Vĩnh biệt "Bùi Giáng thứ hai" của Quảng Nam

07/05/2009 10:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, thi sĩ Phạm Phú Hải nhập viện Đa khoa Đà Nẵng hôm 19/4/2009, vì bị tai biến. Sáng hôm qua (6/5, tức 12/4 Âm lịch), theo tin từ gia đình thì ông đã qua đời tại tư gia lúc 1h45 sáng. Linh cữu được quàn tại số 242 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Lễ mai táng vào ngày 10/5 tại nghĩa trang xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam.

Bệnh tâm thần phân liệt và 1.000 bài thơ

 Thi sĩ Phạm Phú Hải
Thi sĩ Phạm Phú Hải (1950-2009) sống cực kỳ lặng lẽ và khiêm nhường. Lặng lẽ như chính những câu đầu trong bài Vuốt mắt của ông: “Con ngồi trong tối rất lâu / Lắng nghe thiên cổ trở đầu bên tai / Mây vàng đều vó về thai / Mẹ cha sẽ lớn bên hai sinh thành / Ngồi đây giọt lệ lăn quanh / Lệ ôi rơi xuống tan tành ta đi”. Và khiêm nhường như chính bài Thằng câm: “Thằng câm nằm mộng giận người / Sáng ra ú ớ mấy lời quàng xiên / Giữa đời chân đảo chân điên / Bước điên bước đảo huyên thuyên một đời”.

Ông sinh năm 1950 tại xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. Làm thơ từ năm 14 tuổi. Bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 1972, suốt đời ông sống với mẹ già, cùng các cơn bệnh - lúc tỉnh lúc mê, tại thành phố Đà Nẵng. Ông là tác giả của hơn 1.000 bài thơ (khoảng 16 ngàn câu), gồm nhiều thể loại, từ đường luật, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, cho đến tự do... Thơ ông mạnh về cách chơi chữ, đậm chất thiền tông, u mặc... nhiều bài được xem là một bất ngờ về cách tổ chức ngôn ngữ, cách tạo dựng ý tưởng. Ông cũng là nguồn cơn của hàng trăm giai thoại văn học; có nhiều ý kiến còn so sánh, hoặc ví ông như là Bùi Giáng thứ hai của Quảng Nam.

“Có bàn chân dài hơn con đường…”

Trên thi đàn nửa cuối thế kỷ 20, với danh hiệu nhà thơ, ông không nổi tiếng như những nhà thơ cùng trang lứa và chưa có một xuất bản phẩm cá nhân nào. Nhưng sự ngưỡng mộ của thi giới và người đọc gần xa thì không ngừng dâng cao, mỗi khi họ bắt gặp đâu đó một bài, một chùm thơ của ông. Chẳng hạn đoạn đầu trong bài Thi sĩ, rất nhiều tờ lịch, sách báo đã trích dẫn: “Có bàn chân dài hơn con đường / Nên chân trời là những đốt xương / Của ai bỏ lại ngàn năm trước / Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường”. Hay như bài Có lẽ, được xem là một phác họa chân dung của chính thi sĩ: “Có lẽ đã thở lầm hơi thở / Của ai kia từ buổi lọt lòng ra / Mây trắng quá suốt đời ta nói mớ / Nên suốt đời mây trắng vẫn bay xa”.

Sầu như địa mộ
 
Chiều chiều ra mộ buông câu
 
Cá bơi xương trắng chiều sầu như bia
 
Hàng hàng ngang dọc phân chia
 
Óc Diêm Vương chảy dưới kia lạnh lùng.
Năm 1972, tập thơ đánh máy (chưa xuất bản), có tên Gánh nước tưới sông được bạn bè chuyền tay nhau, và xem như là phần tác phẩm công bố duy nhất của tác giả. Năm 1994, tập bản thảo này được ông Hoàng Minh Nhân đem đi xin phép xuất bản, với tên Thâm lâm ngâm, có một vài bổ sung. Nhưng giữa tác giả và nhà xuất bản chưa có sự thống nhất, nên kết quả tập bản thảo bị gác lại.

Toàn bộ thơ của Phạm Phú Hải do bạn bè tự gom góp và lưu giữ. Người lưu giữ nhiều nhất là nhà thơ - nhà thư pháp Hồ Công Khanh (Đà Nẵng). Gần đây, khi nghe tin ông nhập viện, có mấy nhà xuất bản liên hệ với gia đình và Hồ Công Khanh để xin bản thảo in lại, Công ty Sách Bách Việt ở Hà Nội sắp xuất bản tập Một hôm núi khóc gồm 70 bài, được gợi hứng từ một câu thơ ngôn linh của Phạm Phú Hải: “Một hôm núi khóc tiếng lệ chứa chan”. Ngoài ra tại TP.HCM, cũng có 2 NXB đang chuẩn bị in tuyển tập Phạm Phú Hải, khoảng 300 bài.
 
Văn Bảy
 
Thơ Phạm Phú Hải lọt vào chung khảo Giải thơ Bách Việt
 
Chiều qua, 6/5, Công ty Sách Bách Việt vừa công bố 2 tác phẩm chính thức lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt 2009. Đó là Mùi thơm của sự im lặng (tác giả Đồng Chuông Tử, TP.HCM); và tập thơ thứ hai chính là Một hôm núi khóc của “Bùi Giáng thứ 2” - Phạm Phú Hải.

Thông cáo của giải thưởng này cho biết: Một hôm núi khóc là tập thơ mà Phạm Phú Hải viết, nhưng không mấy quan tâm đến hình thức. Ông chỉ cốt sao nói lên được điều mình muốn nói. Trong ngôi nhà cổ điển của thơ ngụ ngôn, thất ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú, ông đã bày ra thế giới Phạm Phú Hải - Thế giới được phát sáng bởi chính tâm hồn ông: Người họa sĩ của Phạm Phú Hải “Hòa rượu” để vẽ tranh.

Ông già mù của Phạm Phú Hải “sờ soạng thời gian mịn màng”, “ra vào tâm can” và nghe dưới chân mình tiếng “thời gian sột soạt”.

Rượu của Phạm Phú Hải được ngâm với “vài lượng da trời”.

Bò của Phạm Phú Hải cất tiếng ho, núi của Phạm Phú Hải khóc “tiếng lệ chứa chan”, bức tường của Phạm Phú Hải biết sợ hãi: “Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường / Tôi tưởng tượng bức tường là tôi / Và tôi tưởng tượng tôi là bức tường / Tôi nghĩ chắc bức tường sợ hãi lắm...”.
 
Tính đến nay, sau 4 tháng phát động Giải thưởng thơ Bách Việt 2009, Bách Việt đã nhận được 39 tập thơ dự thi gửi về.
 
N.M

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm