18/02/2018 08:12 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh các sản phẩm gắn liền với phong cách, thể loại phổ biến được công chúng đón nhận, Indie là một điểm nhấn có “sức nặng” nhất định đối với thị trường âm nhạc Việt Nam trong năm 2017 vừa qua.
Indie “hồi sinh”...
Thị trường âm nhạc Việt Nam trong một vài năm trở lại đây trở nên vô cùng đa dạng. Bên cạnh việc nỗ lực bằng cách cho ra đời các sản phẩm hay, chất lượng... để được công chúng “để mắt” đến, sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến showbiz không kém phần hỗn loạn.
Những cách “hạ bệ” nhau không lành mạnh, đề cao cái tôi bản thân gắn với lợi ích cá nhân, nhiều bản nhạc làm ra bởi sự thiếu trung thực hoặc đi theo lối tắt (đạo nhạc, mua beat)... trong khi công chúng ngày một văn minh, biết chắt lọc đã đem đến không ít xung đột.
Thời đại công nghệ ngày một phát triển đã đưa khán thính giả đến gần hơn với thế giới âm nhạc toàn cầu. Không chỉ những ca khúc, bản nhạc mới mẻ mà họ còn tha hồ “quay ngược thời gian” để thưởng thức những gì được xem là tinh hoa.
Theo đó, ngoài các dòng nhạc phổ biến, nhiều tác phẩm, thể loại, phong cách âm nhạc ngay cả khi gần như đã bị quên lãng lâu năm hoặc ít ai còn nhớ được “đánh thức” bởi chính người yêu nhạc. Indie “hồi sinh”, có khoảng thời gian huy hoàng và cũng trở thành trào lưu lớn mạnh trong làng nhạc Việt phần nào cũng nhờ như thế.
Indie không phải dòng nhạc được “chỉ mặt đặt tên” như Pop, Rock hay EDM mà nó là tên gọi chung một xu hướng âm nhạc được làm nên bởi những tài năng độc lập như tên gọi gốc của nó Independent.
Những người theo xu hướng này vì thế đã mang đến một luồng gió mới cho thị trường âm nhạc vốn quanh đi quẩn lại với các thể lại quen thuộc, các beat nhạc, ca khúc với tiết tấu, giai điệu, màu sắc không nhiều đột phá. Họ mang đến thứ âm nhạc đa dạng, phóng khoáng và bởi không có sự “chống lưng” hay can thiệp, tác động bắt buộc từ các hoạt động, chiến lược, quy trình sản xuất, truyền thông... nên áp lực của những nghệ sĩ Indie chỉ đơn giản là làm sao có tác phẩm hay nhất, gần gũi nhất với công chúng.
Ngoài ra, họ cũng không bị phụ thuộc vào các cuộc chạy đua trên thị trường, như những người “ngoài rìa” showbiz nên âm nhạc hay bản thân nghệ sĩ Indie hoàn toàn có không gian riêng để phát huy. Nói một cách khác, âm nhạc của Indie không nhuốm mùi đồng tiền hay tính khốc liệt.
Nở rộ với Gió mùa, Lê Cát Trọng Lý...
Indie ở Việt Nam, dù không làm hình ảnh theo hướng đi của những nghệ sĩ giải trí, đại chúng nhưng những cái tên như Ngọt Band, DA LAB, Vũ... đều trở thành hiện tượng và được nhiều khán giả yêu thích. Rất nhiều chương trình được tổ chức và cháy vé là minh chứng cho sự trỗi dậy đầy huy hoàng của Indie bởi nó phản ánh chân thực nhất sự ghi nhận mà khán giả dành cho Indie.
Trào lưu này cùng sự lan toả mạnh mẽ của nó có lẽ là lí do để nhạc sĩ Quốc Trung lựa chọn làm chủ đề chính cho Lễ hội âm nhạc Gió Mùa (Monsoon Festival) 2017 vừa qua.
Không chỉ tự làm nhạc, họ còn tự tổ chức buổi diễn, làm album và bán các sáng tác cho những ca sĩ muốn tìm đến một màu sắc mới. Nhưng, sự phân định rạch ròi để có thể coi Indie là một “dòng” riêng biệt vẫn còn khá nhiều mâu thuẫn. Bởi người ta cho rằng, khi một ca khúc Indie được mua lại, làm mới bởi các nghệ sĩ đại chúng, mất đi chất Indie nguyên thuỷ thì nó không còn là một ca khúc Indie nữa. Và một nghệ sĩ đại chúng vẫn có thể được xem là một nghệ sĩ Indie nếu họ tuân theo “quy định” của Indie đối với một số tác phẩm. Nghĩa là tự sáng tác, tự hát nhưng không làm hình ảnh hay quảng bá như các sản phẩm gắn với công nghệ PR.
Một trong các nghệ sĩ điển hình, có “sức nặng” ở Việt Nam được xem vừa là nghệ sĩ đại chúng vừa là nghệ sĩ Indie không ai khác Lê Cát Trọng Lý.
Âm nhạc của Lý vừa dung dị, vừa gần gũi, mộc mạc, vừa thể hiện được cá tính riêng nhưng sức lan toả lại vô cùng lớn. Phần lớn các sáng tác và buổi diễn mà Lý thực hiện đều cho thấy cô theo đuổi xu hướng Indie một cách rõ rệt.
Có thể nói, 2017 là một năm khởi sắc của âm nhạc Việt Nam khi nhiều hoạt động, sản phẩm mà đa số nghệ sĩ cho ra mắt liên tiếp nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Riêng về Indie, không chỉ được biết đến mà những nghệ sĩ cũng như phần lớn sáng tác theo xu hướng này đều được yêu thích.
Âm nhạc của những kẻ tự do
Không dễ để khán giả định hình Indie thuộc underground hay mainstream bởi nó mang “dáng dấp” của cả hai “hình hài” này. Thế nhưng, với những gì mà Indie mang lại, việc phân định dường như không quá quan trọng.
Dễ dàng đón nhận nhất từ Indie đó là cảm giác khoáng đạt, tự do bằng chất liệu, ca từ gần gũi với đời sống vì thế ngoài giá trị giải trí, xu hướng âm nhạc này có thể được xem là “bạn đồng hành” thân thuộc về mặt tinh thần.
Việc được đón nhận tích cực cũng là cơ hội để các tài năng âm nhạc mang phong cách, cá tính riêng thỏa sức sáng tạo, “vẫy vùng” càng làm cho bức tranh âm nhạc có nhiều nét chấm phá. Rất có thể, ở một chặng đường nào đó tiếp theo, Indie sẽ lui lại để các phong cách âm nhạc khác trở thành trào lưu mới nhưng nói riêng ở Việt Nam, không thể phủ nhận sự thịnh hành, lan toả của nó trong đời sống âm nhạc trong thời gian qua.
Vài nét về Indie Indie được bắt nguồn bằng từ tiếng Anh nguyên gốc Independent (độc lập). Đúng như tên gọi và ý nghĩa của nó, xu hướng này bao gồm các thể loại âm nhạc khác nhau (indie rock, indie pop…) được sản xuất bởi những người làm nhạc tự do, không bị phụ thuộc hay chịu sự áp đặt của bất cứ công ty, hãng đĩa nào. Indie được ra đời từ những năm 80, 90 và một số nghệ sĩ, ca khúc phải kể đến là: Ruby Cube (Precious stone), Glassio (Daydream), Jr Jr (Gone)… |
Minh Thư
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất