27/12/2010 14:38 GMT+7 | Âm nhạc
Đó là đêm nhạc Guitar cho ta sẽ diễn ra vào tối 1/1/2011 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn sẽ tiếp tục “tay bo”... với khán giả (vì không có tài trợ) này gồm phần hòa tấu guitar và phần biểu diễn ca khúc, trong đó có những ca khúc mới sáng tác nằm trong “dự án côn trùng” của “gã nhà quê”.
Tôi sẽ có ca khúc về... bọ hung!
* Tiếp tục “tay bo” với khán giả, phải chăng Lê Minh Sơn muốn “chơi ngông”?
- Tôi tự bỏ tiền tổ chức đêm nhạc để được thỏa niềm đam mê, để những khán giả yêu nhạc Lê Minh Sơn đến với mình. Khán giả sẽ chính là những nhà tài trợ của tôi. Tại sao nghệ sĩ không tự tin kinh doanh thương hiệu của mình mà lại phải trông chờ vào... bầu sữa của người khác cơ chứ?
* Anh rút ra điều gì sau những lần “tay bo” ấy?
- Là có thể sung sướng và kiêu hãnh! Lấy được tiền tài trợ khổ lắm, mà tôi thì đầy tự trọng và kiêu hãnh. “Lãi” lớn nhất là được chơi, được sống trong âm nhạc của mình.
- Chắc chắn đó là âm nhạc. Không thể gọi nó là live show, vì hầu như không có yếu tố trình diễn trong đó. Chương trình gồm hai phần: hòa tấu guitar và ca khúc. Sẽ có 3 bản hòa tấu mới do chính tôi sáng tác: Giọt nước mắt, Mặt trăng to và Hãy uống gió biển khơi một lần. 3 ca sĩ sẽ tham gia đêm nhạc của tôi là Thanh Lam, Tùng Dương và Hà Linh. Tôi cũng sẽ thể hiện ca khúc: Ru cha ngồi mơ.
* Anh có vẻ yêu thích... côn trùng?
- Trong tương lai, tôi sẽ còn có những ca khúc về nhện, ong, bọ hung... Này, đừng hình dung xấu về bọ hung nhé! Hình tượng bọ hung trong ca khúc của tôi sẽ liên quan tới tích truyện Thạch Sanh - Lý Thông chứ nó sẽ không xấu xí như mọi người nghĩ đâu.
Ca khúc mang “kỷ niệm ghê gớm”
* Mỗi lần Lê Minh Sơn làm chương trình là người ta đã gần như “đọc ra vị” chắc chắn là sẽ không thể thiếu Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Linh?
- Nhạc Lê Minh Sơn ít người hát lắm. Còn bản thân tôi, xoay quanh viết bài cho họ cũng đủ mệt rồi. Tôi không hoang tưởng nhạc của mình là đại chúng. Thậm chí, những người không thích nhạc tôi, có khi cho vé họ cũng không lấy.
* Anh vừa nhắc tới “kỷ niệm ghê gớm” với ca khúc Đến bên anh dịu dàng. Nó gợi đến bóng hồng nào vậy?
- Đó là thời kỳ khủng hoảng của guitar những năm 1990 khi tôi đang học trung cấp Nhạc viện. Guitar bế tắc và tôi cũng bế tắc. Tôi đã từng nghĩ sẽ bỏ cuộc, định chuyển sang học Xây dựng. Bỗng người con gái xinh đẹp ấy đã đến bên tôi và nói rằng, anh hãy yêu em đi, việc gì phải nghĩ nhiều nữa... Bây giờ, cô ấy là người phụ nữ hạnh phúc nhất. Cô ấy là vợ tôi.
* Thế còn anh, hiện tại, điều khiến anh hạnh phúc nhất là gì?
- Đó là dậy lúc 5h30 sáng. Tập thể dục rồi đánh thức con dậy dù nó vô cùng quằn quại trong chăn ấm giữa mùa đông. Cho con ăn. Đưa con tới trường. Và chiều thì đón con về. Tắm với con. Tập piano với con trong 30 phút.
Cha, Lê Minh Sơn và con
* Con anh có năng khiếu nghệ thuật?
- Cũng chưa thể nói nó được điều gì, song hiện giờ, 7 tuổi, nó đã chơi được 3 quyển piano của trẻ con và thỉnh thoảng cũng biết “lên cơn” tự sáng tác bằng piano.
* Anh kỳ vọng gì ở con và có mong muốn nó nối nghiệp?
- Tôi không kỳ vọng bất cứ điều gì. Chỉ hy vọng nó là một người đàn ông thực sự. Tôi chỉ muốn sau này con tôi có bơm xe đạp, hay rửa bát..., mà lao động chân tay cũng rất tốt cho sức khỏe, thì vẫn phải biết nghệ thuật. Và với tôi, nếu nó có làm nghề rửa bát thì cũng phải là tổ trưởng tổ rửa bát.
Hiện giờ, tôi cho cu Nồi học trường làng, “chiến đấu” với lớp học có 60 đứa trẻ con. Tôi không đánh giá về thu nhập của những vị phụ huynh cho con học trường quốc tế, nhưng sở dĩ tôi không cho con học trường quốc tế không phải vì tôi không đủ tiền, mà đơn giản vì tôi sợ khi con bước ra khỏi môi trường “quốc tế” ấy, nó sẽ bị hụt hẫng. Tôi muốn con mình phải biết “chiến đấu”, ít ra là như tinh thần của bố nó.
Tôi đánh guitar ở quán bar từ năm 16 tuổi, mua một mảnh đất bằng tiền đánh đàn đó, đi ô tô cũng bằng tiền đánh đàn... Đừng tưởng đi học nước ngoài là văn minh, nếu không có cái nền văn hóa... Và hơn hết, hãy thấm đủ chất Việt đã, trước khi muốn đi tới bất kỳ đâu.
* Anh say sưa nói về con trai, còn ca khúc Ru cha ngồi mơ?
- Tôi đã sáng tác bài Ru mẹ. Và Ru cha ngồi mơ giống như vế còn lại. Đây là bài tôi ấp ủ 10 năm mới viết được. Viết về đàn ông, về cha không hề dễ vì ca từ trong đó không được phép ủy mị, sướt mướt. Biểu cảm cha với con, hay con với cha khác tình cảm với mẹ. Tôi viết về cha không phải là “nằm mơ” mà là “ngồi mơ” - một trạng thái mà có thể một lúc nào đó, cha hay bất kỳ người đàn ông nào sẽ rơi vào. Song rất may, hiện giờ, cha tôi vẫn rất khỏe mạnh, có khi còn khỏe hơn cả tôi ấy chứ.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất