13/09/2021 07:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đồng nghiệp bàng hoàng, thảng thốt nghe hung tin đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã ra đi vào lúc 13h50 ngày 10/9/2021 tại Quân y viện 175 TP.HCM sau 10 ngày chống chọi với Covid-19. Nhà văn tuổi Bính Thân đã ra đi trước ngày sinh nhật tuổi 65 (1956 - 2021) trong những ngày khốc liệt nhất của TP.HCM và cả nước khi phải gồng mình chống đại dịch.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thực sự bất lực chỉ biết kêu Trời: “Ngày 31/8, nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhập viện và nhắn tin cho tôi. Một tin nhắn thực sự sốc cho dù những ai ở Sài Gòn trong những ngày tháng này luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm Covid-19. Thi thoảng, tôi nhắn tin và gọi cho ông để động viên. Cách đây 2 ngày, tôi gọi cho ông. Ông mệt, nhưng giọng nói vẫn ngập tràn niềm tin. Thế mà hôm nay, ông đã rời bỏ chúng ta ra đi mãi mãi. Ai cuối cùng cũng phải ra đi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ nhà văn Nguyễn Quốc Trung lại ra đi như thế này được. Số phận thật vô cùng nghiệt ngã. Chúng ta hoàn toàn bất lực…”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy thảng thốt: “Cuối cùng thì đại dịch cũng lấy đi mất của chúng tôi một nhà văn mặc áo lính. Tôi thậm chí còn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của phim Ranh giới thì chiều nay nghe tin anh bỏ cuộc rồi… Anh Trung, giờ anh nằm đâu, khi nào đón được anh, khi nào thắp cho anh được nén nhang, khi nào anh được yên nghỉ có mộ có bia… thì không ai trả lời được… Buồn không để đâu cho hết. "Nhà số Bốn" vắng bóng thêm một người nữa rồi”.
Thần thái bộc lộ từ vẻ bên ngoài
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (bút danh: Nguyễn Tình Nguyện, Nguyễn Anh Đường) sinh ngày 27/10/1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1974, Nguyễn Quốc Trung thuộc Sư đoàn 341 chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chàng trai tuổi 20 chứng kiến giờ phút thiêng liêng “Toàn thắng về ta”, ca vang khúc khải hoàn Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)…
Sau ngày 30/4/1975, anh làm nhiệm vụ quân quản tại thành phố Sài Gòn - Gia Định và từ đó (ngoài thời gian 10 năm chiến đấu ở biên giới Tây Nam, nước bạn Campuchia) trọn cuộc đời anh gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh. Là người lính, dù “thích hoa hồng”, nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, xốc ba lô, Nguyễn Quốc Trung tiếp tục có mặt ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Tròn 10 năm ấy sự ác liệt bủa vây, đối đầu với tàn quân Khmer Đỏ rình rập, rà phá bom mìn, khôi phục phum sóc, đồng ruộng tan hoang sau tai họa diệt chủng Pôn Pốt… Anh cùng đồng đội giúp nhân dân nước bạn bảo vệ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại xứ sở Chùa Tháp...
Thực tiễn chiến trường với chàng trai đam mê văn chương chính là trải nghiệm quý giá mà anh đã lặng thầm tích lũy. Nhận thấy năng khiếu văn chương, đơn vị đã cử Nguyễn Quốc Trung đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp khóa III (1986 - 1989), anh tiếp tục trở lại chiến trường Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhà văn Nguyễn Quốc Trung về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội (cơ quan thường trực phía Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
Tôi có dịp gặp anh tại một số hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều làm tôi và bạn bè đồng nghiệp mỗi khi gặp anh đều khó quên dáng người cao gầy, đi cứ lao về phía trước, tất bật. Nước da đen sạm khô đến sắt se. Khuôn mặt góc cạnh khắc khổ, toan lo. Nhất là đôi mắt “biết nói” đầy biểu cảm chất chứa trong đó như có chút ngơ ngác, hoang hoải, thảng thốt, lo lắng, dự cảm về một điều gì đó.
Nói như nhà văn Xuân Thủy: “Những người viết thường hay dự cảm, lo âu... nhưng ở anh chúng hằn vết lên gương mặt, hiển hiện trong thần thái”. Anh “tiết kiệm” nụ cười. Cũng phải. Sự khắc khổ khó giấu kể cả khi cười. Anh cũng không biết đùa. Đùa vui thật không dễ dàng. Cũng có người thấy ở anh có một chút “là lạ”, “khó hiểu”, nhưng ai gặp anh đều quý mến, trân trọng bởi chính sự giản dị, hồn hậu, chân thành, thật thà… Anh sống đạm bạc, chắt chiu, thường hay nghĩ cho người khác nhiều hơn và luôn nhận về mình “thực đơn cô đơn” không giới hạn. Anh cô đơn giữa cả một biển người.
Nghe tin Nguyễn Quốc Trung ra đi, những cán bộ, nhà báo đã, đang ở “Nhà số Bốn” cùng chia sẻ những kỷ niệm về anh. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết: "Nguyễn Quốc Trung viết khỏe, hầu như năm nào cũng có sách ra, không tiểu thuyết thì tập truyện ngắn. Tôi biết, Trung có làm thơ đăng báo, nhưng văn xuôi mới là phần quan trọng của nhà văn… Những tác phẩm của Trung là phần để lại ý nghĩa cho người thân, bạn bè, đồng đội và nhiều người…".
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm “Trong những chuyến công tác vào TP.HCM cùng nhà văn Nguyễn Đình Tú, tôi có dịp được gặp anh Trung lâu hơn. Nhìn anh lóc cóc khoác chiếc ba lô thật to, không biết bên trong có những gì, dáng người cao liêu xiêu bước đi như lướt nhẹ trên khoảng sân của Nhà khách phía Nam Tổng cục Chính trị (số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm) thật ám ảnh. Chiến tranh đã lùi xa, thay vì chiếc ba lô thời chiến, trên vai anh là chiếc ba lô thời bình, chiếc ba lô thời công nghệ chứa đủ thứ máy móc, trong đó có một chiếc máy ảnh anh hay mang theo bên mình”…
Vịn văn vơi bớt cô đơn
Trước khi có tên trong danh sách học viên Trường Viết văn Nguyễn Du khóa III (1986-1989) cùng các nhà văn: Bảo Ninh, Dương Kiều Minh, Đặng Vương Hưng, Hoàng Quảng Uyên, Phạm Đức, Nguyễn Thái Sơn…, Nguyễn Quốc Trung đã viết 2 tiểu thuyết: Biên giới (1982), Bên rừng thốt nốt (1984). Sau khi tốt nghiệp, anh xuất bản tiểu thuyết Thời chúng mình yêu nhau (1989). Anh cần mẫn, chăm chỉ, cả đời dồn hết tâm huyết cho việc đọc, học hỏi, tích lũy tri thức, sáng tác văn chương.
Tới nay, nhà văn Nguyễn Quốc Trung có 12 đầu sách, trong đó có 8 tiểu thuyết (Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người đàn bà khóc mướn, Người trong cõi người, Người đàn bà hồn nhiên, Đất không đổi màu, Thành phố độc thân, Dòng sông bên chùa); 4 tập truyện ngắn (Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu).
Là người lính từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, từng chịu những cơn sốt rét ác tính vật vã ở chiến trường, sự ám ảnh đó đã đi vào từ trang viết đầu tiên. Ngay từ khi cầm bút, sự nghiệp viết văn của Nguyễn Quốc Trung đã bắt đầu với đề tài người lính và chiến tranh. Bộ tứ tiểu thuyết Đất không đổi màu, Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn đã đưa tên tuổi anh trở thành cây bút xuất sắc viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Dấu ấn cuộc chiến đã thấm đẫm trong từng trang viết của anh. Không chỉ viết về người lính thời chiến, anh quan tâm xây dựng nhân vật người lính thời bình. Dù trong hoàn cảnh nào, cuộc sống khó khăn, vất vả bao nhiêu thì nhân vật người lính của anh luôn ngời sáng phẩm chất của anh bộ đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Trong truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời, nhà văn miêu tả mối tình trong sáng, hồn hậu của anh bộ đội biên giới với cô thanh niên xung phong. Chính truyện ngắn này, báo Sài Gòn Giải phóng đã trao cho anh giải Nhất cuộc thi truyện ngắn (năm 1989). Từ đó, Nguyễn Quốc Trung định hình một phong cách viết truyện ngắn kết hợp giữa tính hiện thực, yếu tố bi hài, cách kết truyện bất ngờ và quan tâm đến cái hậu cho nhân vật của mình.
Các tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màu; các tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ là bức tranh hiện lực quý giá về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhà văn dựa vào trầm tích văn hóa để lý giải, xây dựng nhân vật của mình. 2 tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn và Đất không đổi màu được giới chuyên môn đánh giá cao ở bút pháp thể hiện, gài rất khéo văn hóa dân tộc để chuyển tải thông điệp lớn. Trong tiểu thuyết Đất không đổi màu, tác giả đã gửi gắm những thông điệp nhân văn. Đó là những phẩm tính của con người Việt Nam: Yêu nước, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thủy chung… được thể hiện trong bản lĩnh kiên cường, nhân hậu của người lính tình nguyện Việt Nam vào thời khắc lịch sử không quên. Tấm “căn cước” văn hóa Việt Nam tỏa sáng giàu bản sắc góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị láng giềng bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn, tác giả miêu tả mối tình của người lính tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K với một đào hát từng là vũ nữ hoàng gia. Nguyễn Quốc Trung khéo léo đan cài yếu tố văn hóa xây dựng nhân vật có tính biểu tượng để từ huyền thoại tình yêu, sự tôn trọng nhau sẽ hóa giải mâu thuẫn và từ đó chuyển tải một thông điệp lớn: Tình hữu nghị bền chặt của 2 dân tộc Việt và Khmer.
Nói về những tiểu thuyết viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nhà văn Đào Văn Sử đánh giá cao Biên giới: "Trong gia tài tác phẩm đồ sộ của anh, tôi nghĩ tiểu thuyết Biên giới làm nên tên tuổi nhà văn".
Mỗi nhà văn có thế mạnh riêng. Ai rồi cũng phải khác. Sự thay đổi, hoặc “ngược dòng” đi vào mọi đề tài, nhất là các vấn đề xã hội gai góc, nhức nhối âu cũng là điều bình thường. Người con Hà Tĩnh gắn bó với mảnh đất Nam Bộ chia sẻ: "Tôi vốn là người lính, thường viết về đề tài chiến tranh, tuy vậy trong chiến tranh vẫn có mảng sống đời thường… Bây giờ ở thành phố tôi viết về cuộc sống bình thường trong xã hội tạm gọi là thị dân. Nếu viết về chuyện tình yêu trai gái thì tôi không thể bằng anh chị em nhà văn trẻ, nên tôi phải tìm ra hướng đi riêng: Viết về những người khổ nhất, tưởng như họ bị gạt ra trong xã hội, nhưng chính họ là hồn cốt, đặt ra nhiều câu hỏi về thân phận con người nhất”.
Là nhà văn, những hiện tượng tha hóa, băng hoại về đạo đức, lối sống trong xã hội cứ làm đau đáu tâm can, xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm nhà văn: “Tôi cũng muốn đề cập đến sự tha hóa của con người diễn ra khắp mọi tầng lớp và chính người ta cũng hiểu được điều đó. Đấy cũng là bi kịch của kiếp người”.
Truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu là nhan đề cho cả tập truyện xuất bản năm 2016. Nhân vật chính trong truyện ngắn là cô thôn nữ xinh đẹp có tên Út Lỡ. Nhờ số tiền đền bù giải tỏa công trình cầu Rạch Miễu, gia đình cô có nhà cao cửa rộng trên phố.
Nhưng cái giàu nhanh thiếu bền vững là tình trạng chung khi người nông dân không gắn với đất đai quê hương. Đây là thực trạng thường thấy với nông dân nói chung, trong đó có nông dân miền Tây Nam Bộ không gắn bó với đất đai. Người nông dân chưa được chuẩn bị đón nhận thực tế. Số tiền đó dùng vào mục tiêu xây dựng nhà cửa, sắm sanh đồ đạc đắt tiền… là cần, nhưng nếu không đầu tư vào con người, gia tăng tri thức bền vững thì kể cả “tiền chất núi rồi cũng sẽ lở”.
Bức tranh nhỡn tiền. Út Lỡ bỏ học, lên TP.HCM kiếm sống và đưa đẩy tới nghề mại dâm. Nhà văn cho Út Lỡ lên tiếng về điều này: “Một gia đình làm ruộng, làm vườn, đẩy lên ở phố, cứ như cá quăng lên khỏi nước, như chim lạc khỏi rừng! Nhà cao cửa rộng nhưng chẳng có việc làm để sống, vậy là lâm vào cảnh đói, anh hai tôi la cà suốt ngày ở quán cà phê, sinh ra nghiện ma túy, má tôi sốc mà chết, ba tôi buồn quá lấy rượu giải sầu, trong nhà lúc nào cũng nhao lên tiếng quát mắng của ba, tiếng văng tục chửi thề của người anh. Tôi cảm thấy chán nản, phải bỏ học ngang chừng để kiếm sống”. Bi kịch đẩy đến tận cùng: “Tôi phải sống để báo thù, cho các người hay, đừng có tưởng dân mất ruộng này tay không bất lực muốn làm gì cũng được đâu. Anh biết vũ khí của con này là gì không? Căn bệnh thế kỷ đấy”.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung thừa nhận: “Đây là tập sách tôi ưng ý nhất, vì đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc bị xé nát. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Đây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ánh”.
Trước khi tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu (2016) ra mắt bạn đọc, nhà văn đã nhìn thấy vấn đề đất đai có chất thời sự qua một số truyện ngắn trước đó, như: Dời nhà lên phố, Chuyện tình cuối mùa, Cõi u minh… Nhà văn đã lên tiếng, phản ánh thực trạng bằng thái độ bức xúc, quyết liệt trong những truyện ngắn của mình. Từ ngàn đời, người nông dân gắn bó với đất đai. Tác giả đã chỉ ra, lý giải sâu sắc những bi kịch, tha hóa khó tránh khỏi khi người nông dân rời khỏi mảnh đất quê hương.
Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục về đề tài, phong cách đã được nhà văn Trần Văn Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận xét: "Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn, cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm qua. Một tập truyện mang tính thời sự đáng đọc và suy ngẫm".
Một số tác phẩm như Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố đã được dựng thành phim.
Dòng sông bên chùa (Nhà xuất bản Văn học, 2019) là tiểu thuyết cuối cùng của anh. Thế mạnh của anh là đề tài người lính. Vẫn là đề tài ấy, nhưng nhà văn đã đặt trong bối cảnh Sài Gòn sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Sài Gòn hôm nay với những con người đủ mọi thành phần phức tạp, cùng chung sống trong "xóm nước đen" ở con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các nhân vật Tùng, Phan, ni Hương, ông Sáu Nam, Huệ... đều có số phận riêng. Trong hành trình chuyển động ấy, tác giả cố gắng tìm lọc những mảng sáng nhân hậu, khao khát vươn lên làm chủ cuộc đời, vượt qua đói nghèo, tăm tối...
Chuyện bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, anh Tùng - bộ đội miền Bắc vào Nam được giao nhiệm vụ làm cán bộ "xóm nước đen". Mấu chốt câu chuyện xảy ra khi sư trụ trì ngôi chùa nhờ Tùng cưu mang một đứa bé bị bỏ rơi… Đó là câu chuyện của Đại úy Phan sau thời gian học tập cải tạo về sang Mỹ theo diện H.O và cuối cùng trở về làng. Là cha con Đống và Út Lầm chuyên làm điều xấu. Từng là lính, giải ngũ thành phế binh, Đống kiếm sống bằng các thủ đoạn bảo kê, cưỡng đoạt... và con gái hắn từng làm sở Mỹ giờ làm nghề bán thân. Khi “xóm nước đen” được giải tỏa làm đường Hoàng Sa, Trường Sa, gia đình Đống vào một căn hộ chung cư khang trang. Nhưng chứng nào tật đó, Đống làm phụ lòng những người từng cưu mang mình. Nhân vật Sáu Nam chăm chỉ làm nghề bán cơm tấm đêm và sau này giải tỏa “xóm nước đen” anh về Tiền Giang sinh sống, mua đất đai làm vườn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Sư cô Hạnh Hòa trụ trì chùa Thiện Lợi, trân quý anh bộ đội Tùng, ni Hương - một tiểu thư khuê các xuất gia đã được sư phụ Hạnh Hòa cho hoàn tục, sống hạnh phúc bên Tùng. Đứa trẻ bị bỏ ở cửa chùa ngày nào được vợ chồng Tùng - Hương nuôi nấng, chăm sóc coi như con đẻ, đặt tên Được Thiện… Kết thúc truyện là cảnh Út Lầm - con của Đống lẻn vào nhà Tùng bắt trộm Được Thiện và để lại mảnh giấy “con tao phải về với tao”…
Gắn bó cả cuộc đời với Sài Gòn, chứng kiến sự thay đổi của thành phố năng động, nhà văn đã nhìn thấy một Sài Gòn khác bên cạnh sự hoa lệ là muôn kiếp nhân sinh những cảnh đời, phận người. Đóng góp của anh ở tiểu thuyết Dòng sông bên chùa là tính sử thi. Những năm 70 của thế kỷ trước, Sài Gòn (nay là TP.HCM) có dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ô nhiễm trầm trọng đã làm mất cảnh quan đô thị. Tác phẩm chảy trôi theo quá trình phát triển của thành phố để hôm nay nhờ những nỗ lực cải tạo, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành một dòng kênh nước trong xanh.
Sáng tác của Nguyễn Quốc Trung cho thấy không có hiện thực cuộc sống nào lại xa lạ với nhà văn. Phẩm tính nhà văn là phải đi vào mọi ngóc ngách, tận cùng đời sống. Cũng không lạ khi anh tự bày tỏ suy nghĩ về nghề văn chân thực đến như thế: “Không có nghề nào vất vả và thú vị như nghề viết văn”.
Giải thưởng Nhà văn Nguyễn Quốc Trung có duyên với giải thưởng văn chương: Đoạt giải Nhất truyện ngắn báo Sài Gòn Giải phóng với truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời (1989); Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ nhất (2007) với 2 tiểu thuyết Đất không đổi màu và Người đàn bà khóc mướn; Giải thưởng bút ký Đài Tiếng nói Việt Nam (2007); Truyện ngắn hay Báo Văn nghệ (Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố); Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng (2004 - 2009). Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm nay (2021). |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất