02/11/2022 20:59 GMT+7 | Văn hoá
LTS: Thời gian qua, chuyên mục Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa phải tạm hoãn, vì người giữ mục này gặp một tai nạn nhỏ, cần được nghỉ ngơi. Để bắt đầu cho kỳ số 101, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với - nhà văn Trần Quốc Toàn - khi anh đã có thể tiếp tục trở lại nhiều kỳ cùng độc giả.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Trần Quốc Toàn sinh năm 1949 tại Nhà hộ sinh số 3 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Học hết phổ thông ở Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội 1970. Dạy học ở Hà Nội, rồi Đồng Tháp tới 1989. Là người viết chuyên nghiệp ở TP.HCM tới nay, là tác giả của hơn 35 đầu sách, trong đó có khoảng 25 cuốn viết cho thiếu nhi.
* Giữ mục này gần 100 kỳ, cảm xúc của anh lúc này thế nào? Đâu là những thuận lợi và khó khăn?
- Rất vui thưa anh. Vui vì mình còn sức viết, còn được góp công bảo vệ, truyền bá tiếng mẹ đẻ và từ đấy nâng cao dân trí nói chung. Cũng buồn chút đỉnh, rồi mất mát nữa. Tôi mất vài người bạn, khi tôi “liều mình” bênh vực bài Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh trên chính tờ báo này. Nhưng vui lại rồi, khi bài thơ lớp 6 ấy không bị “đuổi học”, “đuổi dạy” khỏi những ngôi trường như có người mong muốn. Vui khi trong câu chuyện học thuật này, cố nhà văn Chu Văn Sơn đã kịp “di chúc” cho chúng ta tình yêu dành cho bài thơ! Và nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam là ông Trần Đức Tiến đã có ý kiến cân chỉnh rất thuyết phục, rất kịp thời, bảo vệ bài thơ “thách đấu” kia. Trong những tuần đầu năm học mới 2022-2023 báo Nhi đồng TP.HCM số 41 ngày 14/10/2022 dành hẳn 2 trang để hỏi bạn đọc “Bạn có bị bắt nạt ở trường?” như Nguyễn Thế Hoàng Linh đã hỏi bằng thơ.
Với công việc này, thuận lợi là cũng như ai từng đi học, tôi đã quen với giáo khoa từ thời còn ê a: “Sách quốc ngữ/ chữ nước ta/ con cái nhà/ cùng phải học/ miệng thì đọc/ tai thì nghe/ đừng ngủ nhè/ chớ láu táu”. Thơ tôi cũng được vào giáo khoa từ những bộ cũ trước năm 2000. Tôi được tập huấn 12 mùa Hè liên tục trong cuộc thay sách “cuốn chiếu” lần trước. Trong chuyến tập huấn xuyên Việt này, tôi còn được trực tiếp làm việc với soạn giả Nguyễn Thị Nhất (phu nhân nhà tâm lý học Nguyễn Khắc Viện) khi bà về tỉnh Đồng Tháp thị sát việc thay sách giáo khoa, lúc tôi đang dạy học ở đây.
Còn khó khăn, cũng như số đông các thầy cô giáo khác, phải làm quen với một việc chưa từng, đó là tự chọn sách dạy, không ỷ nhà nước chọn cho mình. Phải biết và dám quay lưng lại việc bao cấp quan điểm học thuật từ các cấp trên. Phải tự mình “Yêu sách nào cứ bảo là yêu…”.
Còn với riêng người làm báo, khó là khi đi vào đề tài này, giữ chuyên mục này, sách phải đọc nhiều quá, tốn thời gian và tiền mua. Thí dụ, viết về một trang giáo khoa mỹ thuật lớp 10 thôi, muốn thấu đáo, phải có trong tay cả bộ gần 10 cuốn. Rồi muốn thấu đáo hơn, công bằng hơn, phải nhân 3 số lượng này, vì phải xem cả 3 bộ giáo khoa Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống.
* Anh cũng là một tác giả có tác phẩm được trích in trong SGK tiếng Việt, nhìn một cách sòng phẳng và khách quan, anh thấy việc chọn văn thơ đưa vào SGK hiện nay thế nào?
- Tôi thấy ổn vì không còn những trang không có vẻ đẹp văn chương như đã từng có một thời. Cái thời chỉ vì muốn đơn giản, các nhà biên soạn giáo khoa tiếng Việt, ở những trang nào đó, không tuyển chọn văn liệu, mà tự “tăng gia sản xuất” những câu sơ lược tới thô thiển.
Các nhà biên soạn sách mới - chương trình 2018 - đã mạnh tay giữ lại được những trang văn học chất lượng cao, loại những trang yếu. Giữ lại văn phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Phan Hách, Trần Hoài Dương, Bế Kiến Quốc…; đồng thời mạnh tay đưa vào nhiều tác giả mới và trẻ. Rất nhiều, không thể kể hết trong một bài báo ngắn, chỉ xin chợt nhớ ai thì nhắc tên.
Mới có: Anh Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Lãm Thắng, Văn Giá, Thanh Nguyên, Đàm Chu Văn, Văn Công Hùng, Thái Chí Thanh, Võ Thị Xuân Hà, Huệ Triệu, Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh, Bùi Minh Huế, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Thúy Loan…
Trẻ có: Cao Nguyệt Nguyên, Văn Thành Lê, Đoàn Đại Trí, Nguyễn Xuân Thủy, Võ Thu Hương, Huỳnh Mai Liên, Lục Mạnh Cường…
Các nhà biên soạn giáo khoa mới còn làm mới bằng cách thay đổi cấu trúc bài dạy. Trong các sách ngữ văn THCS, THPT, cả tập làm văn - giảng văn, ngữ pháp nằm trong một quyển sách, nằm cùng trong từng bài giảng theo cách, từ tác phẩm cụ thể học sinh được học cả văn chương và ngôn ngữ học.
Làm mới bằng cách để tác giả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài cùng đứng chung trong một bài học như trường hợp truyện Lẵng quả thông (Paustovsky) đứng cùng truyện Tôi muốn trồng một cái cây (Võ Thu Hương) ở Ngữ văn lớp 6.
Làm mới bằng cách phân biệt sách học đại trà và sách chuyên sâu dành cho học sinh muốn theo đuổi nghề văn theo nghĩa rộng nhất, muốn làm báo, làm sách, làm kịch, làm phim… mà tôi đã đưa thí dụ ở phần trên.
Nếu nhìn từ góc độ thị trường, một nét mới rất đáng khen là những cơ quan phát hành giáo khoa mới, tiến hành nhanh việc trả nhuận bút dành cho tác giả có văn liệu được sử dụng theo luật định.
* Xin hỏi sâu hơn, kỹ hơn về môn tiếng Việt bậc tiểu học. Anh nghĩ việc biên soạn sách mới ở cấp học này đã thật hợp lý chưa? Phải chăng còn những khía cạnh, vấn đề có thể làm tốt hơn, hay hơn?
- Vâng! Nếu cho phép cầu toàn thì tôi thấy vài điều chưa hợp lý. Học sinh lớp 1 theo học sách mới chưa được làm quen với Nguyễn Du, mặc dù Truyện Kiều có văn liệu giản dị và trong sáng để các em học ghép vần tiếng Việt, học đọc tiếng Việt, ngay trong những tiết đầu đời. “Lơ thơ tơ liễu buông mành…” chẳng hạn. Chưa được học Nguyễn Du nhưng với La Fontaine, Lev Tolstoy thì lại được. Đấy là điều đáng tiếc.
Sách tiểu học mới, tính tới Tiếng Việt 3 đã dịch thơ thiếu nhi của Pháp, Nga, sao chưa thấy dịch thơ loại này của các tác tác giả cổ điển Việt Nam, viết bằng chữ Hán cho gần gũi hơn. Như bài Hàn dạ ngâm ấm áp, cảm động của Cao Bá Quát với tấm chiếu và đĩa đèn dầu lạc: “Rét quá không ngủ được/ Dậy chữa lại câu thơ/ Dầu hết gọi nhỏ rót/ Nhỏ cứ nằm ậm ờ/ Vội vàng đi lấy chiếu/ Đắp lên mình chú ta”.
Từ góc nhìn văn bản học, sách giáo khoa tiểu học môn tiếng Việt còn những khác biệt về chữ nghĩa, của cùng một tác phẩm khi tác phẩm ấy được vào những bộ sách khác nhau. Những khác biệt này là ở thơ Nguyễn Khoa Đăng, Đặng Hấn, Bảo Ngọc… cũng cần thống nhất.
Nhìn chung, giáo khoa Tiếng Việt mới cấp tiểu học chưa tận dụng nguồn văn liệu đã quen thuộc với học sinh từ các tiện ích nghe nhìn (các ca từ, các phim hoạt hình…). Khi văn hóa đọc đang chuyển thật nhanh sang văn hóa nghe nhìn, cần coi băng đĩa, âm thanh và hình ảnh từ môi trường điện ảnh, âm nhạc cũng là một thứ văn liệu chính danh. Coi trọng này vừa tăng cường khả năng và cơ hội tiếp xúc ngôn ngữ nói, qua ngôn ngữ âm nhạc và điện ảnh, vừa giảm chi phí đầu tư cho tiết học, vì sử dụng các đồ dùng dạy học đã có sẵn ngoài thị trường.
* Cảm ơn anh.
Các con số đáng yêu của Trần Quốc Toàn Tập truyện Bữa tiệc 36 món (NXB Kim Đồng) có trang được chọn vào giáo khoa mới. Có 45 truyện ngắn chọn lọc và bình luận (NXB Hội Nhà văn), đứng thứ hai trong Top ten sách bán chạy năm 2004. Có 108 cửa sổ lớp học (NXB trẻ), tập hợp các tản văn cực ngắn, từng in trên báo Giáo dục & Thời đại. Trên tuần san Tài hoa trẻ, từng in hơn 1.000 kỳ ở chuyên mục Chơi thơ và hơn 1.000 kỳ ở chuyên mục Đọc truyện, với các bút danh Quản Trò, Tứ Tuyệt, Tầm Chân… “Chẳng dám coi đó là kỷ lục, chỉ là “năng nhặt chặt bị” trên đường vất vả kiếm sống, nhưng cứ sống vui! Vui với công việc báo chí mỗi ngày và với 35 đầu sách đã phát hành” - Trần Quốc Toàn chia sẻ. |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất