Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đàn bà phải luôn mỉm cười

20/07/2014 09:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn -Cành phong hương là tập truyện ngắn mới nhất vừa ra mắt của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người có lối viết “ngọt như kiếm sắc, đẹp như cầu vồng”.

Khi được hỏi văn chương và những va đập với đời sống có bao giờ làm chị “đắng lòng”, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) Võ Thị Xuân Hà hóm hỉnh trả lời: “Khi người ta cứ nhất định chọn một hướng đi cho mình, thì có nghĩa là ở phía đó có một người thương yêu đang chờ đợi... Đàn bà là linh hồn của con cái, đàn bà phải luôn mỉm cười”.


 Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Không thỏa hiệp với sự dễ dãi

Cành Phong hương (Hà Thế & NXB Hội Nhà văn 6/2014) gồm 12 truyện ngắn được viết theo lối hậu hiện đại xen với trữ tình lãng mạn.

Đáng chú ý, 3 truyện ngắn Cành phong hương, Bông kiếm tiên vũ, Mộc miên chưa nở hoa là câu chuyện về những thân phận trên đỉnh dốc Non Cao, về mối tình của cô bán nước với chàng kỹ sư trồng rừng... Tình yêu của vùng sơn cước như vẻ đẹp của cành phong hương, loài cây mềm mại trong nắng gió, đỏ rực quyến rũ và thấm đẫm quyết liệt: “Yêu đến độ núi cũng tan ra thành lúa, còn lúa lại cao lên thành núi. Yêu đến độ, sông biến thành thác, và thác chảy thành sông”.

Những câu chuyện lãng đãng sương khói rẻo cao, không lên gân triết lý nhưng lại đẫm nặng suy tư trong nhật ký của chàng kỹ sư lâm nghiệp: “Sự gắn kết giữa người đàn ông và người đàn bà là sự gắn kết tâm hồn. Thể xác là chốn chứa đựng sự gắn kết ấy”. Lối viết như không viết, nhẹ bẫng và mơ hồ, để cho những nhân vật tự tìm đến và tan đi. Nếu tác giả không nghiêm cẩn và trải nghiệm, thì khó mà có được sự ám ảnh trong những trang viết như thế.

Cách đây chưa lâu, trong buổi giao lưu với sinh viên sư phạm trên Điện Biên, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã nói: "Nên viết truyện bằng cả trí óc và trái tim mình. Đặt mình ở vị trí khiêm tốn phía sau độc giả. Điều rất quan trọng, đó là sự sáng tạo cộng với chất liệu xúc cảm. Nhất quyết không được thỏa hiệp với sự dễ dãi".


Bìa tập truyện Cành phong hương

Hội hâm mộ “nàng Thê”

Võ Thị Xuân Hà có nhiều người bạn đặc biệt trên mạng xã hội. Với một nhà văn tài hoa như chị, dĩ nhiên “khách nam” chiếm đa số. Thậm chí các fan hâm mộ còn lập ra cả “Hội hâm mộ nàng Thê” và chí chóe vui vẻ, “chém gió” đến quên mình để xem “nàng Thê thuộc về ai”. Dĩ nhiên, nàng Thê chẳng thuộc về ai cả, nàng là nhân vật đẹp đến nao lòng trong truyện ngắn Câu chuyện nàng Thê của Võ Thị Xuân Hà.

Có rất nhiều người quan tâm, dĩ nhiên cả ngưỡng mộ... dù chưa hề gặp Võ Thị Xuân Hà ngoài đời. “Nhưng để có thể gặp, rồi ngồi quán vỉa hè ăn bát bún riêu, rồi ngồi cà phê, thì còn phải tùy duyên”, nhà văn cho biết.

Mới đây, có vị khách là độc giả ghé thăm chị nói rằng, cách đây 15 năm, đã đọc và nhớ rõ nội dung một truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà in trên báo. Giờ đã có “tay vợ, tay con”, mà vẫn run run mừng rỡ khi gặp tác giả của Lúa hát nổi tiếng. Truyện được viết từ năm 1994, khi Võ Thị Xuân Hà mới tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, được đánh giá là một “bức họa đồng quê tuyệt đẹp của văn chương”.

Viết trên hải trình tới Trường Sa

Chiều Hà Nội trong mưa gió của bão “Thần Sấm”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, với ánh mắt xa xăm và đắm đuối, kể những câu chuyện về Trường Sa mà đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam vừa đi về. Truyện ngắn Những bức thư gửi từ biển chị viết trên con tàu đang lao đi giữa biển khơi, sau khi đoàn công tác làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hi sinh ở đảo Gạc Ma: “Cứ mỗi lần có bão là các anh lại rủ nhau về lại tàu. Bởi khi có bão, những cành san hô mong manh nhuốm màu đỏ không đủ sức chứa đựng nước mắt của biển. Nhưng cái chính là cứ mỗi khi có bão, cả đội quân lại nhớ đến nhiệm vụ của mình”.

Chị còn hào hứng kể chuyện trình diễn thơ và văn xuôi trên tàu HQ 996, giữa biển khơi trùng điệp, thiếu thốn đủ thứ nhưng được các chiến sỹ nồng nhiệt chào đón như một sự kiện đáng nhớ và không thể quên nổi. “Thực sự khi đi trên biển, nếu phải gõ phím hay đọc chăm chú, rất dễ say sóng. Nhưng nhà văn không thể không viết”.

LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm