05/05/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá
Theo nhà nghiên cứu văn học Nguyên An: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng, thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử-truyền thống chắc là vơi đi sự bề thế, vẻ kì vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể.
Trong gần 50 hiện diện ngắn ngủi trên cõi đời, Nguyễn Huy Tưởng đã kịp để lại một gia tài đáng nể những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch lịch sử thấm đẫm tâm hồn Việt: từ Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sống mãi với thủ đô… đến vở kịch lịch sử Vũ Như Tô. Có thể khẳng định, ông đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam”.
Hành trình sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Vùng Dục Tú, quê hương ông ghi dấu nhiều sự tích, câu chuyện huyền thoại về lịch sử dân tộc. Cùng với đó, bối cảnh lịch sử văn hóa của đất nước (dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật những năm 1940-1945) đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong con người thanh niên Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời đẩy những suy tư về lịch sử trở thành cảm quan sống và viết của ông.
Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương khá muộn. Không có được yếu tố thiên bẩm trời cho, Nguyễn Huy Tưởng đã có những bước đi cẩn trọng, vững vàng bằng chính sự nỗ lực, rèn luyện, kiên trì của bản thân; bằng tấm lòng sôi nổi đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn mượn văn chương để tỏ lòng yêu nước. Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được.” Và ông cũng tự lòng dặn lòng trong những trang nhật ký: “Phận sự một người tầm thường như tôi, muốn tỏ lòng yêu nước, chỉ có một việc là viết văn quốc ngữ mà thôi.”
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị về văn chương và lịch sử như: Tiểu thuyết có Đêm hội Long Trì (1942), An Tư công chúa (1944), Truyện Anh Lục (1955), Bốn năm sau (1959), Sống mãi với Thủ đô (1960)...; Kịch gồm có: Vũ Như Tô (1943). Cột đồng Mã Viện (1944), Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948), Anh Sơ đầu quân (tập kịch- 1949), Lũy hoa (1960)...; Truyện ký có: Ký sự Cao Lạng (1951), Chiến sĩ ca nô...; Truyện thiếu nhi: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, Thằng Quấy, Con cóc là cậu ông giời, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Cô bé gan dạ... và một tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, dày 1.700 trang...
Trong hành trình sáng tạo, Nguyễn Huy Tưởng luôn suy tư, trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ trước những vấn đề bức thiết của cuộc sống nhân sinh, ông luôn nhấn mạnh đến sự dấn thân và những nỗ lực sáng tạo của người viết. “Sống đã. Những điều không cần thiết cho sự sống tất phải bỏ đi không dừng, dầu nó thích hợp với lòng mình. Không nên để sóng gió thời đại nó dắt anh đi như người ta dắt đứa trẻ, anh phải dắt anh đi trong đường chông gai. Ông khuyên các nhà văn trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn phải giữ được hồn cốt dân tộc: “Dù truyện gì, việc gì cũng không nên bỏ tinh thần Việt Nam” (Nhật ký ngày 7/12/1932), phải sáng tác được “những tác phẩm đọc cháy lòng người, thúc giục mọi người vào cuộc đấu tranh” (Nhật ký ngày 19/6/1951), để “mỗi bài, mỗi sáng tác phải là một tiếng vang, một viên đạn, một ngọn lửa, một niềm tin. Làm cho người đọc, người xem nhận thấy rõ mình.” (Nhật ký ngày 5/8/1951).
Người chép sử bằng văn chương
Nhìn lại sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng có thể nhận thấy dù sáng tác ở thể loại văn hay kịch, đề tài xuất hiện thường trực trong các tác phẩm của ông là lịch sử. Nhắc đến ông, bạn đọc thường nhắc tới danh hiệu thân quen: Người chép sử bằng văn chương. Dòng chảy lịch sử quá khứ và hiện tại luôn hiện diện rõ nét từ nhan đề đến hình ảnh, chi tiết, sự kiện, nhân vật, ngôn ngữ dù ở thể loại tiểu thuyết, kịch, truyện thiếu nhi hay những trang tùy bút, bút ký… tất cả đều bàng bạc, nhuốm sắc màu lịch sử và hơi thở thời đại.
Viết về Thăng Long - Hà Nội thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào trước khí thế sục sôi, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Những chàng trai, cô gái ngày hôm qua còn là những cô cậu học trò nay đã thành những cảm tử quân, quyết tâm ở lại để bảo vệ phố phường. Nguyễn Huy Tưởng lựa chọn một lối viết thấm đẫm chất chiêm nghiệm, trữ tình, cuốn người đọc vào bầu không khí truyền thống. Chính điều đó khiến câu chuyện vượt xa khỏi nội dung tuyên truyền trở thành tác phẩm văn chương sâu sắc. Nhà nghiên cứu Phong Lê viết: “Nhiều trang trong Sống mãi với thủ đô rạo rực một không khí hùng tráng của sử thi”.
Đan Thiềm - Vũ Như Tô, hay Quỳnh Hoa - Bảo Kim đều là những nhân vật để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí độc giả nhiều thế hệ bởi ở họ chất chứa những khao khát lớn lao. Không chỉ mang tầm vóc của lịch sử, những vấn đề của các nhân vật trong văn chương Nguyễn Huy Tưởng đến nay vẫn còn nóng rẫy hơi thở của thời đại.
Họ đều là những đại diện của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, sống giữa thời cuộc đầy biến động, nhưng luôn mang trong mình khao khát được vươn lên khỏi bùn lầy, được tạo nên những giá trị sống, giá trị nghệ thuật đích thực.
Vũ Như Tô đặt ra đầy đủ câu hỏi, buộc con người hôm nay, đặc biệt là những người sáng tạo, phải đối diện. Bản thể của sáng tạo là gì? Hành trình đó đau khổ, nhưng cũng cao quý ra sao? Nguyễn Huy Tưởng đã gửi gắm trọn vẹn triết lý nghệ thuật của mình trong tác phẩm.
Ở mảng đề tài lịch sử trong các truyện viết cho thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã hướng các em vào những thời kỳ hào hùng, trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà ở đấy những người anh hùng đã viết nên những bản anh hùng ca chói lọi. Dù đấy là những câu chuyện kể về những người anh hùng thời kỳ trung cận đại như: Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, hay là thời kỳ cổ đại như: Chuyện Chiếc bánh chưng, An Dương Vương xây thành Ốc... thì tất cả hiện vẫn không phai mời trong ký ức của người dân đất Việt.
Cũng như mảng truyện viết cho người lớn, mảng viết cho thiếu nhi về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không quá lệ thuộc vào các những sự kiện đã được ghi chép trong các sách biên niên sử, mà ông biết cách nảy ra trong vô vàn những chi tiết, sự kiện lịch sử, những tình huống, câu chuyện đặc sắc ấy rồi thổi vào đấy những cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của trẻ thơ, gợi mở cho các em nhiều điều thú vị nhằm giúp các em tiếp cận một cách dễ dàng lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quí truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Nhà văn Tô Hoài, một người có nhiều thành công và kinh nghiệm viết truyện thiếu nhi thuộc hạng nhất nhì, đã từng nhận định: trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng.
Cũng vì những giá trị còn mãi trong tác phẩm văn học mà nhiều sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được chọn vào và đưa vào chương trình văn học trong nhà trường ở nhiều cấp học, trước kia là “An Dương Vương xây thành ốc”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, nay là vở kịch “Bắc Sơn” và “Vũ Như Tô”.
Tác phẩm của ông không những gây được tiếng vang trong dư luận mà quan trọng hơn là, tiếng nói văn chương ấy như tiếng vọng thời gian ngân mãi trong tâm hồn bạn đọc các thế hệ.
Nhạc sĩ Văn Cao đã dành cho Nguyễn Huy Tưởng những vần thơ rất trân trọng:
“Cái chết của Anh,
Cái chết của nhà văn
Không bao giờ là cái chết.”
Nguyễn Huy Tưởng sống mãi với Thủ đô, với Thăng Long-Hà Nội, với nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất