Nhà Việt Nam học người Nga và 22 câu chuyện về Tết Việt

09/02/2017 09:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà Việt Nam học Daria Mishukova dự kiến viết 22 bài về Tết Việt cho tạp chí uy tín Business & Leisure bằng tiếng Nga, đến nay đã đăng tải 18 bài. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đánh giá cao nội dung các bài viết này, nên đã chia sẻ trên trang Facebook chính thức của họ.

1. Trên Business & Leisure, tất cả các bài viết của Daria Mishukova đều bắt đầu bằng cụm từ Việt Nam, sau đó là các khái niệm, thuộc tính tốt đẹp của Tết Việt. Đó có thể là tết Nguyên đán, là số ngày nghỉ, việc về quê, hoa mai vàng, hoa đào hồng, hoa cúc, bánh chưng, lì xì, xuất hành, tặng quà, mừng thọ, xem tử vi, các tục lệ…

Có những bài đi sâu vào một khía cạnh như triết lý của bánh chưng, các tục lễ ngày Tết, có nên gộp Tết ta vào Tết Tây, người Việt thật sự ăn Tết bao nhiêu ngày, Tết của người trẻ và Tết của người lớn tuổi… Nói chung, đây là một trong số ít góc nhìn thú vị về Tết Việt, nếu xét ở khía cạnh cá nhân của các nhà Việt Nam học, viết 22 bài đã thuộc diện kỷ lục.


Nhà Việt Nam học Daria Mishukova

Khi viết về các phong tục và văn hóa, Daria thường xét cả hai khía cạnh, trước đây thế nào, bây giờ ra sao, ưu nhược có không. Thế nhưng, vì hướng đến độc giả chủ yếu là người Nga, nên không đi sâu vào sự tranh luận, phản biện, mà chủ yếu là cảm nhận, miêu tả và chia sẻ sự thú vị của Tết Việt để thu hút họ.

2. Trước những tranh luận gần đây về việc có nên gộp Tết Việt vào Tết Tây không? Daria Mishukova chia sẻ riêng với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Dù người Việt nghỉ Tết một tuần với đầy đủ tục lễ, hoặc nghỉ chỉ một ngày để cúng tổ tiên, đón Giao thừa và buổi sáng hôm sau ra cơ quan làm việc, thì Tết Việt vẫn là Tết Việt”.


Bìa cuốn sách "Việt Nam: Đất nước con rồng cháu tiên"

“Nhìn ra quy mô rộng hơn, việc gộp Tết Việt ngày nay (nếu có xảy ra), thì cũng tương tự như việc bỏ chữ Hán chữ Nôm để dùng chữ ABC, mà sau này gọi là chữ quốc ngữ. Nhiều thế kỷ trước đó Việt Nam đã có chữ viết được xem là truyền thống lâu đời, vững bền. Bao nhiêu kinh sách, lịch sử, văn chương, thư tịch, triết lý… đã được ghi bằng chữ Hán, chữ Hán Việt, chữ Nôm. Nhu cầu thời đại và tiến bộ xã hội đã đưa Việt Nam đứng trước chọn lựa (mà lúc đó là cú sốc lớn về văn hóa) bỏ chữ viết truyền thống để dùng chữ ABC do người phương Tây sáng tạo và áp đặt”.

“Rõ ràng, đã có ý chí về chính trị, xã hội và văn hóa xảy ra, nên khoảng 150 năm qua người Việt mới dùng chữ quốc ngữ, ngày nay nó đã thành bản sắc và truyền thống. Với việc gộp Tết Việt cũng vậy, ý chí của ai, của bên nào mạnh hơn, khả thi hơn thì sẽ thực hiện theo ý chí bên đó. Người Việt bỏ đi chữ Việt truyền thống, sử dụng chữ theo ký âm Latin, thì người Việt vẫn là người Việt”.

Những độc giả nào biết tiếng Nga có thể đọc toàn bộ các bài viết về Tết Việt của Daria Mishukova tại địa chỉ sau: http://business-leisure.ru/vn-tet-22-stories-rus/. Tạp chí Business & Leisure quan tâm đến 8 nước và 26 điểm đến, nên bài liên quan đến nơi nào thì có tên địa danh ở nơi đó đứng đầu tiên.

Daria Mishukova sang Việt Nam năm 1998, lúc đó là sinh viên học tiếng Việt. Cô đã tham dự cái Tết Việt đầu tiên năm 1999, trong bối cảnh nhiều người còn phàn nàn về việc bỏ pháo nên kém vui. “Nhà nước đã cấm đốt pháo, đã chọn trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy làm ưu tiên. Đốt pháo đã là một thành tố quan trọng của Tết Việt bao thế kỷ trước đó, cứ tưởng cấm pháo sẽ mất hương vị Tết, nhưng rồi Tết Việt vẫn là Tết Việt, không lẫn vào đâu được” - Daria nói.

Daria Mishukova là tác giả cuốn sách nổi tiếng Việt Nam: Đất nước con rồng cháu tiên, in bằng tiếng Nga các năm 2007, 2010, sau đó in bằng tiếng Việt năm 2013. Năm 2012, Bộ VH,TT&DL Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch cho Daria Mishukova. Khoảng 10 năm qua, Daria đã viết hàng trăm bài, đã xuất hiện trong hơn 150 phỏng vấn và bài viết chân dung để chia sẻ về nét đẹp văn hóa của Việt Nam.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm