Bao giờ Xuân mới sẽ đến với nhạc Việt?

08/02/2010 11:06 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Cách đây 5 năm khi Bài hát Việt (BHV) mới trình làng, BTC kỳ vọng sẽ tìm được những bài hát mang tính nghệ thuật, đồng thời sẽ đến được với đông đảo công chúng. Nhiều người cho rằng BHV sẽ là nguồn cung cấp “thực phẩm” cho thị trường âm nhạc nhằm thay thế những bài hát “nhố nhăng” kém chất lượng.

5 năm trôi qua, BHV đã có hàng trăm bài hát lọt vào các live show hằng tháng - những ca khúc được hội đồng thẩm định cho rằng đã “nói không” với âm nhạc “thị trường”. Nguồn “thực phẩm” có chất lượng khá nhiều, nhưng phần lớn khán giả vẫn tiếp tục thưởng thức những ca khúc như trước đây họ đã từng thưởng thức. Phải chăng là một nghịch lý?

Nhìn từ góc độ BHV và từ thực tiễn của thị trường âm nhạc, bao giờ một mùa Xuân mới sẽ đến với nhạc Việt?


Bài hát Việt - chương trình đã cung cấp nguồn “thực phẩm” cho thị trường âm nhạc...
Thị trường đã “phân khúc”

Có thể nói hiện nay có khá nhiều xu hướng nghe nhạc của công chúng: nghe những bài hát trữ tình có ca từ thâm thúy, giai điệu có chiều sâu cảm xúc như các bài hát của Văn Cao, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong... Một số công chúng khác thì nghe những tình khúc “trẻ” như nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An...

Công chúng tuổi “teen” thì nghe nhạc giải trí với giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, có thể là giai điệu sáo mòn nhưng ca từ phù hợp với tâm trạng của lứa tuổi này, và điều khá quan trọng là ca sĩ tuổi “teen” phải xinh trai hoặc xinh gái (Quang Vinh, Wanbi Tuấn Anh, Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh, Đông Nhi... đã nói lên điều đó). Tuổi “teen” yêu thích một bài hát chưa hẳn vì nó có giai điệu và ca từ có giá trị như suy nghĩ của 2 đối tượng nêu trên, mà có khi chỉ đơn giản là vì họ yêu thích thần tượng của mình đã trình bày ca khúc đó.

Một bộ phận công chúng khá đông đảo hiện nay là thích nghe những bản nhạc bình dân - các bản nhạc được mệnh danh là “nhạc sến”. Các loại nhạc của các đối tượng công chúng nói trên thật khó rạch ròi để phân chúng vào một “thể loại” nào của ca khúc. Còn lại một bộ phận đông đảo khác chiếm một tỷ lệ khá lớn của thị trường âm nhạc thì chia đều cho nhiều ca sĩ được hình thành một phần bởi các fan club (trong đó có các fan club của các ban nhạc rock). Ngoài ra, còn một đối tượng công chúng của những ca khúc mang âm hưởng dân ca và một bộ phận công chúng khác, là thích nghe những bản nhạc “mới mẻ” về ngôn ngữ, cấu trúc âm nhạc (đối tượng này thì phù hợp với những ca khúc BHV).

Nhìn toàn diện bức tranh công chúng của thị trường âm nhạc Việt Nam, chúng rất “bát nháo”: không phân theo thể loại nhạc như rock, jazz, R&B, pop... cũng chưa hẳn theo lứa tuổi... Ổn định thị trường âm nhạc này theo góc nhìn của những người làm nghệ thuật đôi lúc chỉ đúng một phần. Thị trường đã “phân khúc”, ai có phần người đó và chẳng ai có thể thống lĩnh toàn bộ thị trường âm nhạc như đã nêu trên. Phải chăng đó là lý do mà các ca khúc BHV tuy đã qua bộ lọc của một hội đồng thẩm định nghệ thuật uy tín cũng chưa thể “bành trướng” trên thị trường âm nhạc trong thời gian qua?

Trở lại những gì đã khám phá từ… giữa thế kỷ 20

Từ đặc điểm của thị trường như đã nêu trên, nhìn trên bình diện chung, ca khúc đại chúng Việt đang có dấu hiệu chững lại (nếu không nói là thụt lùi), bởi công chúng của dòng nhạc “khai phá”, thưởng thức những ca khúc mới mẻ thể hiện sự phát triển của ca khúc đại chúng Việt là khá ít ỏi.

Thị trường với “cầu” ít, ắt nguồn “cung” cũng sẽ ít, vì đó là quy luật và loại nhạc mang tính “nghệ thuật” không sống được với thị trường nên ít nhạc sĩ, ca sĩ dấn thân cũng là điều dễ hiểu. Lớp nhạc sĩ, ca sĩ trẻ mọc như nấm sau mưa để phục vụ cho thị trường như đã nói trên đã tạo thành một bức tranh mờ mịt cho nhạc đại chúng Việt. Những bản nhạc “sến” cách đây nửa thế kỷ được làm live show hoành tráng, được nhiều ca sĩ phát hành album, những bản nhạc “teen” nhạt nhẽo, đôi lúc với ca từ mà nhiều người cho là ngớ ngẩn... chúng chỉ có ý nghĩa phục vụ cho nhu cầu của xã hội, nhưng đứng ở khía cạnh của người hành nghề âm nhạc, phấn đấu cho sự phát triển của ca khúc Việt thì thật đáng buồn. Thị trường âm nhạc đang nhộn nhịp với những chuyến tàu tấp nập, nhưng không phải để tiến vào thế giới kỳ ảo phía trước mà trở lại những gì đã khám phá giữa thế kỷ 20!

Ca khúc BHV chưa thể đổi thay bộ mặt của thị trường âm nhạc không phải vì những ca khúc này chưa đủ sức, mà bởi nó chỉ thay đổi được bộ phận công chúng thuộc đối tượng của nó - một phần nhỏ của thị trường âm nhạc. Nói cách khác BHV có lẽ không thể thay đổi được thị trường âm nhạc như hiện nay mà chính thị trường mới là yếu tố quyết định. Chừng nào đối tượng của ca khúc BHV chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thị trường, nó mới chi phối được thị trường này.

Quan trọng vẫn là “đào tạo công chúng âm nhạc”

Việc thay đổi tỷ lệ công chúng của các nhóm đối tượng cũng đồng nghĩa với việc hình thành một trật tự phân khúc mới. Một phân khúc thị trường mà công chúng nhạc “sến”, nhạc trữ tình, nhạc “ba lăng nhăng”... vơi đi để đông đảo công chúng hướng đến những ca khúc có chất lượng nghệ thuật mới mẻ, thể hiện cho sự tiến bộ của ca khúc đại chúng Việt là cả một quá trình “đào tạo công chúng âm nhạc” lâu dài. Điều này có liên quan mật thiết đến những chương trình phổ cập âm nhạc đại trà trong xã hội, nhất là chương trình giảng dạy âm nhạc cho học sinh ở các cấp tiểu học,THCS và THPT.

Nhưng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không dạy cho học sinh cách thưởng thức, cảm thụ một tác phẩm âm nhạc mà chỉ dạy những kiến thức nhạc lý thu hẹp và dạy hát. Vì vậy, bên cạnh những chương trình như BHV, việc đào tạo công chúng âm nhạc có lẽ là việc quan trọng hàng đầu, nếu chúng ta muốn thị trường âm nhạc phát triển theo hướng tích cực. Có thể nhiều người biết rằng thịt bò thuộc loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng nhưng họ vẫn thích ăn mắm tôm vì món này phù hợp với khẩu vị của họ.

Phải có kế hoạch để bắt tay vào việc đào tạo những thế hệ công chúng mới, có “khẩu vị” mới, có như thế cùng với tác động của những chương trình như BHV, hy vọng một mùa Xuân mới sẽ đến với nhạc Việt...

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm