Nhà văn Việt chỉ còn thiếu giải Nobel và Goncourt?

10/09/2016 06:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh, vừa được trao giải thưởng văn học Sim Hun của Hàn Quốc (ở hạng mục Giải thưởng lớn dành cho các nhà văn châu Á).

Không phải là điều quá sốc khi tác giả Nỗi buồn chiến tranh được ghi nhận trên trường quốc tế. Nhưng nó truyền cảm hứng để các nhà văn Việt Nam và rộng hơn, gồm cả những nhà văn gốc Việt tiếp tục hành trình chinh phục các "đỉnh cao" của mình.

Cách đây không lâu, chúng ta vừa đón nhận tin nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer văn chương.

Năm 2012, Linda Lê lọt vào vòng chung khảo cuối của giải Goncourt, năm 2016 Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer. Dường như các nhà văn Việt/gốc Việt chỉ còn thiếu giải Nobel và Goncourt?

Trải dài từ tiếng Pháp

Thuộc hàng các tác giả có giải quốc tế sớm có lẽ là Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), với tác phẩm Légendes Des Terres Sereines (Huyền truyện miền thanh lãng), đoạt Prix littéraire de l'Indochine (giải Văn học Đông Dương) năm 1943.

Cũng trong năm này, nhà xuất bản Taupin đã in lại tác phẩm ba lần, chứng tỏ sức hút của nó. Mãi đến năm 1997, tác phẩm lại được nhà xuất bản Philippe Piquier phát hành dưới dạng sách bỏ túi. Một tác phẩm khác của ông là Nam et Sylvie (Nam và Sylvie, Plon, 1957, Paris) đoạt giải Louis Barthou của Viện Hàn lâm Pháp.


Tác phẩm Légendes Des Terres Sereines (Huyền truyện miền thanh lãng) của Phạm Duy Kiêm đoạt Prix littéraire de l'Indochine (giải Văn học Đông Dương) năm 1943

Phạm Duy Khiêm là con trai nhà văn Phạm Duy Tốn và anh ruột nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là nhà giáo, nhà văn, nhà ngoại giao nổi tiếng. Hầu như tác phẩm của ông đều được viết bằng tiếng Pháp, hai tác phẩm De Hà Nội À La Courtine (Từ Hà Nội đến La Courtine, Taupin in lần đầu tại Hà Nội năm 1941) và La Jeune Femme De Nam Xương (Thiếu phụ Nam Xương, Taupin, 1944) cũng rất được chú ý.

Nhà văn Phạm Văn Ký (1910 - 1992) với tiểu thuyết Perdre La Demeure (Paris: Gallimard, 1961), đã đoạt Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961. Năm 2006, bản dịch của Phạm Văn Ba với tên gọi Mất nơi ở Hà Nội đã được nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

Phạm Văn Ký cùng với nhiều tên tuổi trước, sau và cùng thời với ông như Cung Giũ Nguyên, Pierre Đỗ Đình (Đỗ Đình Thạch), Trần Đức Thảo, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nho, Vy Huyền Đắc, Trần Văn Tùng, Nguyễn Phan Long, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Đức Giang, Trịnh Thục Oanh, Lý Thu Hồ, Linda Lê, Kim Thúy, Kim Lefèvre, Anna Moï, Nguyễn Tuyết Nga, Bach Mai, Kim Đoan, Trần Nhựt Thanh Vân, Flament Ngoc Thu, Trần Huy Minh... làm nên một lớp nhà văn Việt/gốc Việt viết tiếng Pháp thành công trên thế giới.

Trần Văn Tùng từng đoạt Grand Prix de l’Empire, Lý Thu Hồ đoạt Prix littéraire de l’Asie, Kim Thúy đoạt Grand Prix RTL-Lire…

Linda Lê (sinh năm 1963 tại Đà Lạt) có lẽ là tác giả viết tiếng Pháp thành công nhất hiện nay, ngoài chung khảo giải Goncourt, cô còn đoạt nhiều giải danh giá khác, trong đó có Prix Fénéon, Prix Renaudot Poche… Nhiều người ước đoán, nếu Linda Lê trở thành ứng viên thực thụ (chứ không phải tự đề cử, tự giới thiệu như nhiều cây bút gần đây) của giải Nobel văn học cũng sẽ không có gì bất ngờ.

Năm 2015, Kim Thúy (sinh năm 1968 tại Sài Gòn) giành chiến thắng tại giải thưởng thường niên Canada Reads 2015 của đài CBC, Canada với tiểu thuyết Ru. Năm 2012, Ru từng lọt vào chung khảo giải Scotiabank Giller Prize và Man Asian Literary Prize. Năm 2010, nó đoạt giải thưởng danh giá Governor General's Awards và Prix du Grand Public Salon du livre de Montréal.


Linda Lê là một cây bút viết tiếng Pháp hàng đầu hiện nay, từng lọt vào chung khảo giải Goncourt

Nở rộ trong tiếng Anh

Trên đây là tiếng Pháp, còn khu vực tiếng Anh cũng không kém cạnh. Gần đây nhất là giải Pulitzer của Nguyễn Thanh Việt, trước đó một chút là giải thưởng lâu đời và uy tín của Hoa Kỳ National Book Awards 2012 đã trao cho cuốn Inside Out & Back Again” (tạm dịch: Đi rồi cũng quay về) của Lại Thanh Hà, sinh năm 1965.

Năm 2012, hai tác phẩm Mimi and Her Miror Postcards From Nam của Uyen Nicole Duong (Dương Như Nguyện) đoạt giải nhất và giải nhì International Book Awards  2012.

Dương Như Nguyện sinh năm 1959 tại Hội An, hành nghề luật 18 năm trước khi trở thành giáo sư luật thực thụ tại Đại học Denver. Cô cũng là nữ thẩm phán gốc Việt đầu tiên tại Mỹ. Viết văn từ khi còn ở Việt Nam, tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi của cô bay cao là Daughters of the River Huong (Người con gái sông Hương).

Lê Nam (Nam Le) Lê Nam (sinh 1978) là một nhà văn gốc Việt sinh sống tại Úc và Mỹ và là một chủ bút của nguyệt san văn học Harvard Review. Anh là người thắng giải Dylan Thomas danh giá năm 2008.

Andrew X. Phạm (sinh năm 1967 tại Phan Thiết) nổi tiếng với cuốn du ký phóng tác Catfish and Mandala, được tặng giải Kiriyama Pacific Rim Book Prize năm 1999. Một Andrew khác, đó là Andrew Lâm (sinh năm 1964), chủ bút của trang New America Media, đoạt giải PEN Open Book Award vào năm 2006 cho cuốn Perfume Dreams: Reflections On The Vietnamese. Tác phẩm thứ 2 là East Eats West: Writing In Two Hemispheres vào Top 10 cuốn sách hay của tạp chí Shelf Unbound năm 2010.

Nhà thơ Lê Thị Diễm Thúy (sinh năm 1972 tại Phan Thiết) cũng đã có những danh dự tương đương các giải thưởng. Đó là được Trung tâm Nghệ thuật Headlands, Quỹ GAEA và Quỹ Lannan chu cấp nơi ở để sáng tác và nghiên cứu thơ; được Viện nghiên cứu Cao cấp Radcliff của Đại học Harvard và Quỹ Guggenheim cấp học bổng về thơ.

Nhà thơ Barbara Tran (sinh năm 1968 tại New York) đã đoạt giải Tupelo Press’s Chapbook Competition năm 2002 cho tập thơ đầu tay là In the Mynah Bird’s Own Words (Theo chính lời chim mynah, NXB Tupelo Press, 2002). Tập này cũng vào đến chung khảo giải PEN Open Book Award và được giải Pushcart Prize.

Nhà văn Monique Truong được trao Award of Excellence từ trung tâm nghiên cứu văn chương Việt - Mỹ của Đại học San Francisco. Năm 2001, cô từng nhận một giải thưởng văn chương khá tiếng tăm từ Quỹ tài trợ Lannan cho những cây viết của năm. Tiểu thuyết đầu tiên của Monique Truong là The Book Of Salt (Cuốn sách của muối, Houghton Mifflin, 2003) khá nổi tiếng.

Nhà văn Dao Strom (sinh năm 1973 tại Sài Gòn) được mệnh danh là John Steinbeck mới của văn học Mỹ. Tiểu thuyết Grass Roof, Tin Roof (tạm dịch: Nhà Tranh, Nhà Tôn, NXB Mariner Books 2003) được tặng thưởng Chicago Tribune - Nelson Algren và một số tài trợ khác…

Cô cũng được tặng thưởng của Hiệp hội James Michener. Cùng với Đinh Linh, Lan Cao, Monique Truong, Lê Thị Diễm Thúy, Barbara Trần, Nguyễn Hoa, Mộng Lan…, Dao Strom tạo dựng một thế hệ cấm bút tiếng Anh rất tự lập và có thành tựu đáng nhớ.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ từ danh sách các nhà văn Việt/gốc Việt đoạt các giải thuởng văn học quốc tế. Còn một số tác giả khác, với các giải thưởng quan trọng khác, vì những lý do này kia, chưa tiện để kể tên lúc này.

Điều đáng vui là tuổi cầm bút của đa số tác giả viết tiếng Anh còn khá sung mãn, nên những đóng góp và thành tựu của họ chắc chưa thể dừng lại.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm