17/04/2011 11:02 GMT+7
(TT&VH) - “Chúng ta chỉ học những cái “đại ý”, cần cho yêu cầu sống tức thì của mình, “hớt” những cái cần, cái trên bề mặt và dừng lại ở đó” - đó là những chia sẻ của nhà văn Nguyên Ngọc trong cuộc tọa đàm Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cuộc tọa đàm với sự thuyết trình của nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc và GS Alain J. Lemaitre (Pháp) tại Trung tâm văn hóa Pháp (42 Tràng Tiền, HN).
Trong phần thuyết trình của mình, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: Bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc là một khái niệm được nhắc nhiều ở VN và trên thế giới trong những năm qua, khi mà tiến trình toàn cầu hóa đang mở rộng, làm mờ đi các ranh giới cũ, khi mà các xung đột quốc gia, sắc tộc nhân danh bản sắc vẫn không ngưng nghỉ. Các cá nhân và cộng đồng đối mặt với những mối lo sợ về sự mất mát và yếu thế trước những sự khó xác định về bản sắc dân tộc.
Trao đổi với TT&VH, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:
- Bản sắc cũng có những thăng trầm của nó. Nó chẳng đứng im mà có những biến đổi nhất định. Nó là một phạm trù lịch sử, được hình thành trong lịch sử, do những điều kiện khác nhau của lịch sử, là hiện tượng động chứ không phải tĩnh. Nó là của con người, tức là một cơ thể sống, và cũng như mọi cơ thể thật sự sống, nó chỉ có thể sống bằng quá trình “trao đổi chất” với môi trường xung quanh. Nó không mâu thuẫn đối lập với hội nhập, thậm chí ngược lại chỉ có thể tồn tại và phát triển bằng hội nhập. Nó sống bằng thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với cái khác mình.
Việc chống ngoại xâm triền miên và cốt lõi sâu xa nhất là chống đồng hóa khiến người Việt Nam rất nhạy cảm đối với vấn đề bản sắc dân tộc. Ở Việt Nam, gắn liền với bản sắc dân tộc là tư duy về cộng đồng.
* Vậy theo ông, sự chủ động tiếp nhận văn hóa trong quá trình phát triển của chúng ta như thế nào?
- Việt Nam là nước nằm ở trung tâm của Đông Nam Á cổ. Việt Nam có sự giao lưu với nhiều nền văn hóa. Sau khi thoát khỏi đô hộ 1.000 năm của Trung Hoa thì chúng ta lại chủ động tiếp nhận Nho giáo của họ, tiếp nhận mô hình tổ chức Nhà nước trung ương tập quyền ở triều đình nhưng vẫn giữ những lối sống văn hóa cổ truyền ở làng xã, những ứng xử văn hóa. Tuy nhiên, điểm yếu của việc tiếp nhận này là bộc lộ ý thức thực dụng có thể kéo dài và ăn sâu trong tâm thức người Việt, khi chúng ta chỉ học những cái “đại ý”, cần cho yêu cầu sống tức thì của mình, “hớt” những cái cần, cái trên bề mặt và dừng lại ở đó. Ví dụ như Phật giáo, ở cấp triều đình chủ yếu khai thác cho mục đích cai trị, ở cấp nhân dân thì hòa trong đạo lý nhân ái, ít khi tìm hiểu Phật giáo như một ngành triết học uyên thâm.
* Tức là chúng ta có sự tiếp nhận hời hợt, không đến nơi đến chốn. Vậy muốn thay đổi điều này thì phải làm thế nào, thưa ông?
- Việt Nam có điều kiện lịch sử đặc biệt, điều đó vừa tạo nên sự khôn ngoan của người Việt bên cạnh đó cũng tạo ra hạn chế cho người Việt. Việc tiếp nhận hời hợt này cũng một phần do yếu tố lịch sử. Theo tôi, muốn thay đổi trước hết là phải nhận ra. Tôi nghĩ, sở dĩ trước đây chúng ta chưa thay đổi được mạnh mẽ, trước hết là vì chúng ta chưa nhận ra được điều này. Chúng ta nói quá nhiều về bản sắc, lo quá nhiều về bản sắc, nhưng chúng ta không nhận ra được bản chất. Khi nhận ra được điều này chúng ta sẽ có cách thay đổi, tôi tin là như vậy.
* Giáo dục là một yếu tố quan trọng với sự chuyển giao và hội nhập văn hóa. Ông có đánh giá như thế nào về giáo dục nước ta hiện nay?
- Trong giáo dục của chúng ta hiện nay, việc xây dựng tư duy độc lập vẫn còn chưa tốt. Tôi đã gặp nhiều bạn rất trẻ nhưng đã có những suy nghĩ khá sâu sắc về những vấn đề văn hóa và giáo dục, thậm chí nhiều bạn còn có suy nghĩ và đòi hỏi nhiều hơn những điều tôi đã nghĩ. Do đó, khi xuất hiện những người trẻ có suy nghĩ này thì tôi tin rằng giáo dục có thể thay đổi và phải thay đổi. Khi chưa có những nhu cầu như thế trong xã hội thì giáo dục vẫn còn trì trệ, nhưng khi có những nhu cầu mới thì giáo dục phải thay đổi. Nhưng nếu không tạo áp lực cho nền giáo dục thì sẽ khó có sự thay đổi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất