Nhà văn Tạ Duy Anh: Viết để tránh tính đố kỵ cho trẻ em

27/04/2009 09:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sau hơn 5 năm đưa vào giảng dạy chính thức trong chương trình Ngữ văn lớp 6, truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đã chinh phục hàng chục triệu trái tim các em học sinh. Và chính tác giả của truyện ngắn – nhà văn Tạ Duy Anh cũng không ngờ rằng tác phẩm của mình lại “đánh trúng” tâm lý và nhận được sự đồng cảm nhanh chóng đến thế từ các độc giả nhỏ tuổi …

*Từ suy ngẫm về tính đố kỵ của các “á thần”

“Trẻ con chính là một loại “á thần” (một nửa là thần) – nhà văn Tạ Duy Anh tâm niệm - mà những ‘á thần” thì thường hay sống tách ra khỏi thế giới thần linh và rất thích khám phá cái thế giới trần ai thực tại. Ở trẻ con có đầy đủ những bản tính của một thiên thần. Đó chính là sự trong sáng, nhạy cảm, sự mong manh, và hấp dẫn. Thế nhưng, xã hội loài người lại đầy rẫy những thói hư tật xấu…”

Nhà văn Tạ Duy Anh và Minh họa tác phẩm Bức tranh của em gái tôi (SGK lớp 6, tập 2)

Và, nhà văn tiết lộ, truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” chính là kết quả của một quá trình nghiền ngẫm khá lâu dài và kỹ lưỡng về những thói hư tật xấu của con người mà hằn lên trong đó rõ nhất là tính đố kỵ. Ông cho rằng, tật xấu kìm hãm mọi sự phát triển, đồng thời tạo ra những quái dị về mặt nhân cách của tâm hồn, khiến con người dễ mắc phải. Trước những thành công và những gì tốt đẹp mà người khác đạt được, người có tật đố kỵ không những không có phản ứng văn hóa là nên chia sẻ, chúc mừng, tìm cách cộng hưởng điều tốt đẹp ấy lên mà phần nhiều lại làm ngược lại, tự cảm thấy khó chịu và muốn kéo xuống…

Chính từ những suy ngẫm trên mà ông cảm thấy “mình nhất định phải viết một truyện ngắn nào đó mang tính giáo dục về tính đố kỵ để trẻ em hiểu được đố kỵ là một tật xấu cần tránh xa”. Tuy nhiên, dù ý tưởng sẵn có nhưng cũng phải mất nhiều năm sau nhà văn mới tìm được cách “giải thoát cho ý tưởng ra trang giấy” bằng “Bức tranh của em gái tôi” với những lời văn giản dị, trong sáng và gần gũi nhất với các em ở lứa tuổi học trò.

* Đến “Bức tranh...” đáp lại thói nhỏ nhen

“Bức tranh của em gái tôi” là một truyện ngắn giản dị, trong sáng, gần gũi nhưng vô cùng ấn tượng và có sức ám ảnh lạ lùng. Toàn bộ câu chuyện do người anh – nhân vật “tôi” kể lại. Người anh có một cô em gái tên Kiều Phương, có biệt danh là Mèo. Là một cô bé vô cùng hiếu động, Kiều Phương lại có tài vẽ tranh. Chính nhờ tài năng của mình mà Kiều Phương luôn được quan tâm, chiều chuộng và thu hút sự chú ý của mọi người. Điều đó khiến người anh luôn cảm thấy tức tối.

Người anh không những không yêu quý em Mèo mà thậm chí chỉ cần một lỗi nhỏ của Mèo là có thể gắt um lên. Sau này, Kiều Phương được đi dự trại vẽ tranh quốc tế và được giải cao nhất. Người anh cảm thấy vô cùng khó chịu trước thành công ấy của em mình nên khi Kiều Phương từ trại vẽ trở về thì bị ông anh “viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra”. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi người anh phát hiện bức tranh được giải của Kiều Phương chính là bức vẽ chân dung mình với cái tên “Anh trai tôi”.

Bức tranh của Kiều Phương như một món quà cô bé tặng anh trai mình và “Bức tranh của em gái tôi” lại chính là món quà mà tác giả dành tặng cho độc giả, đặc biệt là với những độc giả nhỏ tuổi, qua đó hàm ý nhắc nhở: hãy biết loại bỏ tính đố kỵ. Nhà văn Tạ Duy Anh nói: “Trong “Bức tranh của em gái tôi”  tính phê phán rất ít, vì thực ra nhân vật có những suy nghĩ và hành động rất logic. Chuyện thằng bé (nhân vật anh trong truyện) cáu với em gái là rất bình thường. Vì em gái khá nghịch ngợm còn anh trai thì tự cho mình cái quyền nạt nộ em. Trẻ em vẫn như vậy. Tất cả những điều ấy với một đứa trẻ không là vấn đề gì cả, thậm chí cũng là nét đáng yêu. Nhưng khi anh trai bắt đầu ý thức về sự thua kém của mình thì căn bệnh đố kỵ bắt đầu nảy ra từ đó.

* Lúc đầu là lỗi, nhưng thêm một chút thôi sẽ thành tội

“Tuy nhiên về sau, từ những cái trẻ con, hồn nhiên vô tội ấy có thể dần dần chuyển sang hành vi tội lỗi” – ông phân tích - “Lúc đầu là lỗi, nhưng chỉ cần thêm một chút thôi là thành tội. Có lần tôi nói với bọn trẻ là tôi đã đặt kết thúc truyện ở đúng điểm cần phải dừng lại. Tức là lỗi chỉ đến mức ấy thôi là quay lại. Nhưng nếu như không kết thúc ở đấy mà đi quá vạch đỏ của lỗi thì sẽ thành tội. Lỗi thì có thể sửa nhưng nếu thành tội thì không đơn giản nữa mà nó đã chuyển sang một phạm trù khác, hậu quả cũng khác. Đó là sự méo mó về nhân cách,  liên quan đến sự phán xét và có thể gây tai họa. Ở truyện này, tôi đã biết mức độ dừng lại nên có lẽ được trẻ em thích cũng không có gì là ngạc nhiên cả”.
 
Có thể nói, “Bức tranh của em gái tôi” đã đánh trúng tâm lý và đời sống tình cảm của các em và nhận được  sự đồng cảm rất nhanh từ chúng, nhất là với các em học sinh. Truyện đã chọn lòng nhân hậu, tính bao dung, độ lượng …để đáp lại thói nhỏ nhen tầm thường – một căn bệnh vô cùng dễ mắc ở lứa tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Câu chuyện như tấm gương cảnh tỉnh, để mỗi người có thể soi và biết “dừng lại” trước khi là quá muộn.

Yên Khương

(*)Xem từ TT&VH số 111 ra ngày 20/4/2008
Kỳ sau (Chủ Nhật 3/5): Nhà văn Tạ Duy Anh:  Có tác phẩm in SGK: vừa hạnh phúc, vừa rắc rối!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm