe như thánh ca và đám đông có thể hát theo”.

Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm