Nhạc sĩ Phạm Duy: Ngày xưa tôi là đứa con hư...

27/03/2009 10:17 GMT+7 | Văn hoá

Tôi có nhiều tật lắm. Ăn tham, chơi cũng hết sức dữ dội. Nhưng đó là dĩ vãng, giờ tôi ngoan rồi. Ngày xưa tôi là người con hư.

* Có cảm giác rằng sâu thẳm trong ông vẫn rạo rực cái mà người ta gọi là “tình dân tộc”. Và cuối đời, cái “tình” ấy đã lôi kéo ông trở về quê nhà. Ông có muốn chia sẻ với lớp trẻ VN bây giờ về “tình dân tộc”?
 
Nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Tuổi thanh niên bây giờ có những ưu tư vì đất nước không giống chúng tôi ngày còn trẻ. Tôi không dám cả gan khuyên họ điều gì cả. Vấn đề là, trong địa hạt của tôi, khi tôi hát tình dân tộc thì lúc đó tình dân tộc đã lên rất lớn. Từ lúc chúng ta trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, nhờ có cuộc cách mạng, nhờ sự lãnh đạo của Đảng lúc đó thì tất cả mọi người mới đi theo. Tình dân tộc không phải do tôi đánh thức, mà do hoàn cảnh xã hội, chúng tôi bị lôi cuốn theo. Văn Cao, tôi hay Trịnh Công Sơn đều thấu hiểu điều đó.

Bài tình tự đầu tiên của tôi là Tình ca, lúc đó mới có bản sắc quốc gia, lúc đó mới thấy người VN khác người Trung Quốc, Ấn Độ, người Tây phương... ở tiếng nói, cảnh vật và con người. Trong khi mọi người hãy còn đi vào tân nhạc với những tình khúc viết về tình yêu đôi lứa, tôi đã thấy đây là cơ hội độc nhất để tôi khóc cười với dân tộc tôi.

Tôi tin người Việt Nam luôn có tự hào dân tộc. Tôi xa quê hương lâu rồi, không theo dõi kỹ hết được âm nhạc Việt Nam sau này. Nhưng tôi vẫn biết có những ca khúc như Quê hương (Nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân). Nghe bài hát đó tôi nghĩ có người đồng cảm với mình. Nếu không có "tình tự dân tộc" thì không thể sống.

* Ông có đồng cảm với đồng nghiệp trẻ tài ba của ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về một “vòng tay lớn” thật sự của lớp trẻ không? Làm gì để có cuộc “nối vòng tay lớn” đó? Nhiều người hay so sánh ông và NS Trịnh Công Sơn. Bản thân ông thấy Trịnh giống và khác ông như thế nào?

- Trịnh Công Sơn không khác gì tôi hay Văn Cao. Chúng tôi thao thức về tình tự dân tộc, thấy vòng tay cần nối lại trong lúc đảo điên. Tôi không thể tưởng tượng tôi còn sống đến bây giờ, để thấy ngày vòng tay lớn kết nối lại với như cuộc "trở về". Tôi nghĩ tôi về đây không phải vì mục đích cá nhân, không phải hoài bão riêng của một người. Nhiều người muốn trở về Việt Nam nhưng vì hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội, nên muốn về lắm mà chưa về đựơc.

Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ có tài, có được sự nghiệp rất lớn. Nhiều người đã nói về sự thật đó rồi, tôi không cần nhắc lại làm gì. Nếu so sánh giữa chúng tôi với nhau thì có khác nhau: Trịnh Công Sơn sáng tác tuỳ hứng, còn tôi thì làm việc có chương trình hẳn hoi. Nếu không có chiến tranh thì không có Trịnh Công Sơn như người nghe được biết với những Ca khúc da vàng. Tôi thì, khi chưa có chiến tranh, mới đi từ Hà Nội vào Nam tôi đã ý thức ngay phải làm nhạc về tình quê hương, tình dân tộc. Theo kháng chiến, tôi đã nói được vinh quang của dân tộc cũng như khổ đau của dân tộc. Tôi làm việc có chương trình, có hoạch định, chứ không phải nổi hứng lên thì làm. Tôi đúng hay sai, tôi hay hoặc dở thì tôi không dám "tự kiêu", nhưng tôi là thế.

Tôi là chứng nhân của thời đại, rất tự nhiên, lúc làm thì trong đầu không nghĩ sẽ bán được nhạc của mình. Tôi theo đúng câu châm ngôn "Âm nhạc không bao giờ nuôi được người làm ra nhạc". Tôi biết khai thác những gì tôi đã làm ra nhưng tôi cũng nghèo thôi. Người ta là triệu phú còn tôi chỉ trăm phú thôi.

* Bài hát "Tình ca" đã được rất nhiều người yêu thích hơn nửa thế kỷ qua, ông có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của nó và nó có nằm trong kế hoạch sáng tác như ông vừa nói không?

- Về bài hát Tôi yêu tiếng nước tôi sáng tác năm 1953, thì không cần ai khen vì chính tôi cũng phải khen tôi rồi. Hồi đó tôi đã có ý thức sáng tác một bài hát về bản sắc dân tộc. Ta đã đánh Tây bao lâu rồi, đã có Chính phủ rồi thì phải có cái gì là bản sắc quốc gia. Khi làm thì không ngờ lại thành công như vậy, dài dòng văn tự mà lại được yêu thích như vậy.

* Ông đã từng nhận xét về NS Văn Cao là "Thấp bé hơn tôi nhưng tài hoa thì hơn tôi rất nhiều". Ông có thể kể một kỷ niệm nào đó về thời gian ông và NS Văn Cao sống ở Hải Phòng, cái thời mà ông đã kể lại là ông thì ăn nói văng mạng còn Văn Cao thì lại ăn nói nhỏ nhẹ...

- Tôi học được ở ông ấy rất nhiều. Ông ấy làm thơ hay lắm, còn tôi không làm được thơ. Ông ấy vẽ tranh đẹp lắm, ông ấy vẽ tôi bức chân dung đẹp lắm nhưng tôi làm mất rồi, thật tiếc. Ông ấy làm Thiên Thai, Trương chi tới 99 khuông nhạc, còn tôi chỉ ba mươi mấy khuông là hết rồi. Tôi lúc nào cũng kính trọng ông ấy.

Không những sống chung ở Hải Phòng mà những năm 1945, 1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tối đến chúng tôi kéo nhau đi chơi, tôi thường đùa chúng tôi là những con vạc sống về đêm. Rất nhiều kỷ niệm, như tôi với ông ấy cùng yêu một người con gái chẳng hạn. Thời đó tôi còn hung hăng lắm, ông ấy điềm tĩnh và đứng đắn hơn tôi nhiều.

Tôi có viết rất nhiều về Văn Cao. Tôi là người đầu tiên nói được tất cả những gì ông ấy đã làm trong nhóm của Hoàng Quý, những bài hướng đạo sinh như Gió núi tôi phải tìm kiếm rất công phu mới được. Ông ấy viết Thăng Long hành khúc, Lịch sử ca... vậy ông ấy đi trước hay ngang Lưu Hữu Phước?

* Thưa Nhạc sĩ Phạm Duy, người ta ví ông như con chim bách thanh, nhạc của ông đa dạng, phong phú. Hơn nữa ông có khoảng thời gian sáng tạo rất dài... Sau mọi thử nghiệm, ông ưng ý nhất với đề tài nào, phong cách nào, giai đoạn nào? Ông có dự định nào trong thời gian tới không?

- Tôi có may mắn là ham sống và sống dai, sống qua nhiều thời khác nhau. Có những nhạc sĩ chỉ có một thời, không chuyển sang thời khác được. Tôi có may mắn là rất tham lam, không chịu đứng một chỗ. Chạy chỗ này chỗ nọ, luôn luôn bị bà tiên âm nhạc ám ảnh. Lúc nào tôi cũng nghĩ tôi chưa có vợ, kể cả đến khi có vợ và 8 con cũng vẫn bị bà tiên âm nhạc hành hạ. Tôi chủ truơng ngay khi bắt đầu cầm đàn đi hát thì phải phản ánh lại xã hội tôi sống. Tôi "cover" được nhiều tâm trạng, tình cảm của con người. Tôi có tình ca cho sinh viên thị thành, sinh viên trường làng, tình yêu chiến sĩ, tình vợ chồng, rồi tình hờ...

Tất cả nhạc của tôi, dù dưới hình thức tân ca thì cũng là tình ca, tình người. Tôi không thể phê bình nhạc nào của tôi cả, việc đó xin dành cho người thưởng thức.

Thời gian tới, tôi dự định "làm thinh". Con người ta phải có lúc làm, lúc nghỉ. Tôi làm thinh 10 năm nay vì mải theo đuổi nàng Kiều của Nguyễn Du. Khi tôi dự định trở về, tôi có nhiều cảm hứng, làm 10 bài Hương ca, nói về quê hương năm 2000 thì sẽ khác. Đã phổ biến được 5 bài rồi.

* Người ta thường nói: có tài có tật. Vậy ông có TẬT nào không? Yêu nhiều có phải là xấu không vì thật sự đôi lúc lý trí không giữ nổi trái tim...

- Tôi có nhiều tật lắm. Ăn tham, chơi cũng hết sức dữ dội. Nhưng đó là dĩ vãng, giờ tôi ngoan rồi. Ngày xưa tôi là người con hư.

Tôi không giản dị như câu nói "đôi lúc lý trí không giữ nổi trái tim" đâu. Tình yêu của tôi khác, tình yêu là đẹp nhất, không có tình yêu thì không có cuộc đời, chuyện yêu đương là tuyệt vời chứ không phải là xấu. Nếu yêu đương mà không gìn giữ sẽ loạn, nên phải có "Khổng Tử" ngồi trên vai chỉ huy mình, chứ thật sự ngoài tình yêu ra thì với vợ con tôi có trách nhiệm, với tất cả người tình tôi rất kính trọng. Không phải người đàn bà nào tôi cũng chơi bời đâu, không hợp duyên thì chia tay thôi. Tôi đã kết luận "người tình tuyệt vời", yêu một người như yêu vạn người, yêu vạn người như yêu một người.

Căn bản âm dương nên trên đời phải có đàn ông, đàn bà. Đàn ông, đàn bà suốt đời đi kiếm nhau đó là điều hết sức thiêng liêng. Đó là tật xấu hay là nết tốt?

Tôi gặp và yêu người tình không phải chỉ vì "tật dục". Nhưng vì cái gì thì tôi không cắt nghĩa được. Nếu cắt nghĩa được thì tên tôi là "Phạm Giới" rồi, may mà không cắt nghĩa được.

* Rất nhiều khán giả yêu bài hát Ngày xưa Hoàng Thị, xin hỏi, người con gái trong bài hát này có phải là mối tình đầu của ông không?

- Cô gái đó là người tình của Phạm Thiên Thư chứ không phải người tình của tôi. Phạm Thiên Thư làm bài thơ nói đến người còn gái đẹp, không có cái tên hoa mỹ mà tên cô là Hoàng Thị Ngọ. Tôi thích lắm. Bài đó trong sáng, gợi cho tôi vài ba kỷ niệm cũ. Ông ấy làm những bài thơ hay đến thế, tôi phải phổ nhạc thôi. Bài này tôi sáng tác năm 1970, tôi và ông ấy gặp nhau trong nhà thương khi cùng đến gặp một người bạn. Nhờ tôi mà ông ấy có ý nghĩ viết 10 bài Đạo ca, như 10 bức tranh về đạo. Trước tôi có nhiều thành kiến, gặp ông ấy tôi cởi mở hết.

* Trở về Việt Nam, ông đã đi lại "con đường cái quan" của mình chưa? Có bao giờ ông nảy ý định làm tiếp một "Con đường cái quan" của ngày hôm nay không?

- Tôi đã đi 2 lần rồi. Nếu xét lại thì 30 năm ngoại quốc, sự đi của tôi được Nguyên Sa ghi là "kỷ lục thế giới", đi khắp nơi chỉ còn Bắc cực và Nam cực vì lạnh quá không đi được. Con đường cái quan không chỉ từ Bắc vô Nam, nó là mơ ước phá tan ranh giới để đi và tôi cũng thực hiện được rồi.

Nhưng thôi, giờ 90 tuổi rồi, không đủ sức làm "con đường cái quan" nữa. Ai cũng sợ cái chết, tôi có 5, 7 bài nói về cái chết. Tôi viết ra hết sức thản nhiên: Những gì sẽ mang theo vào cõi chết, Ru người hấp hối, Tạ ơn đời, Chủ nhật buồn...

* Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo VNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm