Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Hà Nội đã 'tái sinh' tôi

06/05/2015 13:40 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Chọn tên gọi Kỷ niệm cho liveshow ở tuổi 75 của mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh đã ấp ủ nhiều kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp làm nghề để tâm sự cùng khán giả Thủ đô - những vị khách quý mà ông muốn tri ân trong suốt hai đêm diễn vào tối 16 và 17/5 tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có cuộc trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

* Tại sao thực hiện show ở tuổi 75, ông lại chọn Hà Nội làm nơi “thể hiện mình”?

- Vì Hà Nội là nơi đã “tái sinh” tôi, đưa tôi trở lại với cây đàn piano – linh hồn của đời tôi. Kỉ niệm với Hà Nội đến giờ tôi vẫn không thể quên và cũng là lý do khiến tôi trở lại thực hiện show ở đây. Chính là lần tôi diễn với Ánh Tuyết năm 2002.

Khi đó, tôi không chỉ nhận hoa chúc mừng của vợ nhạc sĩ Văn Cao khi đệm ca khúc Mùa xuân đầu tiên cho Ánh Tuyết hát mà đến ca khúc Hà Nội niềm tin và hi vọng, phần độc tấu của tôi đã nhận được sự tán thưởng không ngừng của khán giả. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn. Hà Nội đã cho tôi niềm tin và hi vọng, khiến tôi gắn bó với cây đàn đến bây giờ.

* Vậy ông sẽ đem đến hai đêm diễn những nhạc mục như thế nào?

- Là những nhạc phẩm đã gắn bó với cuộc đời sáng tác của tôi mà mọi người yêu mến. Nhưng sẽ không chỉ là Ai đưa em về, Buồn ơi chào mi, Biệt khúc, Không, Bơ vơ… mà còn có phần hòa tấu piano của tôi cùng con trai Nguyễn Quang. Chắc chắn đây là một phần trình diễn rất quan trọng đối với tôi.


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

* Nhiều nghệ sĩ, cuộc đời và sự nghiệp thường “vận vào nhau”. Nhưng ông thì khác. Phải chăng, chính sự tròn trịa trong cuộc sống gia đình lại tạo cảm hứng để ông cho ra những ca khúc nhiều tâm sự buồn?

- Tôi khá tâm đắc với những câu thơ trong bài Anh biết em đi của nhà thơ Thái Can: "Tôi biết em đi chẳng trở về/ Dặm ngàn liễu khuất với sương che/ Em đừng quay lại nhìn anh nữa/ Em biết anh đi chẳng trở về…” và có thể nói đây chính là cảm hứng cho những sáng tác của tôi.

Còn cuộc sống nào cũng có những thăng trầm, không lúc này thì lúc khác. Tôi cũng có những nỗi niềm riêng, và nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi đã hiểu lầm ba mình. Khi ba mất tôi mới hiểu ba rất thương tôi. Vì đến lúc đó, tôi mới biết, tất cả những CD ca khúc của tôi ba đều có và cất giữ rất cẩn thận.  Nhưng khi tôi hiểu ra thì đã muộn.

* Vì trước đó, ông bị gia đình phản đối khi theo đuổi con đường âm nhạc?

- Khi 18 tuổi, ba tôi nói “nếu tiếp tục đi học, ra đại học sẽ lập gia đình, được lo đủ thứ, còn nếu muốn theo đàn, làm ơn bước đi”. Lúc đó, tôi nghĩ, làm đàn ông mình phải tự sống được với đôi bàn tay của mình, tại sao lại phải dựa dẫm? Với tôi, đàn là nghệ thuật nên tôi theo đàn, tôi ra khỏi nhà. Tôi nghĩ không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu làm nghề xấu.

* Vậy với gia đình của chính mình, ông đối xử với các con như thế nào?    

- Các con tôi được tự do lựa chọn nghề nghiệp nhưng không hiểu sao, đứa nào cũng tự nguyện theo nghề của ba dù tôi không dạy. Các con tôi đều tự học.

* Ở tuổi này, nếu thời gian có quay trở lại, ông có muốn “sửa chữa” gì lịch sử cuộc đời mình?

- Cả cuộc đời tôi dành nhiều cho gia đình vì gia đình cũng dành cho tôi nhiều tình cảm, thời gian. Tôi may mắn vì có nguời vợ tâm lý, rất hiểu chồng. Liveshow này cũng là món quà con trai dành tặng tôi. Đến tuổi này, ai cũng biết tôi vẫn đi làm được và đi làm vì đam mê. Tôi thấy vậy là đời đẹp quá rồi!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm