04/08/2021 18:58 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đang kẹt dịch Covid-19 ở Bình Dương chưa về quê chồng bên Mỹ được, nhà văn Lý Lan viết bài chống dịch cùng đồng bào trên Facebook nhà mình. Vẫn cách viết ấy, rất văn, rất hài, rất Lý Lan…
Trang Lý Lan trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 (tập 2) bộ Chân trời sáng tạo là bài tập đọc Chuyện của vàng anh chỉ gồm 182 âm tiết. Nhưng quá trình làm ra “văn liệu” cho bài ngắn này lại thật dài. Bắt đầu từ khi Lý Lan viết truyện Lời chào lá non với khoảng 600 âm tiết, trong tập truyện Ngôi nhà trong cỏ - tập truyện đoạt giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982-1984) do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Mở ra thế giới kỳ diệu cho học sinh
Năm 2012 trong sách Ô cửa bầu trời cũng của NXB Kim Đồng, truyện Lời chào lá non được đổi tên thành Ban mai dài tới 1.072 âm tiết do tác giả thêm vào truyện cũ, chuyện của nhân vật mới con chim vàng anh. Sách Tiếng Việt 2 lấy đoạn trích Chuyện của vàng anh, từ truyện Ban mai:
“Vàng anh vừa thức giấc. Nó ngạc nhiên bởi có cái gì mới lắm, lạ lắm. Nó tò mò nhìn lá non: “Bạn ở đâu đến vậy?” “Em mới mọc lên đêm qua” “Còn bác lá vàng đâu?”“Bác ấy đã về cội ạ”. Ra thế! Chỉ qua một đêm, lá vàng đã rụng xuống cho lá non mọc lên. Phải chia sẻ điều này với cỏ non thôi! Nó vừa sà xuống bãi cỏ đã nghe tiếng cười. Cỏ non cũng lạ ghê chưa, đã lớn rồi! Một đóa hồng đỏ thắm đang cười rất tươi với nó. “Hôm qua bạn còn là nụ kia mà?”. “Qua một đêm ngậm sương sáng nay tôi đã nở”. “Vậy ra các bạn đều thức suốt đêm qua để lớn lên!”. Rồi nó nói tiếp: “Còn tôi, đêm qua, tôi nằm mơ thấy mình bay giữa đồng cỏ xanh. Nơi đó có hoa tỏa ngát hương, tất cả các loài đều biết hót. Rồi nó cất tiếng hót: “La la la la! La lá la la...”.
Để truyện đồng thoại Ban mai vừa với kích tấc sách giáo khoa lớp 2, nhóm biên soạn cắt bỏ đoạn truyện có nhân vật nanh ác - con sâu ăn lá, cùng anh hùng tắc kè, người đã tiêu diệt con sâu. Nhóm biên tập đã bỏ đi chất kịch gay cấn, chỉ giữ lại cho học sinh lớp 2 chất thơ bay bổng. Vì thế trong phần Cùng sáng tạo với trò chơi “giọng ai cũng hay” ở cuối bài học, các em được phân 4 vai để đọc diễn cảm, chứ không phải phân vai để diễn kịch.
Chất thơ Lý Lan, còn có ở bài văn xuôi đầu tiên sách Ngữ văn 7 (tập 1), bộ sách còn dùng trong năm học 2021 - 2022. Đó là tản văn Cổng trường mở ra dài 2 trang in, kể chuyện:
“Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được… Ngày mai… Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”.
Khác với Chuyện của vàng anh, bài tản văn Cổng trường mở ra vừa in ra trên báo thì được tuyển ngay vào sách giáo khoa. Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Quang Thọ, người duyệt in bài báo này cho biết: “Cổng trường mở ra in trên báo Yêu trẻ ra ngày 1/9/2000, hôm nay đọc lại tôi vẫn thấy xúc động như đọc lần đầu. Lý Lan viết kỹ lưỡng. Bằng ấy năm cộng tác, tôi không phải sửa bài bao giờ… Báo Yêu trẻ nghèo, nhuận bút rất hẻo, nhưng thay vì gửi bài cho báo khác nhuận bút "xôm" hơn, chị vẫn gửi cho Yêu trẻ. Có lẽ với chị Yêu trẻ mới xứng đáng được in những bài như Cổng trường mở ra.
Lý Lan “yêu trẻ”, yêu đối tượng văn học của mình tới mức như chị từng nói: “Nếu cả đời tôi chỉ viết được 1 truyện trẻ em xứng đáng là văn học thiếu nhi, là đủ cho tôi mãn nguyện về nghề nghiệp” (Thể thao và Văn hóa, 12/4/2009 ). “Văn học thiếu nhi chiếm cái gác xép trong ngôi nhà sáng tạo của tôi… nơi tôi cất giữ buồn vui thương nhớ, là chỗ tôi lẳng lặng tìm về, quên tất cả những thứ ở “tầng dưới”, tâm hồn được thanh lọc, và mình đơn giản là mình” (Thanh niên, 1/6/2011).
Bút pháp luôn biến đổi
Thế giới nhân vật của Lý Lan hết sức phong phú đa dạng. Đó là kết quả của một bút pháp luôn biến đổi. Lý Lan viết tiểu thuyết tư liệu Chân dung người Hoa ở TP.HCM (NXB Văn hóa Thông tin, 1994) để có những nhân vật mang tên thật của mình, Phùng Há, Hồ Anh, Ngô Liên, Lê Thị Riêng…
Trong tiểu thuyết hư cấu Lệ Mai (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1998 và đã chuyển thể thành phim truyền hình), bà mẹ trẻ Lệ Mai dẫn người đọc, người xem thâm nhập đất Chợ Lớn nơi bà con gốc Hoa đóng góp nhiều nét đẹp văn hóa cho đất Việt để chứng kiến cuộc sống đang đổi thay theo hướng tích cực.
Lý Lan tìm được không gian nghệ thuật thật độc đáo khi để nhân vật bé Viễn thả diều từ các mái tôn của một xóm nghèo phố thị. Ở vị trí ấy, cậu bé máu nghệ sĩ, buộc dây nối mình với trời xanh, trong khi tai phải nghe những chuyện “dưới đáy” từ sàn nhà chật chội dội lên, vậy mà tấm lòng trẻ thơ vẫn hướng thiện, biết hứa với mẹ, lớn lên không nhậu nhẹt đập phá như ai - “Lớn lên con thả diều má à” (Thả diều, NXB Trẻ, 1996). Bằng cách kết khi truyện đạt cao trào, Lý Lan đề nhân vật nam sinh PTTH tên Châu, bị gia đình và nhà trường bỏ rơi khiến “Châu cúi gầm đầu đi ra bãi giữ xe, nhảy lên xe, rồ máy nổ ình ình, nhả khói đầy sân trường rồi phóng vọt qua cổng vượt qua đèn đỏ, vượt qua xe buýt, vượt qua những con mắt khó chịu của khách đi đường, Châu phóng xe như điên mà không biết mình đi đâu (Những người lớn, NXB Kim Đồng, 1992). Truyện hết mà chưa hết chuyện, nhà giáo - nhà văn Lý Lan đưa nhân vật văn học của mình, tới một giao lộ đầy hiểm nguy để bàn giao cho cuộc sống. Bàn giao trước khi sáng tạo một nhân vật mới!
Danh sách nhân vật đáng nhớ của Lý Lan kéo dài khi bà lấy ngay những bạn văn vong niên, đồng niên với mình làm mẫu, để có hẳn một tập chân dung Khi nhà văn khóc (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1999) kể chuyện “Đứa con lưu lạc năm mươi năm” trở về với người cha tinh thầy Lý Văn Sâm. Kể chuyện Trang Thế Hy “lần đầu tiên” “nói không đúng sự thật” để gương mặt bà mẹ chiến sĩ “tỏa lan một niềm hạnh phúc khó tả”; kể chuyện “Ở tuổi quá lục tuần, nhà văn Sơn Nam lần đầu tiên trong đời nhìn thấy sông Hồng từ trên không phận Bắc Bộ. Lúc ấy trời trong, gió nhẹ, ít mây, cơ trưởng vừa thông báo rằng thời tiết bên ngoài tốt và máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Cánh máy bay dường như chao nghiêng, nhà văn nhìn đăm đăm qua ô cửa kính. Bất chợt từ đôi khóe mắt già nua từng chứng kiến bao cảnh đời dâu biển, 2 giọt lệ không dừng được ngập ngừng một thoáng rồi lăn xuống vội vàng”.
Sắc sảo và hài hước
Lý Lan trong vai trò nhà báo từng giữ chuyên mục thể thao cho báo Người lao động. Bà hài hước khi bình luận bóng đá: “Coi đá banh mà không có người cùng bình luận, cụng ly thì đúng là thấy nó dở ẹc… Nghỉ giải lao giữa 2 hiệp, tôi ra sân nhà mình làm vài động tác thể dục cho giãn gân cốt để chuẩn bị thưởng thức hiệp 2. Ông hàng xóm lại xuất hiện, tâm sự: Nãy giờ tôi cũng thử xóc-cờ (soccer - bóng đá), nhưng thú thiệt, chơi một banh không khoái bằng chơi cả banh lẫn chày”.
Nhưng khi cần phản biện xã hội. Nhà báo Lý Lan nghiêm túc, kỹ lưỡng, sắc sảo. Đứng trước con suối đang bị tắc nghẽn đang chết, bà ngậm ngùi:“Nhờ mấy trận mưa vừa qua, con suối lại róc rách chảy, nhưng nước đục lợn cợn, mùi hôi hóa chất cùng chất thải công nghiệp theo dòng suối vào từng con mương thấm vào những mảng vườn măng cụt, sầu riêng. Phất phơ hai bên bờ suối những bao ni-lông và các thứ rác của xã hội tiêu dùng… ống hút, dây thun, giấy gói quà, bình nhựa... tôi đứng lặng yên nghe đứa nhỏ trở về trong tôi bật khóc”.
Nhìn các trường học phá tường rào mở ki-ốt bán buôn gây ô nhiễm môi trường sư phạm bà phẫn nộ, mai mỉa: “Nếu cứ đập trường ra xây ki-ốt như vậy, liệu có phải chỉ gạch ngói tan tác không? Ai lường được cái giá sẽ phải trả cho sự đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ… Hay ta quan niệm rằng tu giữa chợ mới chóng đắc đạo nên đem chợ búa bao vây trường học cho các em sớm thành... con buôn?”.
Đang kẹt dịch Covid-19 ở Bình Dương chưa về quê chồng bên Mỹ được, nhà văn Lý Lan viết bài chống dịch cùng đồng bào trên Facebook của mình. Vẫn cách viết ấy, rất văn, rất hài, rất Lý Lan: “Bữa nay (30/7/2021) hẻm vô nhà tui đã giăng dây, để chặn mấy người "né chốt" luồn đường hẻm. Tui không đi ra đường, không biết chốt chặn chỗ nào. Nhưng như vậy là người giao hàng không thể vô tới sân nhà tui nữa, tui phải ra tận chỗ giăng dây giao dịch. Thôi, khỏi giao luôn cho khỏi dịch. Bèn kê biên lại thực phẩm thiết yếu trong nhà. Gạo còn hơn 4 bịch, muối còn cỡ 3 ký. Ngay cửa có cây ớt hiểm. Cóc Thái sau nhà đang có trái. Yên tâm. Tuy bắt cá ăn hết rồi nhưng từ giờ đến cuối tháng sau vẫn bảo đảm ngày 3 bữa cơm và cóc chấm muối ớt…”.
Vài nét về nhà văn Lý Lan Nữ nhà văn Lý Lan sinh 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Anh văn, và cao học (M.A.) Anh văn ở Đại học Wake Forest (Mỹ). Bà từng dạy học ở Long An và TP.HCM, là dịch giả bản tiếng Việt Harry Potter, là tác giả 30 tác phầm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn, chân dung... Bà hiện sống ở Mỹ và Việt Nam. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất