Nhạc sỹ Nguyễn Cường thỏa nguyện 20 năm CLB Thính phòng

11/03/2012 10:10 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Tối 7/3 vừa qua, buổi ra  mắt CEG - CLB thính phòng đầu tiên của Hà Nội với tôn chỉ “Âm nhạc cho mọi người” thu hút khán giả chật khán phòng 61 - Lý Thái Tổ. Một thái độ nghe nghiêm túc, say mê hiếm gặp.

Khán phòng tầng trệt NXB Âm nhạc Dihavina chỉ có 50 ghế, nhiều người đã đứng nghe suốt buổi.

Quá thiếu các salon nghê thuật

Chủ nhiệm CLB, chủ dự án, đạo diễn chương trình này là nhạc sỹ Nguyễn Cường, cũng  là người dẫn dắt buổi diễn, giới thiệu các tác phẩm. Đêm nhạc chia làm hai phần. Phần 1 : Những tài năng âm nhạc gồm 7 tác phẩm kinh điển của các bậc thầy thế kỷ 17 -19; phần 2: Những tác phẩm âm nhạc Việt Nam.

Sáng giá nhất trong các nghệ sỹ biểu diễn là Phúc Tiệp (SN 1981), sở hữu giọng bariton (nam trung) quý hiếm. Anh đang là giảng viên HVANQG, từng đoạt giải nhì dòng thính phòng Sao Mai 2007. Hà Nội hiện lại rất thiếu các salon nghệ thuật. Nếu được thêm những không gian tinh tuyển như thế này, “khí quyển” nghệ thuật Hà Nội sẽ đậm và sang trọng hơn, nghệ sỹ các lĩnh vực sẽ được kích thích, thúc đẩy sáng tạo hơn.

NS Nguyễn Cường cùng các nghệ tham gia chương trình số 1. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường nhấn mạnh về ý nghĩa của CLB: “Khẩu hiệu của chúng tôi là “Vang lên!”. Âm nhạc thính phòng sẽ đem vẻ đẹp đích thực của giọng hát truyền trực tiếp đến khán giả. Lâu nay chúng ta đã nghe nhiều giọng ca nâng cấp qua mix, dàn âm thanh và micro”.

Mục đích của CEG là sân chơi của những nhạc sĩ đam mê và các tài năng trẻ của âm nhạc Việt Nam, tạo điều kiện cho họ công bố, thể hiện, học hỏi, trao đổi, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, CEG Club là nơi chia sẻ cho tất cả những ai yêu nhạc thính phòng được thưởng thức tác phẩm kinh điển của thế giới và của Việt Nam đương đại. Bởi thế, sự ra đời của câu lạc bộ này thật ý nghĩa.

Khi ca nhạc, nhạc nhẹ chiếm lĩnh hầu hết các sân khấu, tụ điểm, sự kiện, các sinh viên dù được đào tạo bài bản chính quy, từ lúc đang học, đi  làm thêm (thực tập) đến khi tốt nghiệp; từ ca sỹ tới nhạc công, nhạc sỹ đều phải “ xuôi dòng” theo ca nhạc. Những romance, aria, tác phẩm kinh điển hầu như chỉ còn được vang lên khi họ thi học kỳ, thi tốt nghiệp.

Ước ao 20 năm đã thành

Cùng chung tay làm dự án này với nhạc sĩ cũng là NS Ngọc Thuấn, Giám đốc Công ty Âm nhạc CEG (318/4 La Thành).

Trước mắt, CLB thính phòng sẽ tổ chức 2 tháng/kỳ, tiến tới  mỗi tháng 1 kỳ, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ muốn bộc lộ, tác phẩm được công diễn. CLB cũng hướng tới các hoạt động xã hội nhằm đóng góp cho sự phát triển của đời sống âm nhạc… Điều đáng quý, dự án này hoàn toàn miễn phí cho công chúng. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp và sinh viên vui vẻ nhận bồi dưỡng 500 nghìn đồng/tối, điều không mâu thuẫn gì với “lửa” nghề của họ như các ca sĩ dạn dày chinh chiến các sân khấu lớn.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường tâm sự: “20 năm trước, tôi khởi xướng lập một điểm diễn thính phòng ở Hà Nội, mà tới giờ mới làm nổi. Một Thủ đô là cái nôi  âm nhạc lớn và nhiều trường dạy nhạc, mà không có lấy một không gian thường xuyên cho thính phòng. Thực ra, thập niên 80, 90 của thế kỷ trước cũng có một vài nơi diễn, nhưng èo uột. Cách đây 6 năm, tôi cùng các đồng nghiệp Đỗ Hồng Quân, Trần Trọng Hùng, Đặng Hữu Phúc, Lê Tịnh, 5 anh em mà không thể “xung trận cả 5 người như một”, do nhu cầu thực sự trong người khác nhau nên thiếu quyết tâm cao để cùng tìm ra phương pháp duy trì,  phương án kéo dài”.

***

Hiện nhóm chủ trì đang bỏ  tiền túi, song họ khẳng định sẽ không làm “hòm phiếu” để khán giả bỏ tiền “ủng hộ tùy tâm”. Họ cũng không cần những ủng hộ nhỏ lẻ kiểu tài trợ tạm thời. Họ mong doanh nhân yêu âm nhạc, hỗ trợ lâu dài cho các tài năng, sẽ thành đối tác, đầu tư lớn cùng CEG xây dựng, phát triển mô hình này.

Hy vọng CEG sẽ bền bỉ “vang lên” và gây tiếng vang trong nền âm nhạc đương đại, bởi những tài năng được phát triển, vun đắp và hội tụ từ đây.

Khánh Hiển

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm