29/01/2018 09:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi được hỏi về cuộc hình trình 18 năm lăn lộn với mặt trận bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương đùa: “Nếu có một nhà văn giỏi viết về Trung tâm tôi thì chắc cũng chẳng kém gì truyện Tây du ký. Đủ mọi dạng ly kỳ, gay cấn...”.
Ngày 26/1 vừa qua, nhân Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Phó Đức Phương đã công bố bức tâm thư về việc thôi chức Giám đốc Trung tâm. Người thay thế vị trí ông là nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, hiện đang giữ chức Phó giám đốc VCPMC.
Đánh đổi vài chục tác phẩm để đời cho cuộc chiến tác quyền
Trong bức tâm thư mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gọi vui là “huyết thư” ấy, nhạc sĩ Phó Đức Phương viết: “Từ những năm đầu tiên, khi mà những khái niệm cơ bản của luật pháp về quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng còn rất mới lạ đối với các tổ chức và cá nhân trong xã hội, cũng như với cả các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn trong việc giải thích, vận động và đấu tranh để đưa những quy định pháp luật vào đời sống”.
“Những năm đầu tiên” theo lời nhạc sĩ Phó Đức Phương tương ứng với thời điểm thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
“Những năm cuối thế kỷ 20, khoảng độ 1997 - 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin thường tổ chức các buổi hội thảo quốc tế về các mô hình quyền tác giả âm nhạc của các nước trên thế giới. Tôi may mắn tham dự các cuộc hội thảo ấy được độ 4 lần thì bắt đầu giác ngộ” - nhạc sĩ Phó Đức Phương kể.
“Hạt giống” mang tên “quyền tác giả” đã “gieo”trong ông nguồn động lực mạnh mẽ, thúc đẩy ông đi đến một hành động quyết liệt mang tính “lịch sử”.
“Tháng 3/2000, tôi gửi lên Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ một bản kiến nghị trong đó có 200 chữ ký của các nhạc sĩ từ Bắc vào Nam, khẩn thiết kính mong nhận được sự quan tâm về tình trạng quyền tác giả âm nhạc đang bị xâm hại quá nặng nề”, ông tiếp câu chuyện, 2 tháng sau, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ gửi 2 văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tìm giải pháp khắc phục”.
2 văn bản trên đưa đến việc thành lập một ban vận động gồm Hội nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin (lúc bấy giờ), Liên hiệp các hội Văn học và nghệ thuật Việt Nam, Cục Bản quyền và Bộ Nội vụ (khi ấy là Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ). 5 cơ quan họp trù bị suốt gần 2 năm thì thành lập nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương là giám đốc đầu tiên.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương ước chừng 18 năm “sống chết” với cuộc chiến bản quyền ông phải hy sinh khoảng thời gian đủ để cho ra đời vài chục tác phẩm để đời. Một sự hy sinh không nhỏ.
“Về hưu” nhưng tiếp tục đồng hành VCPMC
Một sự hy sinh khác mà những người chứng kiến cuộc hành trình 18 năm của nhạc sĩ Phó Đức Phương với công cuộc bảo vệ tác quyền âm nhạc, hẳn sẽ phải ngã mũ thán phục ông có được “thần kinh thép”.
Đem chuyện ấy ra nói với nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông phẩy tay: “Thép gì đâu,mọi người nói quá”.
18 năm, đều đặn cứ 2-3 năm lại một trận “bão” dư luận, mà “bão” như kiểu chuyện thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn như năm vừa qua đối với ông chỉ là “bão nhỏ”. Chuyện thu phí tác quyền tại Việt Nam rất dễ gây tranh cãido nhận thức chung của xã hội.
“Đầu ngày, cán bộ của tôi đặt lên bàn mấy bài báo phản hồi. Tôi nói ngay: Các bạn phải biết nên cho sếp mình đọc cái gì chứ. Nói chung, giải pháp là không nghe nữa” - ông nói -“Tôi không ở cái độ tuổi làm gì cũng phải chờ khen mới yên tâm hay bị chê thì hoang mang. Phải tự biết cái gì là đúng, làm theo cái đúng đó thì mới vượt qua được, mình cứ theo luật mà làm, ai sai thì đấu tranh lại ngay”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thú thật, kể cả xin thôi rồi nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với VCPMC dưới vai trò cố vấn.
“Trong đầu thì nghĩ 18 năm là đủ rồi, nhưng lại không nỡ để mặc “con đẻ” của mình. Tôi vẫn dính líu đến nó, nhưng trong phạm vi tình cảm và trách nhiệm thôi” - ông kết luận.
Năm 2017 thu hơn 83 tỷ đồng Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), năm 2017 trung tâm thu được tổng cộng hơn 83 tỷ đồng phí sử dụng bài hát, trong đó đã chi trả cho các tác giả hơn 60 tỷ đồng (sau khi trích hành chính phí và một phần chưa phân phối xong). Hiện tại VCPMC có gần 4.000 tác giả thành viên trong nước và gần 2 triệu thành viên nước ngoài. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất