Nhạc sĩ Quốc Trung: Phảng phất thói phong kiến cổ hủ trong thưởng thức nghệ thuật

09/06/2014 13:40 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Làm mới những tác phẩm “kinh điển” ĐỂ LÀM GÌ và NHƯ THỂ NÀO lại trở thành tranh luận nóng trong tuần qua sau chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề Bé bé bằng bông khi những ca khúc một thời thơ ấu của nhiều thế hệ trở nên mới mẻ và… lạ lẫm với phần phối mới của nhạc sĩ Quốc Trung. Sự làm mới này bị nhiều ý kiến cho là làm “méo mó” ca khúc gốc, thiếu tôn trọng tác giả, khán giả. TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Quốc Trung xung quanh các tranh luận này.

* Được biết, trước khi lên sóng, anh đã mời mọi người nghe Đi học trên trang cá nhân. Anh đã lường trước được sự phản ứng của khán giả?

- Tôi không để mọi người nghe trước mà nhắn mọi người đón xem. Tôi biết phản ứng từ trước và đã biết nó như thế nào khi chương trình được ghi hình.

* Đây không phải lần đầu anh làm mới những ca khúc quen thuộc. Khen chê là thường. Nhưng tại sao cùng là làm mới một chủ đề mà Em đi đưa cơm cho mẹ đi cày lại được tán thưởng trong khi Đi học lại gây phản ứng mạnh mẽ đến vậy?

- Ca khúc Em đi đưa cơm cho mẹ đi cày tôi đã giữ nguyên tinh thần của bài hát và nó đã được trình diễn một cách hoàn hảo bởi giọng hát của bé Mỹ Anh với sự hỗ trợ của Mỹ Linh. Nó không có không gian để có thể thay đổi được nhiều. Còn bài Đi học thì tôi lại muốn kể một câu chuyện khác. Nhân vật kể chuyện và cách kể cũng khác. Chính vì vậy mà sẽ có rât nhiều người ngạc nhiên, thích thú cũng có mà phản ứng cũng có. Đó là điều bình thường.

* Nếu nói về cách kể chuyện bằng âm nhạc với ca khúc Đi học thì đã có bé Xuân Mai hát Đi học như là một học sinh kể lại chuyện mình đi học, Hồng Nhung hát Đi học như là một cô giáo kể lại một học sinh đi học, Anh Khang - Tạ Quang Thắng hát Đi học như là hai người anh kể về người em đi học - những câu chuyện kể đều được người nghe chấp nhận. Nhưng với cách kể của anh, nó quá khác biệt để cảm nhận! Anh nghĩ thế nào?

- Đã có từng đó cách thể hiện khác nhau cho bài Đi học thì tại sao lại không có thêm một cách khác nữa? Ít có người trong chúng ta lại không được đi học để có thể nhớ về tuổi thơ của mình. Có thể đó là Đi học của riêng tôi và Hải Bột nhưng tôi cũng đã từng đi sơ tán ở Phú Thọ một thời gian nên thấy nó không có gì gọi là quá khác biệt và tin rằng có rất nhiều người cảm nhận được đó. Bạn cứ thử theo dõi rating của chương trình và lượng “view” của bài hát đó mà xem.

* Có lẽ sự sáng tạo của nghệ sĩ là không biên giới trong khi cảm nhận của người nghe lại đang bị đóng khuôn - ý anh là vậy?

- Sự sáng tạo của nghệ sĩ sẽ mở ra và tháo bỏ những khuôn mẫu của người nghe.

* Suy cho cùng, với khán giả, có lẽ việc anh làm gì họ không cần biết. Họ chỉ biết nghe và thấy hay hoặc không hay. Anh nghĩ sao?

- Đúng vậy! Tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến khen và cả chê từ trang cá nhân. Nếu chỉ vậy thì không sao ngay kể cả việc đa số không thấy hay thì nó cũng chỉ là sự không thành công trong việc làm mới nhưng để nói là tôi xúc phạm khán giả thì không thuyết phục bởi trách nhiệm của nghệ sĩ là không ngừng sáng tạo chứ không phải là những người thợ.


Các bản ký âm của ca khúc Đi học do nhạc sĩ Quốc Trung cung cấp: trích trong Bách khoa tri thức học sinh và 50 bài hát thiếu nhi hay nhất

* Là một nhạc sĩ, anh nghĩ gì về sự làm mới ca khúc nhưng lại mất đi cả lời và nhạc nguyên gốc?

- Ngay tại trường quay các vị khách mời lão thành cũng chất vấn tôi đã để ca sĩ hát sai lời và sai nhạc nên tôi mới phải xuống để giải đáp. Tôi là một nhạc sĩ có kinh nghiệm hơn 30 năm nên không thể có chuyện ca sĩ hát sai nhạc mà tôi không biết. Tôi đã chủ định để ca sĩ Hải Bột hát đúng nhạc lần đầu và phá cách đi 2 câu ở lần sau. Việc này tôi cũng đã có nhờ Ban tổ chức xin phép gia đình tác giả. Hơn nữa tôi là người trực tiếp thu âm cho ca sĩ và chúng tôi đã thể hiện đúng với lời hát của nhà xuất bản. Hiện có rất nhiều bản nhạc và cả ghi âm khác nhau và ngay cả những vị khách mời tại trường quay cũng đã hát không đúng lời của bài hát so với văn bản mà Ban biên tập cho là chính xác nhất. Tôi cũng không thay đổi tiết tấu của bài hát mà chỉ chia nó khác đi.

* Vẫn biết, sự làm mới của thế hệ trẻ luôn khó nhận được sự đồng lòng của thế hệ trước. Và mục đích làm mới của anh là hướng tới sự tiếp nhận những giá trị cũ của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mỗi thời một khác. Thời xưa, thì mới có cọ xòe ô che nắng, có nước suối trong thầm thì… còn bây giờ, với thời đại của xe hơi, xe máy, nhà cao tầng thì việc làm mới như thế, phỏng có ích gì? Thay vào đó, nên sáng tác những ca khúc hợp thời với giới trẻ có hơn chăng?

- Tôi nghĩ là vẫn có nhiều bài hát cho giới trẻ hợp với thời đại nhưng nó khó được phổ biến cũng bởi một phần ở sự định kiến của lớp người đi trước. Nếu chúng ta muốn giới trẻ biết đến thời xưa với cọ xòe ô che nắng... mà lại không chấp nhận những xe hơi nhà lầu... của lớp trẻ hôm nay thì thật là không công bằng và cũng nên chấp nhận ở chiều ngược lại. Tôi vẫn thấy phảng phất thói phong kiến cổ hủ trong cách thưởng thức nghệ thuật của lớp trước.

* Anh có thể lý giải một “nghịch lý” khi nói đến ca khúc thiếu nhi ngày nay, đó là thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa?

- Nó thiếu và thừa bởi còn quá ít những tác phẩm chất lượng. Có lẽ xã hội chúng ta đã bớt quan tâm đến trẻ em hơn trước dù ngày nay chúng ta có nhiều điều kiện về vật chất hơn. Tôi nghĩ rằng, muốn quan tâm đầy đủ đến trẻ em thì cần nhất là thời gian nhưng đây lại là điều mà chúng ta đang có vẻ rất thiếu.

* Theo anh, điều gì làm nên thành công của những ca khúc thiếu nhi thế hệ trước?

- Tài năng của các nhạc sĩ và sự quan tâm của xã hội.

* Những trở ngại nào khi muốn có một ca khúc thiếu nhi hay ở thời nay?

- Niềm tin vào tương lai và sự hồn nhiên trong sáng trong đời sống.

* Đổi mới là để phát triển. Tuy nhiên, ở một giới hạn (như chương trình Giai điệu tự hào), làm mới đôi khi không cần thiết để tôn vinh những giai điệu đã và đang đi cùng năm tháng. Nếu tiếp tục bị phản đối, anh có dừng lại?

- Nếu không làm mới thì đã có rất nhiều chương trình tôn vinh những ca khúc đi cùng năm tháng rồi. Ngoài ra, ở một chương trình như Giai điệu tự hào, chúng tôi muốn qua những giai điệu gợi nhớ đến những thời kỳ, những ký ức đau thương, hào hùng của dân tộc để nói đến những vấn đề của ngày hôm nay. Tôi nghĩ mình đang làm tốt công việc đó và nhận được sự ủng hộ của nhà sản xuất và cả rất nhiều khán giả. Đó cũng là tiêu chí hoạt động âm nhạc của tôi vì vậy không có lý do gì khiến tôi dừng lại.

* Cảm ơn những trao đổi thắng thắn của anh.

Clip Đi học trong chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề Bé bé bằng bông:


Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm