Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Hai con mèo” thành hoạt hình 3D

22/10/2012 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được NXB Trẻ ấn hành vào tháng 6/2012 và liên tục tái bản. Đời sống văn chương của tác phẩm này vẫn đang sục sôi thì một đời sống khác của cuốn sách đã bắt đầu. Đạo diễn - NSND Phương Hoa đang bắt tay chuyển thể “hai con mèo” thành 10 tập phim hoạt hình. Đây là lần đầu tiên truyện của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thành… hoạt hình 3D, theo hợp đồng đã ký với Trung tâm sản xuất phim hoạt hình - Đài Truyền hình Việt Nam.

Ở lĩnh vực văn học thiếu nhi, gần như cuốn sách nào của Nguyễn Nhật Ánh đều “sốt” trước khi chính thức phát hành. Hơn thế, rất nhiều tác phẩm của “anh nhà văn” này có sức lan tỏa khi chuyển thể sang một loại hình nghệ thuật khác. Không riêng gì phim hoạt hình, phim truyền hình, truyện tranh…, mà ngay cả dùng “nhạc phổ truyện” của Nguyễn Nhật Ánh vẫn có tiếng vang nhất định. TT&VH có cuộc trò chuyện với “anh nhà văn” Nguyễn Nhật Ánh xung quanh các tác phẩm chuyển thể từ truyện của anh.

Khi Nguyễn Văn Hiên “chơi” truyện

* Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chẳng những “hút hàng” khi in thành sách, mà còn lôi cuốn khi chuyển thành phim, truyện tranh, phổ nhạc. Anh nhận xét ra sao về “cái duyên” của mình khi được các nhà làm phim, truyện tranh chú ý đến vậy?

- Các đạo diễn và các họa sĩ vẽ truyện tranh nói với tôi là truyện của tôi có nhiều hành động, nhiều kịch tính nên rất thích hợp để chuyển thể thành phim hay truyện tranh - những loại hình được xây dựng trên hình ảnh và hành động. Dĩ nhiên là có yếu tố đề tài nữa. Phim truyện và phim hoạt hình cho trẻ em do Việt Nam sản xuất hiện nay vẫn còn ít nên các đạo diễn và họa sĩ tìm đến tôi - một người chuyên viết về đề tài này.

Chân dung nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên bìa sách do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn về ông vừa được NXB Kim Đồng ấn hành hồi đầu tháng 9/2012

* Hầu như các phim, truyện tranh chuyển thể từ tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh đều có tiếng vang, riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ…  truyện Nguyễn Nhật Ánh thì có vẻ hơi im lặng. Hỏi Nguyễn Văn Hiên thì nhạc sĩ nói phổ chơi với bạn cho vui. Theo anh, các ca khúc do Nguyễn Văn Hiên phổ từ truyện của anh nếu được phổ biến rộng rãi sẽ có kết quả thế nào?

- Sáng tác nhạc từ cảm hứng khi đọc truyện là một cách “chơi” của Nguyễn Văn Hiên. Thiên hạ có “nhạc phổ thơ” thì anh có “nhạc phổ… truyện”. Nguyễn Văn Hiên vốn là con người nghịch ngợm. Anh từng viết báo với bút danh “Thiên Hằng”, nói lái chữ “thằng Hiên”.

Gọi là “chơi”, vì khi dùng cụm từ “nhạc phổ truyện” thì nghe có vẻ “không giống ai”, chứ trong thực tế sáng tác nhạc dựa trên cảm hứng từ tác phẩm văn học là chuyện bình thường trên thế giới. Nhạc phim, theo tôi cũng là một dạng tương tự. Trong các bản nhạc Nguyễn Văn Hiên viết từ truyện của tôi, Bồ câu không đưa thư là ca khúc rất phổ biến trong giới học trò. Tôi nghĩ đó là một thành công trong cuộc chơi nghệ thuật của anh Nguyễn Văn Hiên.

Vẫn mê… hoạt hình

* Lần đầu tiên, truyện của Nguyễn Nhật Ánh (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ) được dựng thành phim hoạt hình. Tuổi thơ anh có mê phim hoạt hình không? Và anh chờ đợi gì ở bộ phim hoạt hình dự kiến dài 10 tập này?

- Hồi bé, tôi ở thôn quê, tivi chưa có, chỉ thỉnh thoảng được xem phim hoạt hình khi có đoàn y tế nào đó đến trường chiếu phim để vận động học trò giữ gìn vệ sinh hoặc tuyên truyền việc phun thuốc diệt muỗi, phòng sốt rét.

Hồi đó, tôi sướng mê tơi khi ngồi trong lớp học đóng kín cửa thô lố mắt xem phim hoạt hình vẽ mấy con vi trùng từ bàn tay bẩn dính vô đồ ăn rồi xúm nhau chạy vô bao tử quậy phá. Đến giờ tôi vẫn còn mê phim hoạt hình. Tôi xem không sót một phim nào của hãng Walt Disney. Tôi hy vọng bộ phim Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của đạo diễn Phương Hoa sẽ đem lại cho trẻ em những hứng thú như tôi hồi nhỏ.

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (6/2012) được chuyển thành phim hoạt hình

* Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của anh có khiến anh hài lòng so với nguyên tác hay đó chỉ là một hình thức “nối dài” đời sống các tác phẩm ký tên Nguyễn Nhật Ánh?

- Nếu nhìn từ góc độ so sánh, có lẽ không nhà văn nào hài lòng hoàn toàn với các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình. Do sự khác biệt giữa hai loại hình, điện ảnh không thể chuyển tải được hết những thế mạnh của văn chương, những ẩn ý trong câu chữ, những cái duyên của bút pháp. Chưa kể, hình dung tướng mạo, cách nói cách cười cách đi cách đứng của nhân vật trong phim thường không trùng khớp với hình ảnh trong đầu nhà văn (kể cả trong đầu người đọc).

Nhưng khi đã đồng ý chuyển thể, nhà văn phải chấp nhận độ chênh đó giữa văn học và điện ảnh, và đúng như bạn nói, nên xem đó như là một hình thức nối dài đời sống của tác phẩm văn học. Lúc đó bạn sẽ thấy điện ảnh cũng đem lại nhiều lợi ích cho văn học, nếu đó là một bộ phim thành công.

Nhà văn biết bảo mật hợp đồng kinh tế

* Nếu được, xin anh tiết lộ mức nhuận bút trung bình một cuốn sách được chuyển thành phim?

- Tất cả các hợp đồng kinh tế đều có điều khoản không ai được tiết lộ điều này cho bên thứ ba nếu không được đối tác cho phép bằng văn bản. Tôi mà trả lời câu hỏi này hôm nay, ngày mai có khả năng bạn sẽ gặp tôi ở tòa án kinh tế (cười).

* Khi sáng tác anh có khi nào nghĩ rằng thơ, văn của mình sẽ được phổ nhạc, làm truyện tranh, làm phim hay không?

- Dĩ nhiên là không. Khi sáng tác tôi chỉ nghĩ đến văn chương thôi. Nếu đang viết văn mà tôi nghĩ tới cả âm nhạc, điện ảnh lẫn hội họa, có lẽ cuốn sách của tôi sẽ không giống bất kỳ thứ nào trong bốn thứ kia. Ngay cả khi sách đã in xong, tôi cũng chỉ nghĩ về cuốn sách sắp viết thôi.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm