21/03/2022 14:13 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/3/2022, nhạc sĩ Hồng Đăng - một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã ra đi mà không đợi mùa hoa sữa về. Ông đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ, để lại cho những người yêu nhạc Việt Nam một khoảng trống khó thể lấp đầy.
Hồng Đăng - người nhạc sĩ tài hoa
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh ngày 1/1/1936, trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Từ nhỏ những câu hát ví dặm, dân ca đã nuôi dưỡng tâm hồn Hồng Đăng, giúp ông cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng nhạc điệu, bằng những câu chữ có vần. Hồng Đăng sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Từ nhỏ ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh và được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích.
Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao… Và họ đã trở thành thế hệ "vàng" đặt những viên gạch đầu tiên, cùng các bậc đàn anh, xây dựng nền âm nhạc Việt Nam.
Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hồng Đăng là giảng viên của trường Âm nhạc Việt Nam. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như các nhạc sĩ Thuận Yến, Nguyễn Cường, Tôn Thất Lập, Trần Tiến... và đây cũng là thời kỳ ông viết được nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc cho sáng tác và lý luận của Nhạc viện. Từ năm 1989, ông làm Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam suốt 17 năm qua 3 nhiệm kỳ, bên cạnh đó, ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (1989-1996).
Trong chặng đường sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...
Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc cho rất nhiều bộ phim, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như “Hoa sữa” (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), “Lênh đênh” (phim Đời hát rong), “Biển hát chiều nay” (nhiều phim về đề tài biển), “Nỗi nhớ đêm đại dương” (phim Những hạt muối của biển), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (phim Những ngôi sao nhỏ), “Không gian xanh” (phim Vùng trời)... Cũng chính bởi “có duyên” với nhạc phim như vậy, nên ông còn lập một kỷ lục thú vị khác, đó là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam!
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng chia sẻ: "Nhạc phim là một trong những lĩnh vực luyện bút khó nhất của một nhạc sĩ vì ngoài cảm hứng sáng tác, ca khúc còn đòi hỏi phụ thuộc vào kịch bản, ăn nhập với tiết tấu, thời gian của mỗi trường đoạn, đòi hỏi sự dung hòa giữa hai thái cực trái ngược nhau, đó là sự ngẫu hứng cảm xúc với sự tính toán một cách chi li, khuôn mẫu".
Âm nhạc của Hồng Đăng tinh tế, sâu sắc với giai điệu ngọt ngào và ca từ trong sáng, giàu chất thơ. Ông cho biết, mỗi ca khúc ông viết đều là những trải nghiệm với cuộc đời. Với nhạc sĩ Hồng Đăng, thiết tha với cuộc sống là cách sống nghiêm túc, cách sống này thể hiện ngay trong các sáng tác của ông.
Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001 về văn học nghệ thuật cho 4 ca khúc "Biển hát chiều nay," "Hoa sữa" "Quà tháng Năm," "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" và hợp xướng "Lửa rực cháy.''
Nhạc sĩ Hồng Đăng còn là người có công trong việc khởi xướng “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam” và chính ông cũng được vinh danh trong chương trình “Con đường âm nhạc” mang tên "24hình/giây," diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội ngày 12/8/2007 và phát sóng trực tiếp trên VTV3.
Năm 2021, vì những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, ông đã được vinh tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng do Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam đề xướng và tổ chức).
Người “định vị” hoa sữa cho Hà Nội
Tuy quê gốc Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó cả cuộc đời, từ lúc tuổi trẻ cho tới khi về già ở Hà Nội. Và vì sinh ra trong một gia đình trí thức, theo Tây học, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Pháp nên ông càng gần gũi với "chất" Hà Nội lịch lãm, sang trọng. Ai được tiếp xúc với ông ngoài đời cũng như nghe nhiều ca khúc của ông đều dễ hiểu vì sao nhiều người nhầm ông là người Hà Nội gốc. Và càng không bất ngờ khi nhạc sỹ được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm” (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu. Cũng là sông Hồng, bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, lại là một ca khúc mảnh mai xinh xắn Người sông Hồng: "Tôi yêu con sông, yêu từ thưở nhỏ, sông dài uốn mình, vắt ngang thành phố, những chiều tháng năm, con sông nắng chói... Người của sông Hồng dù đi đến đâu vẫn nhớ nhịp cầu Thăng Long yêu dấu...".
Hồng Đăng còn ý nhị giải thích cho quá trình Hà Nội hóa của người bốn phương bằng ca khúc “Duyên Hà Nội”: "Dù từ xa về, hay ở quanh đây, một sớm một chiều, em đã thành người Hà Nội. Những bước đầu tiên, ngập ngừng bối rối".
Ông đã sống gắn bó cùng thành phố cả những năm tháng Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ca khúc “Tiếng hát trên pháo đài thành phố” được viết ra từ những tháng ngày khói lửa ấy: "Những bước đường hôm nay dù còn bao nhiêu gian khó/ Những khúc tình ca như vẫn còn ngân trên mỗi góc phố/ Hoa phượng vẫn nở đỏ trên những con đường quen/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào ấm áp mỗi đêm đêm…”
Trong số tác phẩm ông viết riêng cho Thủ đô, đáng chú ý là 4 ca khúc viết về 4 mùa ở Hà Nội đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của người yêu nhạc: “Hoa sữa” là về mùa thu; “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” viết về khí thế thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong mùa hè rực lửa năm 1972; “Mưa bụi” là cảm xúc về chợ hoa xuân, còn “Ký ức đêm” như nét chấm phá mùa đông Hà Nội.
Thời gian đã trôi đi không thể trở lại, ký ức đã trôi vào dĩ vãng, tác giả chỉ biết “Đâu đó rất xa rất xa/ Tiếng anh gọi không thể nào vọng tới/ Có ai hát nghe xa vời vợi/ Có một thời hình như ta đã thương nhau rồi đấy thôi…”. Với “Mưa bụi”, ông lại đặc tả hình ảnh đậm chất Hà Nội với những chợ hoa đặc trưng mà ở đó khi tiết xuân sang có những thiếu nữ trong bộ áo dài thướt tha duyên dáng dạo phố...
Còn “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi ông chứng kiến sinh viên Thủ đô lên đường ra trận. Trong cái hào khí hừng hực cùng khung cảnh mùa hè với tiếng ve râm ran khắp phố, trong ông dâng trào cảm xúc và cứ thế “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè...” ra đời.
Đặc biệt, bài hát “Hoa sữa” được Hồng Đăng viết trong “nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ” nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau "Điện Biên Phủ trên không" đã lay động trái tim triệu người dân nước Việt. “Hoa sữa” đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ. Nhiều ca sĩ cũng đánh dấu tên tuổi với "Hoa sữa" như Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… Từ ca khúc này, hoa sữa cũng đã trở thành đặc trưng của Hà Nội mỗi dịp mùa thu về và Hồng Đăng được biết đến là nhạc sĩ "Hoa sữa"...
Giới nghệ thuật cho rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng là người có công đầu trong việc tôn vinh hoa sữa. Sở dĩ nói Hồng Đăng là người "định vị" loài hoa sữa cho Hà Nội bởi trước ông, cây hoa sữa đã tồn tại như muôn vàn loài cây khác nhưng chưa ai đưa nó vào nhạc, lại càng chưa có ai gắn hoa sữa với đất rồng bay.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã đặt vào lòng người nét nhạc lãng đãng, những câu chữ thấm đẫm yêu thương, giống như bàn tay ấm nóng của người tình đặt lên ngực ta một chiều se lạnh cuối thu. Biết bao lứa đôi đã mượn câu hát của ông để nói thay lời tình tự, những nỗi đau chia ly đã vịn vào câu hát ấy để tìm về một thời hạnh phúc.
Có thể người hát, người nghe không nhớ tên ông, nhưng câu hát ấy không bao giờ mờ phai, đã thành tiếng hát từ trái tim của mỗi người. Đó là niềm hạnh phúc là phần thưởng vô giá cho người sáng tác.
Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, "chỉ nói đến hai ca khúc Hoa sữa và Thành phố tuổi thơ, đều là hoài niệm nhưng mỗi ca khúc lại được thể hiện một cách khác nhau. Thành phố tuổi thơ trẻ trung tình cảm, còn Hoa sữa thì xúc động, man mác buồn nhưng cũng mang đến cho chúng ta tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thành phố Hà Nội. Chỉ với 2 ca khúc là ta đã có thể thấy cả con người Hồng Đăng ở trong đó".
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã ra đi, nhưng những ca khúc tinh tế, sâu sắc với giai điệu ngọt ngào và ca từ trong sáng, giàu chất thơ sẽ luôn ở lại trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam.
Diệp Ninh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất