Tô Hoài: Nhớ Hà Nội thời ít người và tôi ít tuổi

10/10/2010 13:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Những ngày này, Tô Hoài rời Nghĩa Tân lên phố, ở nhà con trai út - nhà báo Nguyễn Phương Vũ, ngôi nhà ông mua từ ngày giải phóng Thủ đô. Sự trùng hợp ý nghĩa vì cuộc trò chuyện với tác giả Chuyện cũ Hà Nội nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đúng dịp 10/10, ngày Hà Nội thuộc về Hà Nội.

18h ngày 8/10. Trên tràng kỷ, trong bộ đồ vàng, Tô Hoài nhẩn nha nói chuyện Hà Nội, xuất bản, sáng tác và rượu vang... tưởng không dứt. Ông bình thản cho con trai tiêm vào bụng (vì bệnh tiểu đường lâu năm) và thật lạ, Tô Hoài nghe rất tốt, đối đáp nhanh gọn. Ông lão 90 tuổi này gây ngỡ ngàng cho tôi. Hữu duyên, tôi với ông đều là tuổi Canh Thân (cầm tinh khỉ vàng), cách nhau đúng 60 năm.

* Ông được chú ý đặc biệt dịp này, vì ông là nhân chứng của nhiều sự kiện. Lên báo liên tục, cảm giác của ông ra sao?

- Vừa thích vừa không thích. Thích, vì có dịp nói những chuyện đã qua, truyện đã viết. Không thích khi họ hỏi về nếp sống mới, muốn so sánh Hà Nội bây giờ với hồi xưa. Tôi sinh ra lớn lên ở Hà Nội, mọi chuyện chính yếu của đời tôi đều xảy ra nơi này và tôi viết bằng hồi ức về Hà Nội xưa cũ, tuổi trẻ của mình. Chuyện cũ Hà Nội tôi viết từ năm lên 10 tới lúc già.


Nhà văn Tô Hoài và cháu nội Thục Trâm (10 tuổi) tối 8/10
* Chẳng nghe “đồn” ông Tô Hoài “yêu đương” như thế nào dù ông viết nhiều đến chuyện yêu của nhân vật, đồng nghiệp và người khác?

- (Cười tít). Tôi có viết truyện tình cảm ông già về hưu có người yêu. Đó là Hoa bìm biển, in báo Văn nghệ và in cả bên Mỹ. Song, đó không phải tôi đâu.

* Nếu phải thì đâu có sao. Ai chẳng có những bí mật của mình. Đọc tác phẩm thấy ông viết đủ về các thời kỳ Hà Nội...

- Cuộc đời tôi đa số các hoạt động công tác đều ở Hà Nội. Tôi vào Đảng năm 1945, phóng viên báo Cứu quốc (Tổng bộ Việt Minh, 1945 - 1952), Tổng thư ký Hội Nhà văn VN từ 1957, rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Tôi làm tổ trưởng hai khu phố Đoàn Nhữ Hài và Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm), Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc HN, Đại biểu quốc hội khóa 7, 8 kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội (chẳng là có tác phẩm Vợ chồng A Phủ mà). Chiều chiều (2000) là viết về hồi học trường Nguyễn Ái Quốc. Cưới vợ cũng ở Hà Nội. Nhiều chuyện lắm.

* Ông toàn viết tay?

- Đúng thế. Còn mấy cuốn ít người nhắc. Miếu Đồng Cổ (gồm 62 truyện ngắn), tên sách là tên một tác phẩm trong tập viết về miếu ở làng Đồng Cổ ngoại thành phía Bắc - Tây Hồ. Chuyện lăng Bác Hồ cũng in lại mấy lần.

* Khoa học chứng minh tuổi thọ phụ nữ cao hơn đàn ông. Nghệ sĩ nam ít người lên được tuổi 90. Ông có buồn không, khi xung quanh chẳng còn mấy bạn đồng niên nữa?

- Ừ, họ đi cả. Chơi với bạn vong niên vậy. Chân bị gút nên hầu hết ở nhà. Tôi có nhiều con nuôi cháu nuôi ở Hà Giang thỉnh thoảng xuống thăm. Trước kia tôi viết về người H’Mông đi sâu qua Nghĩa Lộ, Hồng Ngài, Tà Sùa lên Mèo Vạc, Đồng Văn. Người H’Mông thật anh hùng. Tôi có viết về Vừ A Dính.

* Những người cùng thời ông, đều là các nhà văn đáng trọng về tài năng, nhân cách như Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960), Kim Lân (1920 - 2007). Hỏi vui một chút, ông và ông Kim Lân thân nhau nhiều năm, các ông uống rượu và... hát karaoke hợp nhau không?

- Trước kia tôi cũng uống lu bù, tha hồ. Khi có bệnh thì phải kiêng, lúc vui lên thì cũng cứ liều uống. Tôi thích hát karaoke với Kim Lân, cùng tuổi nhau, ông ấy mất rồi, chơi thiếu bạn thì chẳng thiết. Ông Nguyễn Huy Tưởng là công chức chân chính, làm sở Đoan (thuế).

* Ông là con duy nhất của cha mẹ, lớn lên ở làng làm giấy, ông biết nghề này chứ?

- Bố tôi là Nguyễn Trọng Quỳ lấy mẹ Lại Thị Lại, người làng Nghè (làng Nghĩa Đô), tên chữ Trung Nha thôn, thuộc Hoài Đức phủ, Hà Đông tỉnh. Họ Lại có nghề làm giấy sắc phong bán cho triều đình. Ông, mẹ và tôi đều biết làm giấy sắc, từ cây dó, giã bằng chày, gọi là “nghè”giấy, không phải ông nghè tiến sĩ đâu nhé! Mẹ bảo sinh ra tôi vào chiều Rằm tháng 8, sau này tra lịch mới biết là 26/9.

* Tàu điện phục hồi là mong muốn của nhiều người Hà Nội, còn ông?

- Hay quá. Thành phố cổ phải có nét cổ đặc trưng chứ. Tôi đã viết về các loại tàu điện, xưa có chuyện đánh nhau và ném phân lên tàu nữa.

* Thú vui của ông bây giờ là gì?

- Uống rượu vang. Mấy ông bạn Đình Quang, Hà Minh Đức biết tôi mê thức này, thỉnh thoảng lại cho.

* Được biết, cuốn Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi (TS Nguyễn Văn Tùng viết), sắp ra mắt. “Danh hiệu” ấy là ước mơ của nhiều nhà văn...

- Hạnh phúc và thú vị như truyện Dế mèn nhiều thế hệ đọc, thành ra là “của mọi lứa tuổi”. Cuốn này như “tiểu sử Tô Hoài”. Học sinh lớp 6 học Dế mèn, lớp 12 học Vợ chồng A Phủ, nhưng hay thi trượt nên tôi nhắc NXB Giáo dục in lại đấy.

* Hà Nội tưng bừng Đại lễ, ông có muốn “bát” phố không?

- Không, toàn ở nhà xem ti vi. Tôi dậy 6 giờ sáng và 8 rưỡi tối đi nằm, quen rồi. Ngày thì xem ti vi, thích theo dõi tin tức thời sự, lịch các chương trình tôi nắm rõ.

* Ông thấy Hà Nội tổ chức Đại lễ thế nào? Sao ông không ngắm phố xá một vòng trên xe hơi của con trai nhỉ?

- Chỉ yêu Hà Nội xưa. Nhớ Hà Nội êm đềm, thời ít người và tôi ít tuổi. Sẽ tiếp tục viết về Hà Nội ấy. Tôi đâu đủ sức chịu ngột ngạt. Qua ti vi, thấy Hà Nội chen chúc màu sắc rộn ràng, cũng được. Tôi đón chờ xem duyệt binh, 8 giờ sáng 10/10 trên VTV1, tôi biết lịch. Thích lắm, như trẻ con thích!

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm