Nhạc kịch Việt Nam - Ước mơ vươn tới một ngôi sao: Nhộn nhịp và… quắt quay

22/01/2017 07:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục xuất hiện những dự án nhạc kịch có quy mô và sự bài bản. Chưa thể đong đếm hiệu quả của những dự án này nhưng trước hết, chúng đã có tác động rất tích cực đến đời sống văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam, một đất nước mà hình thức biểu diễn như nhạc kịch vẫn còn rất xa lạ với đông đảo công chúng.

Năm 2013, ở TP.HCM, Buffalo, một nhóm gồm những người trẻ tuổi trưởng thành từ trường Sân khấu – Điện ảnh đã khởi tạo con đường gắn họ với nhạc kịch bằng vở diễn tốt nghiệp: Chicago. Vở diễn đã giúp cả nhóm được hội đồng chấm thi dành cho số điểm tuyệt đối. Họ quyết định mua bản quyền, Việt hoá vở diễn nổi tiếng này và công diễn cho khán giả thành phố.

Thế rồi, sân khấu 5B Võ Văn Tần trở thành đại bản doanh của họ và là địa chỉ để những ai tò mò về nhạc kịch Broadway tìm đến vào những ngày cuối tuần. Những vở diễn khác tiếp tục ra đời.

Nhộn nhịp ra đời

Cũng năm 2013, ở Hà Nội, một cá nhân, một chàng trai 21 tuổi cũng khiến cho những người quan tâm đến nghệ thuật ngạc nhiên với liên tiếp 2 vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối Góc phố danh vọng.

Đó là Nguyễn Phi Phi Anh, một sinh viên chuyên ngành sân khấu điện ảnh về từ trường đại học Hampshire (Mỹ). 2 vở diễn anh thực hiện trong kỳ nghỉ hè này đã đưa Phi Anh vào danh sách 30 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Thế nhưng, đây không phải lần đầu Phi Anh làm việc đó. Anh thực hiện vở diễn đầu tiên của mình vào năm 2012, với phiên bản đầu tiên của Góc phố danh vọng.


Vở nhạc kịch "La vie Parisienne" (Cuộc sống Paris) sau lần đầu công diễn sẽ còn tiếp tục được sáng đèn vào những dịp biểu diễn định kỳ của HBSO (Ảnh: Hữu Thuận)

Và năm 2016, khi Nguyễn Phi Phi Anh tiếp tục bùng nổ với một dự án bài bản, có chiến lược mạnh mẽ với cái tên Hope, gồm 35 buổi diễn với vở nhạc kịch Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuốiMộng ước không xa vời thì ở TP.HCM, nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương cũng gây xôn xao khi được đầu tư tới nửa triệu USD và công diễn 5 đêm tại nhà hát Hoà Bình 3.600 chỗ ngồi.

Mới nhất, HBSO – Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cũng làm khán giả sửng sốt, trầm trồ khi trình diễn 2 đêm vở nhạc kịch La vie Parisienne - Cuộc sống Paris nổi tiếng, thuộc dòng operetta (opera nhẹ, có nội dung dễ hiểu với âm nhạc không quá nặng nề - thể loại tiền thân của musical với các trường phái lớn là Broadway và West End).

Những chiếc áo vừa vặn

Trừ Chuyện tình nàng Giáng Hương, một vở nhạc kịch còn mang tính “nghiệp dư” và là một cuộc chơi đúng nghĩa, những vở diễn còn lại đều cho thấy những người làm ra nó thật lòng nghiêm túc tấn công vào thành trì của nhạc kịch – bộ môn nghệ thuật còn xa lạ với số đông người Việt Nam.

Nguyễn Phi Phi Anh nhận được số tiền tài trợ lên đến 6 tỷ đồng cho dự án Hope từ một tập đoàn bất động sản thuộc hàng mạnh về tiền nhất ở Việt Nam. 35 đêm diễn ở khán phòng chỉ 285 chỗ ngồi L’Espace để hướng đến việc tiếp cận 10 ngàn khán giả, những vở nhạc kịch nằm trong dự án này có giá vé chỉ từ 199 - 400 ngàn đồng. Một số tiền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nếu so với tiền đầu tư cho các vở diễn khi xuất hiện ở đây tới gần 100 con người.

Phong cách của những vở diễn thuộc Hope đậm đặc Broadway. Từ kịch bản đến diễn xuất và âm nhạc. Một dàn nhạc gồm phần lớn là học sinh của Học viện Âm nhạc quốc gia chơi live ở tất cả các buổi diễn.

Các diễn viên được lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau, có những người không đến từ các trường đào tạo về diễn xuất lẫn thanh nhạc, nhưng họ đã cùng nhau tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, sôi nổi cho sân khấu L’Espace vào những đêm các vở diễn sáng đèn.

Buffalo không may mắn như Nguyễn Phi Phi Anh, họ hoàn toàn sống bằng bán vé tay bo. Có thể nói nhạc kịch của Buffalo là nhạc kịch của nhà nghèo.

Mỗi đêm diễn, tính chi li, Buffalo bỏ vào đó số tiền đầu tư khoảng 60 triệu đồng, bao gồm từ tiền thuê nhà hát (vốn cũng rất sập sệ với những thiết bị âm thanh, ánh sáng nghèo nàn, lạc hậu) đến tiền cát-sê của diễn viên. Đó là chưa kể công sáng tác (kịch bản và ca khúc), dàn dựng, làm nhạc, thu âm cho mỗi vở diễn (bởi họ không đủ lực để có một dàn nhạc chơi live). Cũng vì thế mà sản phẩm của Buffalo, vì thế chưa đến gần được chuẩn mực của nhạc kịch.

TP.HCM lần đầu dựng nhạc kịch nổi tiếng 'Cuộc sống Paris'

TP.HCM lần đầu dựng nhạc kịch nổi tiếng 'Cuộc sống Paris'

Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) đang gấp rút hoàn thành nhạc kịch La Vie Parisienne (Cuộc sống Paris) của nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp Jacques Offenbach để kịp biểu diễn vào 19 và 20/11/2016.


Chỉn chu, bài bản nhất có lẽ là La vie Parisienne của HBSO mới diễn 2 đêm 19&20/11 tại Nhà hát TP.HCM. Vở diễn này quy tụ cả dàn nhạc giao hưởng của HBSO, được chỉ huy bởi nhạc trưởng đến từ Pháp Patrick Souillot, một dàn hợp xướng hùng hậu với những giọng ca được đào tạo bài bản về thanh nhạc, một dàn diễn viên chính toàn những cá nhân được đánh giá tốt trong làng nhạc hàn lâm cổ điển và họ có một địa điểm biểu diễn lý tưởng nhất cho nhạc kịch – một nhà hát thật sự.

Tất cả những “chất liệu” đó được sử dụng và tận dụng triệt để bởi đội ngũ sáng tạo, dàn dựng trong đó đạo diễn sân khấu là người mới chỉ đụng tay vào nhạc kịch qua các trích đoạn nhỏ được dàn dựng để biểu diễn ở quán cà phê: Tây Phong. Vở diễn được lựa chọn một phong cách gần gũi với nhạc kịch Broadway nhất, như một bước đệm để trong tương lai đưa đến cho khán giả những sản phẩm có tính giải trí cao hơn, dễ cảm hơn.

Và những thứ còn quá tầm tay

Cảnh trí là hạn chế dễ thấy nhất. Nếu đã từng tiếp cận với những vở nhạc kịch dù chỉ ở những nước lân cận thuộc vùng Đông Nam Á như Singapore hay Philippines, khán giả sẽ thấy cảnh trí trong nhạc kịch Việt Nam là thứ phải chắt bóp nhất. Trong khi đó, cảnh trí là một hạng mục đặc biệt quan trọng trong nhạc kịch và nó được đề cao tính chân thật nhất trên các sân khấu nhạc kịch.

Chẳng hạn, người ta dựng hẳn cảnh sân bay như thật, phòng khách sạn với giường thật, bàn ghế thật… trong vở La vie Parisienne được trình diễn ở các nước châu Âu thì Cuộc sống Paris của HBSO chỉ có thể sử dụng cảnh trí hết sức “ước lệ”. 10 toa tàu vận hành bằng bánh xe được đẩy bằng diễn viên lúc lại trở thành cửa ra vào của phòng khách sạn, của cả ngôi nhà hoặc trở thành bục trưng bày tượng trong nhà triển lãm… ; những chiếc bục lúc trở thành ghế, lúc thành bàn, lúc lại được xếp thành cầu thang… Rất đơn sơ và nó đòi hỏi sự tưởng tượng ở khán giả.

Còn nhạc kịch nhà nghèo của Buffalo thì khỏi nói. Bục bệ còn sơ sài hơn do sân khấu mà họ sử dụng chật chội và đã rất cũ kỹ.

Hạn chế này có lẽ còn rất lâu mới có thể khắc phục bởi đời sống của các vở nhạc kịch ở Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào các địa điểm biểu diễn – nhà hát. Việt Nam chẳng có nhà hát nào riêng cho nhạc kịch. Tất cả các nhà hát đều “đa chức năng”, dùng để biểu diễn từ nhạc cổ điển cho đến… sự kiện hội nghị khách hàng.

Một nơi phù hợp nhất với nhạc kịch là Nhà hát TP.HCM liên tục diễn ra đủ kiểu show và đạo cụ, vì thế phải đưa ra ngoài ngay sau khi show kết thúc. Với vở Cuộc sống Paris, dàn nhạc phải ngồi tràn xuống sát hàng ghế đầu tiên của khán giả.

Vì thế nguyên hàng ghế đầu là không thể bán vé. Nếu ngồi từ hàng ghế thứ hai, đập vào mắt khán giả trước hết là nhạc cụ và nhạc công, sau đó mới đến các diễn biến trên sân khấu. Còn nếu ngồi ở những hàng ghế sau, khán giả sẽ bị gián đoạn tầm mắt bởi… nhạc trưởng khi ông phải đứng ngay giữa lối đi ở khoảng 3 hàng ghế đầu để chỉ huy dàn nhạc.

Ngay cả sân khấu 5B, khi được Buffalo thuê lâu dài chỉ để trình diễn nhạc kịch, cũng không đủ không gian cho cảnh trí bởi nó quá chật chội.

Hạn chế nữa là nguồn diễn viên. Diễn viên nhạc kịch thường phải có cả 3 kỹ năng: hát, nhảy múa và diễn xuất thì ở Việt Nam, số lượng diễn viên đáp ứng được điều này quá hiếm. Bởi chúng ta không có ngành đào tạo diễn viên cho nhạc kịch ở tất cả các trường nghệ thuật.

Thông thường thì diễn viên giỏi diễn xuất sẽ không biết hát, diễn viên hát tốt, học thanh nhạc thì diễn xuất khá hạn chế, hạn chế nhất là lúc họ vừa phải hát vừa phải diễn xuất trong những màn đối thoại bằng ca khúc. Và nhảy múa là thứ mà cả hai loại diễn viên trên đều yếu. Còn diễn viên múa thì thường không có cả hai kỹ năng diễn xuất lẫn hát!

Đội ngũ diễn viên của dự án Hope được tuyển chọn từ những người bình thường, cũng như đãi cát tìm vàng. Tuy cũng có vàng nhưng “tuổi” của vàng vẫn chưa thật sự đạt đến ngưỡng cần thiết. 2 diễn viên chính của vở Góc phố danh vọng đều không thể hát và đạo diễn phải sử dụng cách mời ca sĩ hát thay…

Còn tiếp

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm